Người dân chưa mặn mà việc bảo lãnh xe vi phạm

Quy định về bảo lãnh xe thực chất là nhằm tạo điều kiện cho người vi phạm tự bảo quản xe nhưng thực tế người dân lại chưa mặn mà.

Theo Nghị định 31/2020 thì kể từ ngày 1-5-2020, người vi phạm giao thông có thể bảo lãnh xe của mình về để tự bảo quản.

Bảo lãnh xe vi phạm được đánh giá là một biện pháp tốt để giảm tải lượng xe tạm giữ, cũng như tạo điều kiện cho chủ xe được tự bảo quản. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân lại chưa mặn mà với quy định này.

Biết có quy định nhưng không có nhu cầu

Cuối tháng 5-2020, anh HTA (trú TP Hà Nội) điều khiển ô tô lưu thông trên đại lộ Thăng Long, bị tổ công tác Đội CSGT số 11 xử lý về hành vi chạy quá tốc độ. Theo quy định, ngoài phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn, tài xế sẽ bị tạm giữ xe.

Anh TA cho biết điều anh lo nhất là xe bị tạm giữ có thể bị hư hỏng trong quá trình tạm giữ.

“Nghe có quy định bảo lãnh xe vi phạm thì mừng nhưng khi nghe giải thích phải làm đơn, chờ duyệt trong mấy ngày. Được duyệt đơn xong thì đi đóng tiền hay chuyển khoản gì đó, tôi chạy xe trước giờ đâu rành mấy vụ này đâu, thấy phức tạp quá!” - anh TA nói.

Tương tự, chị HTP (trú TP Hà Nội) vừa bị xử phạt về hai lỗi sai làn đường và không đội mũ bảo hiểm. Điều đáng nói, chị P. đã biết quy định bảo lãnh từ lâu nhưng không có nhu cầu.

Lý do chị P. đưa ra bởi chiếc xe máy của chị có giá trị không quá cao nên không sợ hỏng hóc khi tạm giữ. Quan trọng hơn, chị P. cho rằng để được bảo lãnh sẽ phải làm rất nhiều thủ tục, đi lại nhiều nơi, rất mất thời gian.

“Thủ tục bảo lãnh xe đã mất từ hai đến ba ngày, trong khi thời gian tạm giữ là bảy ngày. Thời gian lo giấy tờ, tôi thấy để làm việc khác sẽ hợp lý hơn” - chị P. chia sẻ.

Những chiếc xe vi phạm bị tạm giữ. Ảnh: LÊ THOA

Những chiếc xe vi phạm bị tạm giữ. Ảnh: LÊ THOA

Quy định đã cụ thể nhưng chưa phù hợp

Đại tá Vũ Quang Thái (Trưởng phòng 8, Cục CSGT, Bộ Công an) nhận định quy định mới về bảo lãnh phương tiện dù đã cụ thể hơn trước đây rất nhiều nhưng thực tế còn một số điểm vẫn chưa phù hợp.

Theo Nghị định 31/2020, mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung phạt cho một hành vi vi phạm, nếu tài xế có nhiều hành vi vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi.

Cùng với đó, thời hạn xem xét quyết định chấp nhận cho phép bảo lãnh xe là không quá hai ngày kể từ khi nhận được đơn, với vụ việc có tính chất phức tạp là không quá ba ngày.

Như vậy, với quy định về mức tiền đặt bảo lãnh, trong trường hợp người vi phạm có điều kiện kinh tế khó khăn, mức phạt cao, giá trị phương tiện lại thấp thì thông thường sẽ không có nhu cầu bảo lãnh.

Chưa hết, trong khi thời hạn tạm giữ phương tiện là bảy ngày thì thời gian giải quyết thủ tục bảo lãnh đã chiếm đến 2-3 ngày, quá dài so với thời hạn tạm giữ.

Để giải quyết những điểm chưa phù hợp trên, Đại tá Thái cho hay thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tìm cách tháo gỡ.

Cục CSGT sẽ có nghiên cứu, đề xuất

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết thêm: Quy định về bảo lãnh xe thực chất là nhằm tạo điều kiện cho người vi phạm tự bảo quản phương tiện nhưng thực tế lại đang gặp nhiều khó khăn.

Cục trưởng Cục CSGT khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi, giao các phòng chuyên môn tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết, làm sao có hành lang pháp lý tốt, thuận lợi hơn cho người dân.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/nguoi-dan-chua-man-ma-viec-bao-lanh-xe-vi-pham-920211.html