Người dân đổ xô mua bảo hiểm có giúp nhóm cổ phiếu bảo hiểm khởi sắc?

Nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm vẫn không được thị trường 'dòm ngó' dù cho nhu cầu mua bảo hiểm xe máy tăng trong thời gian gần đây.

Trước thông tin Cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân kiểm tra các phương tiện không cần lỗi ban đầu từ 15/5 - 14/6, nhiều người dân đã đổ xô bổ sung bảo hiểm xe máy, mô tô - một trong những giấy tờ phải mang theo khi điều khiển phương tiện lưu thông.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều đơn vị bán bảo hiểm xe máy như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân đội MIC, Tổng Công ty bảo hiểm PVI, Bảo hiểm BIC của Tổng Công ty bảo hiểm BIDV, ABIC của Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp, PTI của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện hay VNI của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Hàng không, Pjico của Tổng Công ty bảo hiểm Petrolimex.

Việc lượng lớn người dân đổ xô đi mua có mang lại triển vọng gì cho các cổ phiếu của công ty bảo hiểm niêm yết trên thị trường chứng khoán?

Cổ phiếu bảo hiểm vẫn “bình chân như vại”

Tương tự các ngành chứng khoán và ngân hàng, ngành bảo hiểm bảo đảm cho quá trình tái sản xuất và đời sống của xã hội được diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, diễn biến của cổ phiếu ngành này lại đang có xu hướng đi ngược lại với triển vọng. Ngoại trừ cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt thì thanh khoản của những mã còn lại khá thấp.

Cổ phiếu BVH của Bảo Việt – một “ông lớn” trong ngành giảm nhẹ 1% trong vòng 1 tuần (từ khi có thông tin CSGT ra quân kiểm tra) về mức 50.100 đồng/cp, thanh khoản giao dịch trung bình đạt hơn 40.000 đơn vị/phiên.

 Diễn biến hồi phục cổ phiếu BVH.

Diễn biến hồi phục cổ phiếu BVH.

Nói về hoạt động kinh doanh, doanh thu phí bảo hiểm thuần trong quý 1 của Bảo Việt tăng 6% lên 7.730 tỷ đồng. Chi phí bồi thường bảo hiểm gốc và chi trả đáo hạn tăng nhẹ lên 3.232 tỷ đồng.

Công ty báo lỗ của hoạt động bảo hiểm gần 163 tỷ đồng. Lợi nhuận hoạt động tài chính giảm gần 5% xuống 1.279 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận từ công ty liên kết và đơn vị đồng kiểm soát tăng 5% lên 21 tỷ đồng, lợi nhuận khác giảm tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ.

Như vậy, trước ảnh hưởng bất lợi từ nền kinh tế, doanh thu phí bảo hiểm thuần của Tập đoàn Bảo Việt tăng 6%, lợi nhuận sau thuế giảm xuống 115 tỷ đồng.

Không như BVH, cổ phiếu PVI của CTCP PVI dần khởi sắc khi ghi nhận mức tăng 2% trong vòng 1 tuần qua, hiện thị giá PVI đang dao động quanh mức 31.000 đồng/cp. Mức tăng trong vòng 1 tuần đã lấy lại đà giảm của PVI trong vòng 1 tháng qua.

Theo Báo cáo tài chính quý 1, doanh thu thuần của PVI đạt 1.241 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 61% xuống 94 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu PVI.

Không tăng cũng không giảm, cổ phiếu VNR của Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) lại có thanh khoản không ổn định, khối lượng giao dịch trung bình trong 1 qua đạt gần 2.000 đơn vị/phiên. Hiện, VNR đang giao dịch quanh mức 19.000 đồng/cp, ghi nhận giảm 4% trong vòng 1 tháng qua.

Các cổ phiếu bảo hiểm khác như PGI của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (Pjico), PTI của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện… có lượng giao dịch khá thấp nhưng ghi nhận đà tăng trong vòng 1 tuần qua. Cụ thể, PGI tăng 4% lên mức 15.900 đồng/cp, PTI tăng nhẹ 1% lên 18.400 đồng/cp.

Cổ phiếu BMI của Bảo Minh, BIC của Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam lại giảm, BMI đang giao dịch tại mức 21.400 đồng/cp giảm 2% trong vòng 1 tuần, BIC cũng giảm 2% về mức 23.400 đồng/cp.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc nhà đầu tư ít quan tâm đến nhóm cổ phiếu bảo hiểm bởi đây là một ngành phải đối mặt với các rủi ro bất thường, khôn lường về thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, hư hỏng, mất mát tài sản…, dẫn tới trách nhiệm bồi thường của hãng bảo hiểm.

Làm gì để cổ phiếu bảo hiểm được thị trường để mắt?

Trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Theo đó, đối với ngành bảo hiểm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng bình quân 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 – 2025; đến năm 2020 có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15%; doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%, đến năm 2025 là 3,5%…

Việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm được thực hiện theo hướng coi trọng phát triển cả về quy mô và chất lượng; phát triển và tăng khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, tạo sự liên thông với thị trường tiền tệ – tín dụng để phát triển cân bằng giữa các cấu phần của thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, nhiều công ty chứng khoán cũng dự báo, trong bối cảnh môi trường lãi suất được nhận định có lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm, lợi nhuận ngành sẽ được cải thiện do hoạt động đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn và danh mục đầu tư tập trung vào trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), điểm nhấn đầu tư thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các cổ phiếu ngành bảo hiểm sẽ tập trung ở các sự kiện có ảnh hưởng tới mô hình kinh doanh và cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp như phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn nhà nước, hay tiến hành cổ phần hóa, niêm yết.

Anh Nhi

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamngaynay.vn/tai-chinh-ngan-hang/nguoi-dan-do-xo-mua-bao-hiem-co-giup-nhom-co-phieu-bao-hiem-khoi-sac-92041.html