Người dân có thể bị phạt nếu không cài Bluezone vào điện thoại

Đây là quy định mới của Bộ Y tế, được áp dụng tùy theo địa phương.

Theo Quyết định 2666 ban hành ngày 29/5, Bộ Y tế yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cài đặt và sử dụng những ứng dụng phục vụ khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, bao gồm ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn, Bluezone và NCOVI...

Các trường hợp có smartphone nhưng không cài đặt, sử dụng app theo quy định có thể bị xử phạt dựa theo tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.

 Theo quy định mới của Bộ Y tế, người dân có smartphone phải cài đặt Bluezone và bật chế độ Bluetooth khi đến nơi đông người. Ảnh: VH.

Theo quy định mới của Bộ Y tế, người dân có smartphone phải cài đặt Bluezone và bật chế độ Bluetooth khi đến nơi đông người. Ảnh: VH.

Theo hướng dẫn đi kèm Quyết định 2666 của Bộ Y tế, người dân có smartphone cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.

Ngoài ra, người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có smartphone phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế VHD và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần. Sau khi khai báo y tế và có mã QR, người dân có thể sử dụng mã này ở các địa điểm yêu cầu khai báo.

Văn bản quy định rõ người dân luôn mang theo mã QR (lưu trong điện thoại hoặc in ra) được sinh ra từ các ứng dụng khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình.

Trong những lần cập nhật sau, người dân không cần khai lại các thông tin chung mà chỉ cập nhật thông tin về triệu chứng, dịch tễ của 21 ngày gần nhất.

Văn bản cũng quy định người dân sau khi khai báo y tế phải luôn mang theo mã QR và chịu trách nhiệm về thông tin mình đã khai báo. Ảnh: Duy Hiệu.

Quyết định 2666 cũng quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc sử dụng các ứng dụng. Quy định này áp dụng với cơ sở khám chữa bệnh, cảng hàng không và các phương tiện giao thông công cộng.

Ví dụ, với phương tiện giao thông công cộng, chủ phương tiện chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin hành khách đi trên phương tiện, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết. Người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện công cộng có smartphone phải cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.

Theo đại diện của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, văn bản đã nêu rõ những trường hợp bắt buộc phải cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế, theo dõi tiếp xúc gần.

“Quy định đã nêu rõ người dân cần phải khai báo y tế bắt buộc, đương nhiên chúng ta phải cài các ứng dụng để thực hiện nghĩa vụ của người dân trong việc khai báo y tế. Văn bản cũng nêu rõ khi đến nơi công cộng, đông người thì bắt buộc phải cài đặt ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth. Nếu như ở không gian cá nhân, ở nhà hoặc nơi không đông người thì không nhất thiết. Việc xử phạt sẽ tùy theo nguy cơ hoặc diễn biến của dịch bệnh ở địa phương.

Như vậy, tùy thuộc vào tình hình ở địa phương, việc xử phạt sẽ được giao cho các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tự xem xét và quyết định”, ông Nguyễn Trường Nam, Cục phó Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết.

Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-co-the-bi-phat-neu-khong-cai-bluezone-vao-dien-thoai-post1221567.html