Người dân gồng sức chống hạn mặn vượt mức lịch sử

Cống Nàng Âm, cặp sông Cổ Chiên ở Vũng Liêm, giáp với tỉnh Trà Vinh ghi nhận độ mặn cao nhất trong những ngày qua và vượt mức lịch sử năm 2016. Độ mặn lịch sử năm 2016 là 9,6 ‰, còn độ mặn đo được vào cuối năm 2019 là 10.4‰. Những ngày qua, người dân phải sử dụng nước nhiễm mặn, kênh rạch kiệt nước không đủ tưới tiêu.

Phương tiện thủy ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long không thể di chuyển vì mực nước cạn kiệt.

Phương tiện thủy ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long không thể di chuyển vì mực nước cạn kiệt.

Mùa khô năm nay, hạn mặn đến sớm hơn một tháng và có nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng khô hạn khốc liệt được dự báo sớm và đang diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn, thay đổi thất thường. Vĩnh Long ảnh hưởng bởi hai đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào đầu tháng 12/2019 và đầu tháng 1/2020, độ mặn 5‰ bắt đầu xuất hiện và sớm hơn mọi năm.

Bà Nguyễn Thị Năm ngụ xã Trung Thành Tây, huyện Vĩnh Liêm trồng 5,5 công lúa đang 60 ngày tuổi, cây lúa đang giai đoạn làm đòng chờ vô nước trổ bông nếu độ mặn không giảm và không bơm nước vào ruộng thì đất sẽ bị nứt nẻ.

Cù lao dài gồm 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện thuộc huyện Vũng Liêm được bao bọc bởi sông Vũng Liêm và Bang Tra. Tình trạng nhiễm mặn diễn ra 10 ngày nay, dù bà con chủ động nhưng cũng chỉ có thể cầm cự trong thời gian ngắn. Ông Hồ Văn Trọn - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết, xã có 2.940 hộ dân với 10.205 nhân khẩu. Bà con có kinh nghiệm ứng phó từ đợt hạn mặn vào năm 2016 là dự trữ nước sinh hoạt và tưới tiêu nhưng nếu thời gian kéo dài sẽ không cầm cự được. Vì nước sinh hoạt lấy từ sông vô nhưng nay cũng đã nhiễm mặn.

Thông báo về độ mặn được cán bộ xã cập nhập thường xuyên.

Cống Nàng Âm, cặp sông Cổ Chiên ở Vũng Liêm, giáp với tỉnh Trà Vinh ghi nhận độ mặn cao nhất trong những ngày qua và vượt mức lịch sử năm 2016. Độ mặn lịch sử năm 2016 là 9,6 ‰, còn độ mặn đo được vào cuối năm 2019 là 10.4‰.

Vĩnh Long có trên 10.000 hecta lúa đông xuân, 23.890 hecta cây lâu năm thiếu nước tưới trong vòng 1 tuần do đóng cống ngăn mặn, nhiều kênh mương bị bồi lắng không cấp, trữ đủ nước. Các huyện có nhiễm mặn cao là Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình. Anh Mai Văn Sang, ngụ xã Trung Thành Đông cho biết hai năm trước đã chuyển 4 công đất từ trồng lác sang trồng thanh long. Hạn mặn đến sớm, dù gia đình chủ động trữ nước trong ao để tưới cây nhưng chỉ cầm cự được trong vài ngày tới.

Bà Võ Thị Lan, sống cạnh cống Nàng Âm, xã Trung Thành Đông cho biết nước mặn vô cùng khủng khiếp. Nước bình sản xuất ở khu vực này cũng lơ lớ mặn, rất khó chịu. Do nguồn nước thu từ kênh, rạch bị nhiễm mặn và khó khăn trong việc trữ nước ngọt nên buộc các nhà máy phải khai thác nước ngọt bị nhiễm mặn dưới 4‰, lúc triều thấp để cấp tạm thời trong những ngày mặn lên cao.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, ngụ xã Ngãi tứ, huyện Tam Bình cho biết, hạn mặn đến sớm dù đã chủ động chứa nước ngọt nhưng vẫn không đủ tưới, cây trồng héo úa.

Hoa màu không đủ nước tưới, khô héo.

Nông dân Hai Vũ ngụ huyện Tam Bình cho biết đã trồng 5,5 công lúa nhưng hạn mặn đến sớm, lúa không đạt năng suất vì bị lép nhiều.

Người dân tranh thủ tát đìa, bắt tôm cá trong mùa hạn mặn.

Những chiếc xuồng không thể di chuyển trong nội đồng vì mực nước xuống thấp.

Theo các nông dân, hạn mặn đến sớm một tháng đã ảnh hưởng đến năng suất của mùa vụ.

Kênh nối ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình đã gần cạn khô nước.

Cống Vũng Liêm đang gấp rút hoàn thành, thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khi hoàn thành, cùng với các công trình khác trong tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít, cống Vũng Liêm sẽ giúp kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459 hecta diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra công trình chống hạn mặn ở Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/nguoi-dan-gong-suc-chong-han-man-vuot-muc-lich-su-582023/