Người dân cần tố giác ngay các cửa hàng tăng giá, trục lợi

Trước thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona (nCov) bùng phát, những ngày vừa qua, nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc, thiết bị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đã trục lợi, đẩy giá bất hợp lý đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn tay - chân - miệng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc đồng loạt ra quân, phối hợp với các lực lượng chức năng tổng kiểm tra, xử lý tình trạng găm hàng, tăng giá bán tại các cửa hàng dược; đồng thời, vận động các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế thực hiện việc niêm yết giá bán, ký cam kết không vi phạm về giá, nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn.

- Những ngày qua tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá đối với mặt hàng thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn nạn này, thưa ông?

- Trước thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona bùng phát tại Trung Quốc, đặc biệt sau khi Bộ Y tế thông tin đã có 7 trường hợp dương tính với vi rút corona, trong đó có 3 người Việt Nam, Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) và nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc, thiết bị y tế luôn trong tình trạng quá tải người dân tới hỏi mua mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn tay - chân - miệng để bảo vệ cho bản thân và gia đình. Do nhu cầu sử dụng khẩu trang, các sản phẩm sát khuẩn tăng đột biến đã dẫn tới thiếu hàng, xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện có gần 40 đơn vị trong nước sản xuất khẩu trang, với năng lực sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị chưa có công nhân đi làm, công ty chưa đi vào sản xuất dẫn đến việc khan hiếm, đồng thời xảy ra hiện tượng “găm hàng”, khiến giá khẩu trang tăng đột biến.

- Trước thực trạng này, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai những giải pháp gì để góp phần bảo vệ quyền lợi người dân, thưa ông?

- Ngay sáng 31-1, Tổng cục Quản lý thị trường đã hỏa tốc chỉ đạo bằng Công văn số 149/TCQLTT-CNV yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona, trong đó yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý.

Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389) và các cơ quan liên quan tại địa phương để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg (ngày 1-2-2020) của Thủ tướng Chính phủ trong việc cấm đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tạm đóng cửa các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian có dịch bệnh. Chủ động nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương.

- Sau khi lực lượng quản lý thị trường cả nước ra quân tổng kiểm tra, tình hình kinh doanh khẩu trang trên thị trường có chuyển biến như thế nào?

- Ngày 1-2, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý đồng thời vận động các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế thực hiện việc niêm yết giá bán, ký cam kết không vi phạm về giá, nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Tính đến cuối ngày, đã có 85 cửa hàng bị kiểm tra, xử lý với số tiền vi phạm gần 89 triệu đồng, tạm giữ 4.870 khẩu trang.

Đặc biệt, đối với số khẩu trang có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa và số khẩu trang đang bị tạm giữ tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh xử lý và đưa ngay số hàng này ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.

Hiện, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm việc triển khai công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra và kiên quyết xử lý đúng quy định những đối tượng vi phạm.

Doanh nghiệp và người dân, nếu phát hiện những cơ sở kinh doanh thiết bị y tế lợi dụng tình hình khan hiếm thị trường để trục lợi có thể gọi điện đến hotline của Tổng cục Quản lý thị trường 1900.888.655 để kịp thời phản ánh, tố giác.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Trong đó, tại Hà Nội, dọc tuyến phố Ngọc Khánh, các cửa hàng thuốc đều treo biển thông báo hết khẩu trang y tế. Tại Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU, hai doanh nghiệp phối hợp với Ban Quản lý, lực lượng Quản lý thị trường và Công an tổ chức bán 17.000 hộp khẩu trang loại 50 chiếc/hộp với giá 50.000 đồng/hộp. Dọc tuyến phố Phương Mai, nhiều cửa hàng thuốc bán các loại khẩu trang nhiều loại với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/hộp nhưng số lượng người mua không nhiều. Tại các khu vực khác, nhiều cửa hàng thuốc vẫn bán khẩu trang y tế với giá 3.000 đồng/chiếc (150.000 đồng/hộp) nhưng số lượng người mua không nhiều.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/957126/nguoi-dan-can-to-giac-ngay-cac-cua-hang-tang-gia-truc-loi