Người dân hoang mang với thịt lợn nhập khẩu giá 27.000 đồng/kg

Thịt lợn trong nước đang liên tục rớt giá, rẻ nhất 10 năm qua, nguồn cung luôn dư thừa. Dẫu vậy, hàng nhập ngoại vẫn tràn vào Việt Nam với giá rẻ hơn nửa so với giá thịt trong nước, giá nhập khẩu bình quân 27 nghìn đồng/kg.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt heo các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD. Con số này tăng gần 16% về lượng và 21% về giá trị so với cùng kỳ.

Thịt nạc vai đông lạnh nhập khẩu từ Ba Lan được bán với giá 69.000 đồng/kg

Thịt lợn nhập khẩu chủ yếu bán cho các quán ăn

Khảo sát của PV cho thấy, đa phần các sản phẩm thịt nhập khẩu được bán trên các cửa hàng online.

Tại trang web thucphamvietnam.com.vn quảng cáo hàng chục mặt hàng thịt lợn ngoại như sườn sụn non, thịt nạc vai, thịt ba chỉ, tim, nầm, móng giò... có xuất xứ từ: Ba Lan, Tây Ban Nha... với giá khá hấp dẫn. Cụ thể, thịt ba chỉ có giá 59.000đ/kg, sườn sụn non giá 80.000đ/kg, thịt nạc vai cũng chỉ 69.000 đ/kg, rẻ gần một nửa so với hàng trong nước bán tại các siêu thị...

Riêng các sản phẩm phụ phẩm của lợn như: tim, gan, cật có giá rẻ nhất, chỉ từ 30.000đ/kg – 46.000 đ/kg.

Tại cửa hàng thực phẩm online này, quy trình nhập khẩu và bảo quản được quảng cáo hấp dẫn như: quy trình khép kín và sạch sẽ, đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được bảo quản đông lạnh theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nhiệt độ, đảm bảo chất lượng thịt vẫn luôn giữ được độ tươi ngon sau khi rã đông.

Chị Hoàng Thu Hà - tiểu thương chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân) chia sẻ, cửa hàng chị bán bún, mỗi ngày tiêu thụ hàng tạ móng giò lợn. Tuy nhiên, chị thường mua ở các cửa hàng online vì loại này thường được nhập khẩu từ Mỹ, Ba Lan giá bán ra chỉ 55.000 đồng/kg, rẻ hơn chân giờ Việt khoảng 20.000 đồng/kg.

Một nhân viên cửa hàng thực phẩm online cho biết, sản phẩm nhập khẩu tại cửa hàng bán khá chạy. Đặc biệt là móng giò, sườn sụn và các phụ phẩm, đa phần được các quán ăn mua về chế biến bán cho khách.

Thời gian qua, giá thịt lợn trong nước giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ nặng. Dẫu vậy, so với giá thịt lợn trong nước, giá thịt ngoại vẫn cao gần gấp đôi. Nghịch lý này khiến dư luận và các chuyên gia chăn nuôi trong nước đặt câu hỏi: Chất lượng của những sản phẩm được nhập khẩu này như thế nào?

So sánh với thịt nhập khẩu, chị Hà cho biết, các sản phẩm này chất lượng không cao, nhiều sản phẩm dù được nhập từ Mỹ nhưng vẫn có những lo hàng hết hạn sử dụng, hoặc tồn kho của doanh nghiệp ngoại đẩy sang Việt Nam với giá rẻ. Do vậy, những sản phẩm này chủ yếu bán trên mạng, số nhiều là hàng đông lạnh và chỉ bán được cho các nhà hàng, quán ăn chứ người tiêu dùng nhỏ lẻ ít sử dụng.

Nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 lượng thịt heo các loại được nhập về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Tính đến giữa tháng 3/2017, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt heo các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD. Như vậy tính bình quân mỗi kg thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có giá 1,2 USD, tức khoảng 27.000 đồng.

Cơ quan Hải quan cho biết, các sản phẩm từ lợn nhập khẩu chủ yếu là phụ phẩm sau giết mổ của heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với giá bình quân 21.000 đồng, thịt lợn tươi giá khoảng 39.000 đồng/kg.

Các chuyên gia cho hay, người dùng nên cân nhắc về giá trị dinh dưỡng, độ thơm ngon của thịt lợn này, nhất là cần cảnh giác với thịt quá hạn sử dụng, được dùng cho các mục đích làm thức ăn chăn nuôi.

Trao đổi vấn đề này cũng TS. Nguyễn Quế Côi, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương, Viện Chăn nuôi cho hay, thịt lợn nhập khẩu hiện nay có nhiều loại nhưng không phải cứ nhập khẩu là ngon và chất dinh dưỡng hơn lợn nước ta nuôi.

Ưu điểm chính của thịt lợn xuất khẩu chính ngạch là quy trình sản xuất đảm bảo an toàn. Nhưng trên thực tế, vị chuyên gia này cho hay, tỉ lệ thịt nhập khẩu vào nước ta theo đúng tiêu chuẩn không quá nhiều và càng không thể có giá ngang bằng thịt lợn trong nước chứ chưa nói có giá rẻ hơn. “Trường hợp thịt rẻ cần xem xét lại, thậm chí truy lại nguồn gốc”, ông Côi nói.

Ngoài ra, ông Côi cho hay: “Ở nước ngoài nhiều bộ phận của con lợn xẻ ra không dùng cho người ăn vì có chứa nhiều cholesteron. Các bộ phận này được bán ra để làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón. Ngoài ra, rất nhiều các lô hàng nhập thịt về đều đã hết hạn sử dụng do bảo quản đã quá lâu. Vì thế thịt này không những rẻ như cho mà còn không có chất dinh dưỡng, thậm chí biến đổi chất gây ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe”.

Ngoài ra, vị chuyên gia về lợn cũng cho hay, nhiều người cứ chuộng thịt nước ngoài nhưng thực chất thịt nước ngoài chưa chắc đã ngon và đảm bảo dinh dưỡng bằng thịt trong nước.

Ông Côi giải thích, giống lợn ở nước ngoài thuộc loài cho năng suất cao với thể trạng to, cơ bắp lớn. Tuy cùng là lợn với số sợi cơ như nhau nhưng giống lợn này cho sợi cơ to gấp nhiều lần sợi cơ của lợn ỉn nước ta. Do đó, thịt lợn sẽ kém chắc và dai hơn, thậm chí ăn bở. Ngoài ra, do tăng trưởng nhanh nên thịt lợn nước ngoài nuôi sẽ tích lũy hơn thịt lợn trong nước ta nuôi với thời gian dài. Hàm lượng vi chất trong thịt lợn nước ngoài nuôi ít hơn nên không có độ ngon ngọt, thơm như thịt trong nước.

Theo Thanh Hoa/TBKD

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/nguoi-dan-hoang-mang-voi-thit-lon-nhap-khau-gia-27000-dongkg-182332/