Người dân chưa mặn mà với y tế cơ sở

Mô hình bệnh tật tại Việt Nam đã thay đổi, trong đó các bệnh không lây nhiễm chiếm đa số, với gần 400.000 ca tử vong mỗi năm. Theo các chuyên gia, người dân không được chăm sóc y tế tại tuyến cơ sở là lý do khiến bệnh không lây nhiễm 'bùng phát', dẫn đến nhiều ca tử vong đáng tiếc.

Chết vì không được chăm sóc tại nhà

TS Jun Nakagawa - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: “Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra 380.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam, tương đương với 73% của tổng số tử vong. Điều đáng buồn là hơn 40% trong số tử vong này xảy ra ờ những người dưới 70 tuổi. Một lý do quan trọng là hầu hết người bệnh không lây nhiễm không được điều trị chủ yếu là do thiếu các dịch vụ cho bệnh không lây nhiễm tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu”- TS Jun Nakagawa cho biết thêm.

Chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Diệu Linh

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 12.000 TYT, trong đó, tổng số TYT thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là 9.821, với số thẻ BHYT đăng ký ban đầu là 21,5 triệu. Trong giai đoạn 2010-2014, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến xã tăng qua các năm với tỷ lệ gia tăng bình quân là 4%. Từ 130 triệu lượt năm 2015 đến 147 triệu lượt năm 2016 và 150 triệu lượt năm 2017.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm thế giới cho thấy đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc đầu tư cho kỹ thuật cao ở tuyến trên. Với việc coi y tế cơ sở (YTCS) là “người gác cổng” trong hệ thống y tế. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 20 xác định YTCS là nền tảng, phương châm của xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận, hiện nay, nhiều người dân còn chưa tin tưởng vào YTCS, thường bỏ qua trạm y tế (TYT) xã, huyện mà vượt lên tuyến trên để khám chữa bệnh. Điều này gây tốn kém cho người dân, đồng thời là một trong những lý do làm quá tải bệnh viện tuyến trên. Nguyên nhân của sự thiếu tin tưởng này là cho chất lượng khám chữa bệnh tại TYT xã, huyện còn chưa cao, thiếu cán bộ y tế, trang thiết bị sơ sài, lạc hậu. Tại nhiều TYT nhưng thiết bị khám chữa bệnh tối thiếu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch...

Theo TS Jun Nakagawa, chất lượng chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở của Việt Nam cần được cải cách, nâng cao. Một nghiên cứu của WHO cho thấy, chất lượng dịch vụ ở cấp cơ sở của Việt Nam khá thấp. Ví dụ dưới 55% các bác sĩ trạm y tế xã có khả năng điều trị đúng tăng huyết áp độ 1. Thiếu thuốc và trang thiết bị cũng là lý do khiến YTCS khó đạt chất lượng cao.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, tổng số TYT xã khám chữa bệnh BHYT đến nay là 9.821 với số thẻ đăng ký BHYT ban đầu là 21,5 triệu, chiếm khoảng 1/4 số người tham gia BHYT (86,9%). Tuy nhiên, chính sách thông tuyến đang tạo ra thực trạng số người khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã có xu hướng giảm. Năm 2014, tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã chiếm 28,3% nhưng đến 2017 chỉ còn 19,9% và giảm xuống 18,5% trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện gia tăng, từ 43,2% (2015) lên 52% (6 tháng đầu năm 2018).

Cần tăng thêm quyền lợi

Tuy nhiên, chi trả BHYT cho người bệnh còn thấp, danh mục thuốc và kỹ thuật ít ỏi cũng là lý do khiến người dân còn lạnh nhạt với YTCS. Chứng minh điều này, Bộ Y tế dẫn chứng, dù số lượt khám chữa bệnh tại tuyến YTCS chiếm trên 70% tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT chung nhưng chi phí lại chỉ chiếm 30%.

Năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản; gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát các TYT chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cần chi nhiều hơn cho YTCS, phân công bác sĩ từ TYT xã lên tuyến huyện học chuyên môn, cử bác sĩ từ tuyến trên xuống một thời gian khám để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới, đầu tư cơ sở vật chất - trang thiết bị y tế. “Cứ để bác sĩ ở TYT xã mãi thì cả đời họ không phát triển được. Có trạm có đến 3 bác sĩ y học cổ truyền, 2 bác sĩ sản mà bác sĩ gia đình không có” – Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Sắp tới, Bộ Y tế quy định tất cả các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch đã ổn định, có phác đồ chuyển về TYT xã điều trị. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế cơ sở, lãnh đạo ngành y tế đề nghị cần bỏ quy định khống chế tỷ lệ chi 20% chi phí khám chữa bệnh TYT, thay vào đó cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới, kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, HIV, lao... Đồng thời, bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp chuyển bệnh phẩm hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên để thực hiện dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán...

Chung quan điểm này, bà Minh cho rằng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ là yếu tố quyết định. Ngành y tế cần đổi mới cơ chế chính sách đầu tư, quản lý cho tuyến xã. Việc đầu tư trang thiết bị phải phù hợp với năng lực chuyên môn của TYT, trước mắt cho các thiết bị khám chữa thông thường.

Diệu Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguoi-dan-chua-man-ma-voi-y-te-co-so-894536.html