Người dân hưởng lợi trực tiếp từ các dự án nghệ thuật công cộng

Các dự án nghệ thuật công cộng là một hướng tiếp cận nhiều tính khả thi trong bối cảnh đô thị ở Việt Nam.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn là người tổ chức, trực tiếp thực hiện một số dự án như: Dự án 45 ngày trong phố cổ đươc trưng bày ở trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ; Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng cho một không gian sống tốt đẹp hơn phối hợp cùng quỹ Korean Foundation và UN Habitat cùng hội kiến trúc sư Hà Nội; Dự án nghệ thuật đương đại trong không gian hầm tòa nhà Quốc Hội; gần đây là dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân thuộc dự án cải tạo bờ sông Hồng.

Ý tưởng ban đầu của dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đến khi nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhóm nghệ sĩ tình nguyện nhận được lời mời của quận Hoàn Kiếm. Các nghệ sĩ đã xây dựng một đề án thiết kế cải tạo cảnh quan khu vực đó trong tổng thể một dự án lớn bên bờ sông Hồng. Sau nhiều lần khảo sát và thấy rất hứng thú với quang cảnh ở đây, các anh nhận thấy đây là một khu vực rất tiềm năng, hoàn toàn có những yếu tố lịch sử và yếu tố cộng đồng cư dân bản địa có thể thực hiện được môt dự án nghệ thuật công cộng: “Chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra ý tưởng từ tổng thể đến chi tiết, sau đó tiến hành chọn lọc nghệ sỹ tham gia dự án. Khi nhận đề bài tôi chủ trương tìm kiếm những nghệ sỹ thực hành năng động trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại, có khả năng sử dụng và ứng biến linh hoạt với các loại chất liệu đặc biệt là các chất liệu bền vững. Và quan trọng hơn nữa là nghệ sỹ phải có tinh thần hướng về cộng đồng, sẵn sàng nhiệt tình tham gia, có tố chất riêng của dấu ấn cá nhân nhưng phải làm việc nhóm. Mỗi người được phân vai và đóng vai trò nhất định, kể về những câu chuyện nhất định trong một bản phối tổng thể, và một điều kiện quan trọng hơn cả là nghệ sỹ đó có tình yêu với mảnh đất này, luôn tâm huyết và tình nguyện vì dự án.

Ý tưởng tổng thể xuyên suốt của dự án là chúng tôi muốn truyền cảm hứng về không gian, ký ức bị lãng quên ở khu vực này, chúng tôi muốn dùng nghệ thuật để thắp sáng lên một khu vực bên lề thành phố nơi có nhiều yếu tố lịch sử. Dự án này bước đầu đã làm cho người dân ở đó cũng như chính quyền địa phương thấy được tiềm năng, không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn mang lại lợi ích về ý thức bảo vệ môi trường, không gian vui chơi văn minh. Chính yếu tố sử dụng vật liệu tái chế đã nhận được sự hưởng ứng và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng, từ học sinh, trẻ nhỏ đến người lớn như hội phụ nữ, đội tự quản tham gia đóng góp vật liệu và thực hiện tác phẩm sau đó tự nguyện trông coi bảo vệ tác phẩm. Dự án này có thể tạo tiền đề mở hướng cho việc phát triển khu vực này trở thành một công viên nghệ thuật sinh thái trong tương lai, trở thành một không gian công cộng quý báu giữa một đô thị phát triển nhanh chóng và đang thiếu hụt trầm trọng những không gian văn hóa gắn kết thiên nhiên với cộng đồng”.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, với những dự án nghệ thuật công cộng, người dân địa phương và du khách chính là những người hưởng lợi trực tiếp. Với dự án nghệ thuật phố Phùng Hưng, các tác phẩm đã làm biến đổi toàn bộ cảnh quan, một con phố nghệ thuật độc đáo đã xuất hiện. “Suốt 4 năm nay từ ngày dự án ra mắt, người dân xung quanh khu phố cổ này cũng như du khách thập phương đã đến xem và chụp ảnh rất đông, bất kể ngày đêm khu vực này luôn được mọi người đón nhận như một khu phố mới. Hàng quán đối diện với bức tường vòm cầu có tác phẩm cũng thay da đôi thịt phục vụ nhu cầu của khách tham quan, mang lại lợi ích kinh tế cho những hộ kinh doanh ở khu vực này”.

