Người dân góp nhặt từ vài nghìn đồng chua xót khi nghe dự án lỗ nghìn tỷ

Các đại án tham nhũng nghìn tỷ, dự án thua lỗ nghìn tỷ tiếp tục được đại biểu chất vấn tại Quốc hội, vị đại biểu cho biết cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng phổ biến.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đoàn Long An chất vấn trước Quốc hội về đại án tham nhũng nghìn tỷ, dự án thua lỗ nghìn tỷ.

Phát biểu tại nghị trường hôm qua (26/5), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết, cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, cấp, lĩnh vực gây thiệt hại tiền của Nhà nước và nhân dân rất lớn.

Mặc dù việc đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện sự kiên quyết của Đảng, Chính phủ nhưng tình trạng này vẫn còn nghiêm trọng, việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt thấp.

Bài phát biểu của mình bà Dung cho biết, cử tri lao động nông thôn một nắng hai sương góp nhặt vài nghìn đồng đến vài chục, vài trăm nghìn đồng có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh, lương cán bộ ở cơ sở một tháng chỉ 1,3 triệu đồng vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

“Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ”, bà Dung nói và cho biết cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng phổ biến.

Cũng theo bà Dung, thể chế chính sách kinh tế, xã hội còn nhiều vướng mắc là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách vốn nhà nước, công tác cán bộ…

Trả lời thắc mắc, kiến nghị của cử tri liên quan đến 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2017 ban chỉ đạo đã hoàn thành đề án để xử lý tồn đọng của 12 dự án này và đã báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, sau đó được Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký phê duyệt chương trình xử lý các dự án tồn đọng, với mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ xử lý cơ bản xong những vấn đề tồn tại lớn của 12 dự án này, đến năm 2020 sẽ giải quyết tồn đọng của tất cả dự án.

Đồng thời, có những biện pháp, giải pháp để ngăn chặn việc hình thành hoặc xuất hiện những dự án mới trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Công Thương, trong số 12 dự án này có 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất kinh doanh không có hiệu quả. Trong 6 dự án còn lại có 2 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh đã khôi phục lại được và có lãi, mặc dù lãi còn ở mức khiêm tốn nhưng đã bắt đầu tham gia lại thị trường và hoạt động có hiệu quả. Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 của Hải Phòng và dự án Nhà máy thép Việt Trung.

“Đặc biệt dự án thép Việt Trung về cơ bản trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép đưa ra khỏi 12 dự án này vì đã hoạt động trở lại bình thường và đã khắc phục được những tồn tại cơ bản, cả về điều lệ, cả về mặt pháp lý cũng như quản trị của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Ba dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh gồm PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước, hiện nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại. Theo Bộ trưởng Công Thương đây là một “dự án rất đau đầu”, đã phải xem xét đến trách nhiệm hình sự trong vụ án của những cá nhân liên quan, đó là nhà máy sản xuất xơ sợi polyester của Đình Vũ.

Bốn dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và cũng hoạt động sản xuất kinh doanh đang đi vào ổn định. Gồm nhà máy phân đạm Ninh Bình, nhà máy đạm Hà Bắc, nhà máy DAP số 2 Lào Cai và công ty đóng tàu ở Dung Quất.

Đối với dự án Gang thép Thái Nguyên, Bộ trưởng Công Thương cho biết đang tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý để tổ chức thoái vốn của Nhà nước ra khỏi hai dự án gang thép Thái Nguyên cũng như Tisco của Tổng Công ty thép.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/nguoi-dan-gop-nhat-tu-vai-nghin-dong-chua-xot-khi-nghe-du-an-lo-nghin-ty-3451783.html