Người dân Hà Nội bất an với nhiều công trình xây dựng

Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường, siết chặt công tác an toàn trong thi công xây dựng, tuy nhiên người dân sống cạnh các công trình trong khu vực nội đô vẫn chưa bao giờ hết bất an, lo sợ hiểm họa từ hoạt động xây dựng.

Cần cẩu trục di chuyển tại một công trình trên phố Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Bảo Loan

Buộc phải di chuyển trong bất an

Trong những năm qua, Hà Nội đã liên tiếp ban hành các văn bản, chỉ thị về siết chặt, tăng cường quản lý trong hoạt động thi công. Cụ thể, Chỉ thị số 08/CT-UBND năm 2012 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt, sau vụ tai nạn thương tâm tại đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân) xảy ra ngày 27/10/2018, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục ban hành văn bản số 9288/SXD-GĐXD yêu cầu tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Sự chỉ đạo của các cấp, ngành thành phố rất kịp thời. Tuy nhiên, cư dân sinh sống cạnh những công trình đang “rầm rộ” thi công cả ngày lẫn đêm, vẫn luôn nơm nớp, bất an những hiểm họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Chị Đào Liên (28 tuổi, tổ 29, phường Yên Hòa) sinh sống gần Dự án Chelsea Residences (Lô E2, KĐTM Yên Hòa, Công ty CP Xây dựng dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư) đang thi công, nên việc đi lại ở khu vực công trường này là điều không thể tránh khỏi. “Tôi lo lắng về nguy cơ tai nạn tiềm ẩn từ các hoạt động của dự án, đặc biệt là cần cẩu trục hàng ngày đều “vươn tay” ra khỏi phạm vi công trình”, chị Liên nói.

Chị Đào Liên cho biết thêm: “Có những ngày đi dưới cần cẩu trục đang quay ra quay vào trên nóc công trình mà tôi thấy ớn lạnh. Tôi luôn cảm thấy bất an từ sau vụ tai nạn đáng thương xảy ra trên đường Lê Văn Lương. Người đi đường vô tội đã phải mất mạng chỉ vì một sự cố không đáng có như vậy. Chưa kể, gần khu vực công trình này là Trường tiểu học Yên Hòa, hàng ngày có rất nhiều học sinh, phụ huynh đưa đón con đến trường”.

Có con đang theo học tại Trường tiểu học Yên Hòa, chị Đ.T.L (45 tuổi, ở tổ 56, phường Yên Hòa) lo lắng cho biết: “Cần cẩu trục trong Dự án Chelsea Residences đã hoạt động trong thời gian khá dài, suốt ngày đêm. Trong khi, hàng ngày biết bao nhiêu bố mẹ đưa đón con đến trường học, rồi nườm nượp người qua đường vào giờ cao điểm”.

Anh Đỗ Công Anh (ở Cầu Diễn) cũng chung tâm trạng: “Bên trái đường Cầu Giấy có dự án đường sắt trên cao, bên phải đường là công trình nhà cao tầng đang xây dựng (số 293 đường Cầu Giấy) nên hàng ngày đi qua đây, ngẩng đầu lên nhìn thấy 2 cần cẩu ở cả hai bên đang chuyển động trên đầu, tôi cảm thấy rất bất an”.

Ý thức chấp hành an toàn là vấn đề cốt lõi

Cần cẩu trục tại Dự án Chelsea Residences, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Mặc dù các cấp quản lý đã ban hành các quy định về tăng cường quản lý an toàn hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, thực trạng về tai nạn lao động tại các công trường chưa bao giờ giảm nhiệt. Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, thực trạng trên ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng lại không được xử lý triệt để mà chỉ đến khi tai nạn xảy ra, cơ quan quản lý mới “mạnh tay” và “ráo riết” tăng cường xử lý, siết chặt quản lý.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS. Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Ngành mỏ và ngành xây dựng là 2 ngành đứng đầu về số lượng tai nạn lao động. Thực tế là rủi ro trong 2 ngành này là “muôn hình vạn trạng” và tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, quy định về an toàn lao động trong 2 ngành này, đặc biệt là ngành xây dựng, từ xưa đến nay đều khá chặt chẽ.

Những nhà đầu tư nước ngoài vẫn thường nói rằng, công nhân Việt Nam được trang bị bảo hộ lao động nhưng lại rất ngại sử dụng các trang bị đó. Vì vậy, theo tôi, có 2 nguyên nhân căn bản dẫn đến thực trạng trên, đó là sự chấp hành của các bên liên quan và ý thức chấp hành của người lao động. Nhiều người lao động không có trách nhiệm với tính mạng của mình, chấp hành quy định lao động không đúng cách, không đầy đủ hoặc chấp hành một cách chống đối.

Vì vậy, để giải quyết được thực trạng trên thì một là bên thi công phải sát sao trong công tác thi công. Hai là chủ đầu tư phải có thanh, kiểm tra về an toàn lao động trong công trình. Ba là cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm tra cả 2 bên nói trên dựa trên các quy định pháp luật. Quy định đã rõ ràng, đơn vị kiểm tra giám sát tầng tầng, lớp lớp, nhưng suy cho cùng, ý thức chấp hành mới là vấn đề cốt lõi”.

Nói về giải pháp trong an toàn lao động, TS Phạm Sỹ Liêm thẳng thắn: “Bộ Xây dựng và Bộ LĐ-TB&XH là 2 bộ có vai trò then chốt trong công tác thanh, kiểm tra, cũng như tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn lao động trong các công trường. Có thể nói, có 3 cấp giải pháp trong vấn đề này: Thứ nhất là bản thân người công nhân. Thứ 2 là những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tại công trường, trong đó có cả trách nhiệm của đơn vị thiết kế. Thứ 3 là cấp cơ quan quản lý nhà nước. Ba cấp này phải chung tay và vào cuộc thực sự”.

Một số vụ tai nạn lao động thời gian qua:

- Sự cố đứt dây cáp cần cẩu trục tại Dự án The Sun (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), xảy ra hồi tháng 8/2018.

- Sự cố rơi vật liệu khiến 1 nạn nhân tử vong tại dự án Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê nằm trên khu đất (Nhân Chính, Thanh Xuân), xảy ra tháng 9/2018.

- Sự cố thanh sắt rơi từ công trường xây dựng xuống xe ôtô, tại số 63 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), xảy ra chiều ngày 11/10/2018, khiến kính xe ô tô 7 chỗ bị xuyên thủng…

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-dan-ha-noi-bat-an-voi-nhieu-cong-trinh-xay-dung-2018101219590372.htm