Với dự án nghệ thuật Phúc Tân, người dân Phúc Tân ban đầu có dò xét hoài nghi, về sau đã trở nên gần gũi với các nghệ sỹ tham gia dự án: “không những chung tay thu gom vật liệu, hỗ trợ lắp đặt mà còn phân công nhau vệ sinh dọn rác, trồng hoa cũng như trông nom giữ gìn các tác phẩm. Trẻ con nơi đây cũng cảm thấy các tác phẩm thân thuộc như một phần của cuộc sống. Nhiều du khách trong nước và quốc tế đã tìm đến tham quan và tìm hiểu về dự án, những người dân địa phương cũng trở thành những hướng dẫn viên nhiệt tình giới thiệu. Rõ ràng là người dân sẽ trở nên có ý thức và trách nhiệm hơn với môi trường cảnh quan khi họ cảm nhận được giá trị của dự án sẽ mang lại lợi ích sinh kế cho họ sau này”.

Với nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, để dung hòa được cảm hứng sáng tạo cá nhân với nhu cầu thỏa mãn tinh thần chung của cộng đồng, bản thân anh cũng như các nghệ sỹ tham gia dự án luôn có xu hướng mở rộng mối quan tâm và thực hành cá nhân với chính mỗi ngữ cảnh cụ thể:

“Bằng cách này cá tính thực hành riêng biệt của từng người vẫn có thể ẩn trong từng tác phẩm. Cảm hứng sáng tạo cá nhân và nhu cầu thỏa mãn tinh thần của cộng đồng không vì thế mà xung đột với nhau, nó càng làm cho ngôn ngữ tạo hình riêng của từng nghệ sỹ có đất dụng võ, vượt qua được thách thức của những chất liệu mới”.

Trong bốn năm gần đây, ngoài các dự án cá nhân, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã dành khá nhiều thời gian cũng như tâm huyết cho việc đưa nghệ thuật đến với cộng đồng thông qua các dự án nghệ thuật cộng đồng.

“Điều này xuất phát từ việc mong muốn phát triển cộng đồng trong việc nhận thức về tầm quan trọng của nghệ thuật trong đời sống cũng như tầm quan trọng của những không gian mang tính ký ức trong đời sống đô thị. Hay nói cách khác là tôi mong muốn nâng cao cảm thức về nơi chốn cho cộng đồng. Có hiểu và yêu các nơi chốn mà mình gắn bó mới có thể tự hào về nó. Tôi thấy rằng nghệ thuật công cộng có khả năng giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc từ chính quyền đến người dân cũng như nâng cao ý thức cộng đồng, tinh thần nhân văn thẩm mỹ cho xã hội. Thay đổi nhận thức là cả một quá trình nhưng nếu không nắm bắt lấy cơ hội để thay đổi thì sẽ mãi mãi chẳng có gì xảy ra. Đó là lý do khi quận Hoàn Kiếm có lời đề nghị thực hiện một dự án nghệ thuật, tôi và nhóm nghệ sĩ tình nguyện cũng đã sẵn sàng nhận lời dù biết rằng sẽ gặp phải những khó khăn trở ngại”.

“Các dự án nghệ thuật công cộng là một hướng tiếp cận nhiều tính khả thi trong bối cảnh đô thị ở Việt Nam. Một dự án nghệ thuật công cộng khi được thực hiên thành công sẽ tạo nên các hiệu quả cộng hưởng đi kèm sau đó, không chỉ nâng cao thẩm mỹ văn hóa chung cho cộng đồng mà còn nâng cao ý thức tôn trọng các tác phẩm nghệ thuật, giúp ích cho việc giáo dục nghệ thuật”.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-dan-huong-loi-truc-tiep-tu-cac-du-an-nghe-thuat-cong-cong-491553.html