Người dân hiến đất xây cầu

Những ngày đầu xuân, tại thôn 6, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, người dân háo hức, phấn khởi ngóng chờ cây cầu bê-tông đang dần hình thành. Ước mơ bao năm nay của họ đã trở thành sự thật nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của những người hiến hàng nghìn mét vuông đất xây cầu.

Cán bộ chính quyền địa phương đang trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hùng và chị Nguyễn Thị Ngát về đền bù hoa màu.

Cán bộ chính quyền địa phương đang trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hùng và chị Nguyễn Thị Ngát về đền bù hoa màu.

NDĐT - Những ngày đầu xuân, tại thôn 6, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, người dân háo hức, phấn khởi ngóng chờ cây cầu bê-tông đang dần hình thành. Ước mơ bao năm nay của họ đã trở thành sự thật nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của những người hiến hàng nghìn mét vuông đất xây cầu.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh của người dân thôn 5, 6 xã Tân Lập hiện nay, đồng chí Võ Văn Lương, chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, cho biết: Thôn 5, 6 xã Tân Lập là vùng kinh tế động lực của xã nói riêng cũng như của huyện nói chung, là nơi tập trung khoảng 1.480 nhân khẩu, với tiềm năng đất đai rộng lớn hơn nghìn héc-ta, canh tác các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cà-phê, cao su, hồ tiêu… Người dân trong xã qua khu sản xuất phải đi qua cầu treo làm bằng khung sắt (tải trọng 300kg, chiều dài 100m, chiều rộng 1,2m) bằng xe thô sơ. Việc vận chuyển nông sản sau thu hoạch của người dân gặp nhiều khó khăn, không thể qua cầu treo mà phải đi theo đường ĐH21 (đường đất, được đầu tư và sử dụng từ năm 2004 đến nay, xuống cấp nghiêm trọng) từ huyện Kon Rẫy xuống thị trấn Đăk Rve với chiều dài gần chục km và đi qua cầu tràn. Do đó, chi phí vận chuyển tăng, ảnh hưởng đến thu nhập cho người dân. Đặc biệt vào mùa mưa, nước lớn ngập cầu tràn không thể vận chuyển được, hàng hóa tồn đọng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong vùng.

Cây cầu treo cũ vừa yếu vừa nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Ngát (thôn 6, xã Tân Lập) cho biết: Cầu treo qua sông Đăk Pne nhỏ, tải trọng yếu nên chủ yếu chỉ có xe máy qua lại và lưu thông một chiều rất bất tiện. Vì không thuê được xe lớn để qua sông nên chi phí cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu… lúc nào cũng đội lên vài giá; đến mùa thu hoạch thì nông sản bán mất giá vì vận chuyển bằng xe máy, nhỏ lẻ, chi phí cao. Người dân rất mong muốn có cây cầu lớn để giải bài toán đi lại và thuận tiện cho việc giao thương.

Theo ông Đặng Tuấn Tịnh, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, nhiều năm qua, người dân địa phương có nguyện vọng xây một cây cầu lớn giúp giao thông thuận lợi khi qua vùng sản xuất trọng điểm của toàn xã. Chính quyền xã đã đề xuất với huyện chủ trương xây cầu để thuận tiện cho việc đi lại cũng như giao thương.

Sau khi có chủ trương đầu tư xây dựng công trình cầu bê-tông đi qua đất của tám hộ dân trong xã Tân Lập, chính quyền địa phương đã vận động người dân hiến đất xây cầu. Cả tám hộ dân đều đồng ý hiến gần 8.200 mét vuông đất với nhiều cây hoa màu có giá trị kinh tế cao từ 3 đến10 năm tuổi để xây dựng cầu. Trong đó hộ của ông Nguyễn Ngọc Hùng hiến hơn 2.600 mét vuông, hộ bà Nguyễn Thị Ngát hiến hơn 2.400 mét vuông… Đáng chú ý là hộ bà Ngô Thị Tuyết Sương hiến gần 1.900 mét vuông đất, trong đó có 13 mét chiều dài mặt tiền trên Quốc lộ 24 có giá trị rất cao.

Cầu bê-tông mới đang xây dựng có ba nhịp, chiều dài 99m, rộng 6m, cao 9m cùng đường dẫn 2 bên dài 468m với tổng kinh phí gần 22 tỷ đồng. Cầu được khởi công từ tháng 12-2019 và dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành.

Khi cầu hoàn, cây cầu giúp kết nối và đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, tăng khả năng phục vụ sản xuất của dân cư thôn 11, 14 xã Đăk Ruồng; thôn 12 xã Đăk Tờ Re và thôn 5 thị trấn Đăk Rve (khoảng 460 hộ dân với 2.250 nhân khẩu) nằm trên trục đường ĐH21. Góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh - quốc phòng, công tác cứu hộ, cứu nạn khi trên địa bàn Quốc lộ 24 bị chia cắt.

Cây cầu mới đang được thi công.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng (thôn 6, xã Tân Lập) chia sẻ, sau khi nghe chủ trương xây cầu đi qua đất của tám hộ dân trong xã, trên tinh thần tự nguyện, người dân đã hưởng ứng nhiệt tình. Ông Hùng khẳng định: “Với người nông dân, đất là tài sản quý nhất nên khi có chủ trương kêu gọi hiến đất, gia đình tôi đã bàn bạc, thống nhất. Việc làm này mang lợi ích cho cộng đồng, khu dân cư để phát triển kinh tế, mình có thể hy sinh một chút vì cộng đồng. Dân được hưởng lợi từ công trình, nếu cần hiến nữa chúng tôi cũng sẵn sàng”. Cùng chung suy nghĩ với ông Hùng, chị Nguyễn Thị Ngát chia sẻ: “Nếu dự án cần đất san lấp, tôi sẵn sàng "hy sinh" cây trồng lâu năm (từ 8-10 năm) trên rẫy để múc đất san lấp, phục vụ công trình”.

Đưa chúng tôi ra công trình thi công, ông Đào Đức Tiến, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kon Rẫy, thừa nhận: “Nhờ nhân dân ủng hộ chính quyền nên việc xây dựng cầu được thuận lợi. Nhờ người dân hiến đất nên thủ tục để xây cầu nhanh, chủ đầu tư chỉ đền bù hoa màu. Người dân không lợi dụng dự án làm thêm các công trình phụ để đợi nhận đền bù”.

Khi cầu hoàn thành sẽ giải quyết được vấn đề vận chuyển nông sản, góp phần phát triển vùng trồng trọt cho nhân dân xã Tân Lập nói riêng và thị trấn Đăk Rờ Ve và xã Đăk Ruồng nói chung, vì diện tích canh tác của người dân phía bên kia cầu khoảng 3.000 héc-ta, chiếm khoảng 2/3 đất sản xuất của nhân dân trên toàn huyện. Có cầu, chi phí sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ nông sản cho người dân sẽ giảm nhiều. Ngoài ra, việc đi lại, học tập, giao lưu của người dân sẽ thuận tiện hơn nhiều.

Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, chúng tôi tin tưởng rằng cây cầu bê-tông sẽ sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Cùng đó, hàng nghìn héc-ta hoa màu của người dân sản xuất bên kia sông sẽ không bị mất giá, ép giá khi đến mùa thu hoạch.

PHÚC THẮNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/43356702-nguoi-dan-hien-dat-xay-cau.html