Người dân cản trở thi công vì dự án bít lối thoát hiểm

Sáng 25-6, trước việc dự án Trạm trung chuyển tuyến xe buýt nhanh BRT bít hết lối thoát hiểm lâu nay, hàng chục hộ dân tại tổ 57, P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã kéo ra ngăn cản, không cho nhà thầu thi công. Chính quyền và lực lượng Công an đã phải xuống hiện trường để vãn hồi, cơ quan chức năng phải tạm dừng thi công để họp bàn các phương án giải quyết vụ việc.

Sáng 25-6, trước việc dự án Trạm trung chuyển tuyến xe buýt nhanh BRT bít hết lối thoát hiểm lâu nay, hàng chục hộ dân tại tổ 57, P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã kéo ra ngăn cản, không cho nhà thầu thi công. Chính quyền và lực lượng Công an đã phải xuống hiện trường để vãn hồi, cơ quan chức năng phải tạm dừng thi công để họp bàn các phương án giải quyết vụ việc.

Người dân phản đối và cho rằng dự án tiến sát bờ tường, chặn lối thoát hiểm và thoát nước sinh hoạt của họ.

Người dân phản đối và cho rằng dự án tiến sát bờ tường, chặn lối thoát hiểm và thoát nước sinh hoạt của họ.

Làm nứt tường, bít lối thoát hiểm?

Các hộ dân tại tổ 57, P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê có mặt tiền nhà nằm phía đường Nguyễn Tri Phương, phần sau của nhà có 5m dọc theo chiều dài thuộc hành lang sân bay. Từ lâu nay, người dân đã sử dụng phần đất này để sinh hoạt phía sau và trên thực tế đã được xây tường vây lại, nhiều hộ xây dựng công trình kiên cố. Phía sau bờ tường khoảng 1m lâu nay được dùng như một lối thoát hiểm chung. Cho đến khi dự án Trạm trung chuyển tuyến xe buýt nhanh BRT tiến hành công tác giải phóng mặt bằng để thi công, đổ móng, làm nứt ở nhiều vị trí, bít ống thoát nước sinh hoạt phía sau và chặn luôn lối thoát hiểm thì các hộ dân đã viết đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền.

Tại hiện trường, phía sau nhà các hộ dân đã được san ủi và kiềng móng, đổ trụ áp sát bờ tường. Bức xúc vì việc này, đại diện chi bộ, tổ dân phố và người dân đã tập trung cản trở, yêu cầu nhân công và máy móc ngừng thi công. Một số người thậm chí còn có hành vi quá khích, đưa xăng ra đòi đốt máy móc, phương tiện. Cho đến khi đại diện chính quyền, cơ quan Công an đến can thiệp, yêu cầu mọi người tuân thủ pháp luật, không làm phức tạp tình hình thì trật tự mới được phản hồi. Bà Nguyễn Thị Bốn, người dân tổ 57 cho rằng, nhà ở đô thị của người dân rất cần thiết có lối thoát hiểm, hệ thống thoát nước. Bây giờ bị xây bịt thế này thì mùa mưa dễ xảy ra ngập úng, nếu có sự cố thì không có đường thoát ra phía sau. Thực tế thì khi dự án triển khai, người dân không được thông báo cụ thể, không được lấy ý kiến tham vấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khương Mễ - Bí thư Chi bộ Trung Lập B7, P. Thạc Gián cho biết, công trình của Nhà nước thì ai cũng ủng hộ, nhưng thi công thì nên khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến để có sự đồng thuận của nhân dân. "Người dân đã làm đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng, Thành ủy Đà Nẵng. Đề nghị dự án chừa lối thoát hiểm khoảng 1m đất là rất chính đáng. Sống ở đô thị mà không có lối thoát hiểm, không có mương thoát nước thì không ổn. Gần 100 hộ dân chứ không phải là ít", ông Mễ cho hay.

Vết nứt ở tường các hộ dân ngay tường rào dự án.

Dự án sẽ tiếp tục!

Theo ông Đặng Công Tâm - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, tại khu vực mà người dân bức xúc khi dự án Trạm trung chuyển xe buýt nhanh BRT triển khai, về địa giới thì của Q. Hải Châu nhưng nhân hộ khẩu lại do Q. Thanh Khê quản lý. Để dự án đảm bảo đúng tiến độ, Chủ tịch UBND Q. Hải Châu đã có văn bản giao phường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đảm bảo việc thi công tường rào, đảm bảo ANTT. Ông Tâm cho hay, vào thời điểm những năm 80, khi được cấp đất thì các hộ dân đã được cấp đến ranh giới bờ tường hiện tại. Nhưng đến năm 2000, Sư đoàn 372 có yêu cầu chừa vệt đất 5m phía sau để làm hành lang an toàn quanh sân bay. "Nghĩa là hàng chục năm trước đã cấp cho họ rồi chứ không phải là đất trống họ chiếm dụng". Trước đây quận cũng có làm công văn gửi thành phố đề xuất để tiện cho người dân nhưng quan điểm của thành phố là phải dành vệt 5m cho hành lang an toàn. Khi được hỏi về quan điểm của chính quyền địa phương đối với kiến nghị của người dân, ông Tâm cho rằng, xét về quy định, chủ trương mới nhất thì muốn làm lối thoát hiểm, các hộ dân phải làm trong vùng 5m hiện đang sử dụng. Nhưng cái khó là hiện tại công trình nhà dân đã kiên cố, ổn định. Việc dành phần đất phía ngoài tường rào để làm một lối thoát nước sinh hoạt, thoát hiểm cho dân là hợp tình, hợp lý.

Ngay sau khi người dân cản trở và yêu cầu dự án dừng thi công, trong ngày 25-6, cơ quan chức năng thành phố và UBND Q. Hải Châu đã tiến hành cuộc họp để bàn phương án giải quyết. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh - Chủ tịch UBND Q. Hải Châu khẳng định, dự án sẽ vẫn tiếp tục và sẽ không có chuyện nhường đất theo đề nghị của người dân. "Thành phố đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xem xét thu hồi lại vệt hành lang 5m để đảm bảo an toàn bay. Phải thu nữa, thu vô 5m nữa. Chiều nay họp rà soát và chủ trương là sẽ tiếp tục dự án, cần thiết thì phải cưỡng chế, xử lý để dứt điểm", ông Lê Anh nhấn mạnh.

Bảo Nam

* Lãnh đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, đơn vị thực hiện dự án Trạm trung chuyển tuyến xe buýt nhanh BRT cho biết, việc giải tỏa dự án thuộc trách nhiệm của quận huyện, không thuộc trách nhiệm của Ban. Về diện tích người dân đề nghị để làm đường thoát hiểm thuộc đất công nên thẩm quyền xử lý thuộc về thành phố. Trước đây, người dân kiến nghị, nhưng UBND TP không đồng ý giải quyết, hiện nay Ban quản lý đang chờ xem UBND TP Đà Nẵng giải quyết vấn đề này như thế nào để tiếp tục thi công dự án.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_208390_nguoi-dan-can-tro-thi-cong-vi-du-an-bit-loi-thoat-.aspx