Người dân Hà Tĩnh đón ngày hội Đại đoàn kết tiết kiệm, ấm nghĩa tình

Gượng dậy sau trận lụt lịch sử, người dân Hà Tĩnh hướng về ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần giảm phần lễ hội, tiết kiệm; tập trung vào những hoạt động thiết thực, ấm nghĩa tình.

Sau trận lụt lịch sử, gần như mọi đồ đạc trong nhà đều bị nhấn chìm trong dòng nước lũ, ông Nguyễn Hữu Đường (thôn Đồng Bàu - xã Cẩm Thành - Cẩm Xuyên) vẫn chưa dọn dẹp xong nhà cửa, vườn tược. Thế nhưng, chuẩn bị cho ngày Đại đoàn kết, việc đầu tiên ông làm là đi mua ngay lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc về thay cho những lá cờ cũ đã bị mưa gió làm rách.

Với ông Đường và người dân thôn Đồng Bàu, cờ Tổ quốc không thể thiếu trong ngày hội Đại đoàn kết.

Ông Đường chia sẻ: “Mọi năm, tầm này là làng xóm đã tưng bừng các cuộc lễ hội, liên hoan. Năm nay lũ lụt nên các hoạt động vui chơi cắt giảm để tập trung cho việc chỉnh trang thôn xóm trong dịp ngày hội Đại đoàn kết, tạo không khí mới sau lũ".

Cách đó không xa, người dân thôn Nam Bắc Thành (xã Cẩm Thành) cũng đang tất bật chỉnh trang nhà văn hóa thôn để chuẩn bị cho ngày hội đại đoàn kết được làm điểm của xã theo kế hoạch đã đề ra trước đợt lũ.

Người dân thôn Nam Bắc Thành tích cực chỉnh trang nhà văn hóa kiêm nhà tránh lũ cộng đồng để kịp cho ngày hội lớn.

Khu nhà văn hóa kiêm nhà tránh lũ cộng đồng được xây dựng hai tầng kiên cố, mọi vật dụng trang bị khang trang. Những ngày lũ dâng, nước ngập hơn 1m đã khiến không ít đồ đạc bị ảnh hưởng. Người dân thôn gác việc gia đình, mỗi người một tay dọn dẹp khuôn viên, treo khẩu hiệu, chỉnh trang bàn ghế, loa đài để kịp cho ngày hội lớn.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Thành Dương Đức Quế cho biết: “Năm nay, xã chỉ chọn thôn Nam Bắc Thành tổ chức ngày hội điểm, còn các thôn khác sẽ tập trung cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Hoạt động ngày Đại đoàn kết sẽ được tập trung vào việc vận động các tổ chức đoàn thể ra quân giúp đỡ các hộ già cả, neo đơn, bị thiệt hại nặng dọn dẹp nhà cửa, khôi phục sản xuất. Người dân hưởng ứng rất tích cực nên dù ngày hội không được tổ chức rầm rộ như mọi năm nhưng không vì thế mà giảm đi tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư”.

Các địa phương tích cực ra quân dọn dẹp vệ sinh sau lũ để đón ngày hội.

Cũng vừa trải qua trận lũ lịch sử, người dân thôn Hợp Phát (xã Đức Giang) của xã miền núi Vũ Quang đã có một ngày hội Đại đoàn kết giản đơn mà vui tươi, đầm ấm.

Bà con trong thôn đã mang đến ngày hội những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Không có thời gian để luyện tập kỹ càng, nhưng những lời ca tiếng hát mộc mạc đó vẫn khiến bầu không khí ngày hội thêm vui tươi. Để chia sẻ, động viên bà con, lãnh đạo huyện và đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng đã về dự ngày hội.

Vừa qua mưa lũ, người dân thôn Hợp Phát háo hức đón ngày hội trong không khí đầm ấm.

Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Hợp Phát) chia sẻ: “Được cấp trên về dự chia vui là bà con phấn khởi lắm rồi. Sau lũ, chúng tôi còn nhiều khó khăn, chỉ mong mọi người đồng lòng, các cấp, ngành quan tâm để sớm ổn định cuộc sống”.

Không phải là vùng tâm lũ nhưng năm nay, những hoạt động hướng tới ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh đều hướng về các hộ dân, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Hộ bị ảnh hưởng mưa lũ ở xã Mai Phụ (Lộc Hà) được các tổ chức đoàn thể hỗ trợ sửa chữa, khôi phục vườn mẫu.

Ủy ban MTTQ các cấp huyện Lộc Hà đã tập trung nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn xây dựng, sửa sang lại nhà cửa, chỉnh trang vườn mẫu sau mưa lũ; một số tổ chức thành viên và các nhà hảo tâm cũng đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn trong mưa lũ.

Bà con nhân dân huyện Đức Thọ mà đơn vị chủ công là Hội LHPN huyện đã quyên góp được 3.800 quyển vở học sinh, hàng trăm bộ sách giáo khoa, 1 bộ máy vi tính, quần áo và nhu yếu phẩm ủng hộ Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Cẩm Xuyên.

Người dân thôn Nam Bắc Thành chuẩn bị khẩu hiệu trang hoàng nhà văn hóa .

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy cho biết: “Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ đạo mặt trận các cấp tổ chức các hoạt động kỷ niệm vừa đảm bảo được ý nghĩa của ngày hội, vừa phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đặc biệt là tập trung hỗ trợ bà con vùng ảnh hưởng thiên tai khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Dù người dân Hà Tĩnh phải đón ngày hội đại đoàn kết trong một tâm thế “đặc biệt” hơn, tuy nhiên, không vì thế mà mất đi ý nghĩa của tinh thần đoàn kết. Thực tế cũng chứng minh, càng trong khó khăn, hoạn nạn, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng thêm gắn bó keo sơn”.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/nguoi-dan-ha-tinh-don-ngay-hoi-dai-doan-ket-tiet-kiem-am-nghia-tinh/201762.htm