Đợt mưa lũ vừa qua, hơn 1,5 héc ta đất sản xuất khu vực này đã bị nước lũ cuốn trôi.
Huyện Đại Lộc đã sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân với khoảng 33 nhân khẩu và những tài sản có giá trị khỏi khu vực sạt lở.
Khu vực này trước đây là khu vườn của người dân, nay gần như bị xóa sổ.
Nhiều hàng tre ven sông đã bị cuốn trôi.
Nhiều ngôi nhà trước nguy cơ sụp đổ.
Những ngày này, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, người dân ven sông Vu Gia đứng ngồi không yên khi mỗi ngày nghe tiếng đất lở ầm ầm xuống lòng sông.
Nước sông Vu Gia ăn sâu vào đất nông nghiệp và khu dân cư.
Sau các đợt mưa lũ do cơn bão số 4, số 5 vừa qua, nước lũ dâng cao, sạt lở lấn sâu vào bờ với tốc độ ngày càng nhanh.
Tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia diễn biến phức tạp 3 năm trở lại đây, kể từ khi có công trình đập tạm ngăn dòng đưa nước về thành phố Đà Nẵng.
Vào mùa mưa lũ, nước từ đập tạm đổ về cuồn cuộn gây sạt lở nghiêm trọng.
Tuyến kè hai bên bờ sông Vu Gia đã gần như hư hỏng hoàn toàn.
Bờ kè dài khoảng 300m bị phá hủy hoàn toàn, sạt lở lấn sâu vào bờ hơn 50m.
Hiện nay, tốc độ xâm thực ước tính mỗi ngày từ 3-5m.
Những ngày tới, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn biến phức tạp, Chính quyền địa phương cắm biển, giăng dây cảnh báo người dân không đến gần khu vực sạt lở.
Chính quyền địa phương dùng các bao tải cát để tạo thành chân móng, tạm thời hạn chế sạt lở trong thời điểm mưa lớn, nước lũ dâng cao./.
Long Phi/VOV-Miền Trung