Người dân Hàn Quốc 'phân vân' trước hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 3

Trước cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, người dân Hàn Quốc đang bị phân hóa, thắc mắc liệu nó sẽ giúp phá được bế tắc trong đàm phán Mỹ - Triều?

Hai nhà lãnh đạo Triều - Hàn bày tỏ tình thân - Ảnh: AP

Dân Hàn Quốc đang ngày càng nghi ngờ chủ trương làm thân với CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in, ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh lần ba giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Moon và ông Kim đã có cuộc gặp lịch sử đầu tiên hồi tháng 4 và gặp lại nhau vào tháng 5, và ông Moon sẽ có chuyến thăm chính thức Triều Tiên 3 ngày từ 18 đến 20.9 tới.

Dân Hàn Quốc hết vui với cảnh hai nhà lãnh đạo Hàn Triều ôm hôn nhau thắm thiết

Thế nhưng mức độ uy tín của ông Moon đã giảm còn 49%, lần đầu tiên tuột dưới tỉ lệ 50% tính từ khi ông nhậm chức tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 5.2017, sau cuộc tranh cử với lời hứa cải tổ chính trị Hàn Quốc và cải thiện quan hệ tốt hơn với Bình Nhưỡng. Sau lần gặp ông Kim đầu tiên, uy tín của ông Moon tăng lên mức kỷ lục 83%.

Nhưng trước cuộc gặp thứ ba, dân Hàn Quốc đang bị phân hóa, thắc mắc liệu nó sẽ giúp phá được bế tắc trong đàm phán Mỹ - Triều, theo một thăm dò khác hồi đầu tháng 9.

Để so sánh, thăm dò sau cuộc gặp đầu tiên cho thấy dân Hàn Quốc ủng hộ mạnh ông Moon, vì hào hứng được chứng kiến hình ảnh hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều, bắt tay, ôm nhau thắm thiết, cùng đi qua khu giới tuyến phi quân sự DZM và những tình tiết sân khấu khác giữa hai ông Moon - Kim.

Cựu chủ tịch Kim Taewoo của Viện Thống nhất quốc gia (chính phủ Hàn Quốc cấp kinh phí) nói với hãng tin AP: “Dân chúng tôi bắt đầu hiểu Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ, điều mà nhiều chuyên gia đã luôn tiên đoán”.

Tổng thống Hàn Quốc có thể đối mặt với những khó khăn gia tăng, nếu chuyến đi Bình Nhưỡng của ông không đạt được tiến bộ cụ thể để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân (VKHN).

Các chuyên gia nói chồng thêm vào những khó khăn cho ông Moon, là sự phản đối chính sách tăng tốc quan hệ thân thiện liên Triều của ông Moon, và thị trường việc làm suy yếu, giá nhà ở tăng cao.

Giáo sư Nam Sung-wook của Đại học Hàn Quốc nói với AP: “Nếu ông Moon không giải quyết được các vấn đề kinh tế, thì ông ấy không thể duy trì được sự hài lòng chính phủ chỉ bằng chính sách về Triều Tiên. Nếu nền kinh tế trở nên nặng nề hơn, nhiều người sẽ đòi ông Moon ngưng nhìn qua Triều Tiên và bắt đầu giải quyết các vấn đề kinh tế của Hàn Quốc”.

Ông Moon không thể chấp nhận một sự thụt lùi trong quan hệ liên Triều, nhưng ông cũng hiểu rõ tầm quan trọng của sự ủng hộ của dân Hàn về chính sách đối với Triều Tiên của ông.

Cánh bảo thủ lên mặt, không chịu cùng Tổng thống đi Bình Nhưỡng

Chính trị Hàn Quốc thường có hai cánh, với cánh tự do chủ trương hòa giải với Triều Tiên, trong khi cánh bảo thủ luôn xem Triều Tiên là kẻ thù đe dọa an ninh quốc gia.

Hầu hết các dự án làm thân với Triều Tiên của các vị tiền nhiệm cánh tự do như ông Moon đều bị ngưng sau khi phe bảo thủ nắm quyền lực, ông Moon không thể khôi phục chúng vì sự trừng phạt kinh tế Triều Tiên do Mỹ dẫn đầu.

Hai vị tiền nhiệm cánh tự do của ông Moon là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, những người theo đuổi chính sách “Ánh Dương” từ năm 1998 đến 2008, nhưng họ đều bị phe bảo thủ chỉ trích, rằng các chuyến hàng viện trợ và dự án hợp tác kinh tế đã giúp Triều Tiên có tiền cho chương trình tên lửa và VKHN.

Ông Moon từng là chánh văn phòng của Tổng thống Roh, giúp tổ chức cuộc gặp giữa ông Roh với Chủ tịch Kim Jong-il (cha của ông Kim) hồi năm 2007.

Hai tiền nhiệm cánh bảo thủ của ông Moon là Lee Myung-bak - Park Guen-hee luôn bị cánh tự do chỉ trích, rằng chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên chỉ khiến Bình Nhưỡng tăng cường thử vũ khí và hai lần tấn công năm 2010 làm chết 50 người Hàn Quốc.

Ban đầu, sự chống đối chính sách về Triều Tiên của ông Moon không mạnh, phần nào vì cánh bảo thủ bị chia rẽ tiếp sau vụ tai tiếng tham nhũng đã khiến bà Park bị mất chức tổng thống và bị kết án tù.

Nhưng sự phản đối của phe bảo thủ tăng cao, khi lãnh đạo Triều Tiên cử đoàn đại biểu cấp cao và đoàn thể thao dự Olympic mùa đông PyeongChang (Hàn Quốc) hồi tháng 2, gồm cựu chỉ huy tình báo bị cáo buộc tổ chức hai vụ tấn công năm 2010.

Nhưng mọi sự chỉ trích trở nên nhạt nhòa sau cuộc gặp tay bắt mặt mừng của hai nhà lãnh đạo Triều - Hàn, đồng thời cải thiện hình ảnh ông Kim ở Hàn Quốc (lúc đó một thăm dò cho biết 87% dân Hàn tin tưởng lãnh đạo Triều Tiên).

Nay, khi đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều bị đình trệ, phe bảo thủ được dịp vênh mặt. Giáo sư Lim Eul Chul thuộc Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) nói phe bảo thủ “nay có khuynh hướng chỉ trích Triều Tiên và tách ly khỏi chính phủ Moon để thủ lợi chính trị riêng”.

Trong cuộc họp chính phủ tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc nói ông không chỉ cần quốc tế ủng hộ mạnh mẽ, mà còn “cần sự ủng hộ trong nước, không phân biệt đảng phái nào”, để giúp cuộc gặp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng sẽ đạt một bước tiến lớn hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ông Moon nói: “Làm ơn đặt chính trị qua một bên khi đối mặt với những điều quan trọng cho Triều Tiên”, và đề nghị những vị lãnh đạo cánh bảo thủ cùng đi Triều Tiên với ông để dự cuộc gặp thượng đỉnh.

Nhưng phe bảo thủ lập tức từ chối lời mời. Người phát ngôn Yoon Young-seok của đảng Triều Tiên tự do (đối lập) nói vì Triều Tiên không có hành động cụ thể về phi hạt nhân sau hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, “nên thật là quá đáng khi mời chúng tôi đi Bình Nhưỡng. Chúng tôi không thể cưỡng lại việc muốn hỏi lời mời ấy có phải nhằm trao một món quà cho Kim Jong-un”.

Vĩnh Thụy (theo AP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/nguoi-dan-han-quoc-phan-van-truoc-hoi-nghi-thuong-dinh-lien-trieu-lan-3-96762.html