Người dân Đà Nẵng hối hả chằng chống nhà cửa 'chạy đua' với bão số 9

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9 được đánh giá là mạnh nhất từ đầu năm, người dân Đà Nẵng khẩn trương chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, cắt tỉa cây xanh... trước khi bão đổ bộ.

 Ngày 27/10, tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ..., người dân đổ xô đi mua các loại vật dụng để chèn chống nhà cửa, phòng tránh bão số 9.

Ngày 27/10, tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ..., người dân đổ xô đi mua các loại vật dụng để chèn chống nhà cửa, phòng tránh bão số 9.

Phần lớn những mặt hàng được tìm mua là bao bì dùng đựng cát và nước để chèn chống mái tôn, ống nước nhựa và cao su, dây thép, dây kẽm, tôn, đinh vít, đèn pin, đèn sạc...

Theo một chủ cửa hàng trên đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu), từ sáng sớm, người dân đã đổ xô đi mua các loại vật dụng để chằng chống bão. "Các loại hàng hóa người dân mua chủ yếu là các loại dây thừng, bao tải đựng cát, dây thép... Giá cả thì vẫn vậy, chúng tôi không lợi dụng thời điểm khó khăn để tăng giá", người này cho hay.

Giá các loại bao bì khoảng từ 2.000 - 5.000 đồng/bao. Ống nước nhựa dẻo khoảng 7.000 - 10.000 đồng/cuộn. Ống nhựa PVC giá từ 7.000 - 40.000 đồng tùy theo kích cỡ. Dây thép cuộn dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/cuộn...

Đến chiều tối ngày 27/10, người mua tại các cửa hàng này vẫn không ngớt.

Người dân tích cực chuẩn bị bao cát để cố định mái nhà trước cơn bão lớn.

Hàng trăm bao cát lớn được chất đầy xe tải chở về nhà sử dụng chằng chống nhà cửa

Những hộ nhà cửa đã an toàn thì sẽ phụ giúp những gia đình khác khẩn trương chằng chống, gia cố nhà cửa trước cơn bão số 9.

Một hộ dân gần đường ven biển Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng) gia cố mái tôn bằng bao cát hy vọng sẽ giúp căn nhà chống chọi tốt hơn trước sức gió của cơn bão số 9.

Một số cửa hàng trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng... đã đóng cửa hàng, chằng chống lại cửa bằng các thanh gỗ lớn để đề phòng bão đổ bộ.

Công tác cắt tỉa cây xanh cũng được gấp rút thực hiện...

Thực hiện lời kêu gọi phòng chống bão số 9 của chính quyền, đông đảo bà con ngư dân tại thành phố Đà Nẵng đổ ra bãi biển, âu thuyền để đưa tàu thuyền vào bờ.

Ngày 27/10, các quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng đang khẩn trương di dời dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi kiên cố trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, vào hồi 15h ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,5 độ vĩ Bắc; 112,8 độ kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 580 km, cách Quảng Nam 520 km, cách Quảng Ngãi 470 km, cách Phú Yên 390 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17.

Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 22 km/h. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 550km, cách Quảng Nam 490km, cách Quảng Ngãi 440km, cách Phú Yên 360km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 15,1 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Người dân huyện Thăng Bình, Quảng Nam đào hầm trú ẩn tránh bão số 9. Ảnh Vietnamnet

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Bão số 9 sẽ là cơn bão mạnh nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây. Ảnh Vietnamnet

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Gió mạnh trên đất liền: Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27/10); thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Mưa lớn: Từ nay đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.

Lê Tâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nguoi-dan-da-nang-hoi-ha-chang-chong-nha-cua-chay-dua-voi-bao-so-9-96772.html