Người dân đi ô tô, xe máy sắp phải chịu thêm 1 loại phí chồng phí?

Bộ Tài chính vừa yêu cầu các đơn vị chức năng đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Theo báo Vietnamnet, Bộ Tài chính có văn bản gửi 6 Bộ là Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí...

Trước đó, với lý do nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định thu phí phương tiện xe cơ giới lưu thông tại một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe.

Hà Nội cũng đề xuất giải pháp áp dụng mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện, nhằm hạn chế hoạt động của các loại phương tiện giao thông cũ, phát thải cao.

Nhiều người lo ngại việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải dẫn đến tình trạng phí chồng phí. Ảnh minh họa

Ngày 16/10/2018 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong đó có nội dung Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Liên quan đến vấn đề trên, trả lời báo Người Lao Động, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, việc thu phí phương tiện vào nội đô là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là thu thế nào, có thu được không, bảo đảm công bằng giữa các phương tiện giao thông hay không, khoản tiền thu đó sẽ được thành phố sử dụng làm gì thì cần phải đặt câu hỏi.

Đặc biệt, ông Liên cho rằng, hiện chủ phương tiện giao thông đã phải đóng thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, việc phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường với phương tiện là không đúng, có hiện tượng phí chồng phí.

Thứ hai, trước khi phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường, cần làm rõ khí thải phương tiện tác động như thế nào đến môi trường của Hà Nội. Ví dụ, Hà Nội đưa ra con số thu là 10.000 đồng thì phải chứng minh con số ấy dựa trên tính toán nào? Cần so sánh tác động khí thải phương tiện giao thông lên môi trường với tác động từ vấn đề đô thị hóa, phát triển công nghiệp, xây dựng lên môi trường… Đồng thời, khi ô nhiễm môi trường tăng, tại sao nhiều khu vực cây xanh Hà Nội lại bị thay thế?

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho hay, đời sống của người dân còn rất khó khăn, việc phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện cần xem lại bởi trong giá xăng đã bao gồm thuế bảo vệ môi trường. Nếu thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu, sau đó thu tiếp phí môi trường trên phương tiện thì có nghĩa là thu phí hai lần.

Hoàng Yên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/nguoi-dan-di-o-to-xe-may-sap-phai-chiu-them-1-loai-phi-chong-phi-a255554.html