Người dân cần tỉnh táo trước các luận điệu xuyên tạc, tránh bị lôi kéo, kích động

Quốc hội trong quá trình chỉ đạo và xây dựng Luật đều tuân thủ quy trình chặt chẽ, có tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp Nhân dân.

Trước việc người dân một số nơi tụ tập đông người và có hiện tượng quá khích ngày 10/6 cho dù đã có thông tin hoãn thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, chiều 11/6, trao đổi với các PV bên hành lang Quốc hội (kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV), Thiếu tướng – ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị người dân lắng nghe, tìm hiểu sâu, không manh động.

Nhiều xe ô tô tại trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận bị đốt, phá. Ảnh báo Dân trí.

Ông Đặng Ngọc Nghĩa khẳng định nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Người dân có thể bày tỏ tinh thần yêu nước thông qua nhiều kênh khác nhau như: Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, kênh tiếp công dân, hoặc gửi kiến nghị bằng văn bản...

“Việc một số người dân có hành động quá khích như đập phá công sở vô hình chung là đã có hành động phá hoại. Đấy không phải là hành động chúng ta biểu thị không đồng tình với dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa dùng từ “chúng ta” khi nhắn nhủ với nhân dân.

Cùng bàn luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

102 người quá khích bị tạm giữ, 28 cảnh sát bị thương, ít nhất 8 ôtô bị đốt và nhiều trụ sở công quyền như UBND tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng bị phá hoại. - Tờ Zing.vn thông tin dẫn lời ông Huỳnh Thái Dương, Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận, chủ trì buổi thông tin vụ người quá khích tấn công trụ sở các cơ quan công quyền vào đêm 10/6.

Từ ngày 4/6, trên mạng xã hội cũng như báo cáo của các địa phương, chúng tôi nhận thấy có một số biểu hiện tụ tập, lôi kéo người dân xuống đường biểu tình nhằm phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.

Từ ngày 10/6 đến rạng sáng 11/6 xảy ra tình trạng tụ tập đông người biểu tình, đập phá tài sản, gây mất trật tự công cộng, vi phạm pháp luật ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Thuận.

Chúng tôi đã có đánh giá sơ bộ trong những ngày qua, nguyên nhân chính là do các lực lượng chống đối, một số phần tử xấu lợi dụng khi Quốc hội bàn dự thảo Luật Đặc khu, lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động, lôi kéo, người dân chưa có đầy đủ thông tin nên đã tham gia các hoạt động nói trên.

Việc người dân nhiều địa phương, nhất là TP.HCM, Bình Thuận thiếu thông tin, bị lôi kéo, kích động tham gia phản ứng dự thảo Luật Đặc khu - trong khi Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật là điều rất đau xót, đáng tiếc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu kịp thời

Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng, các tầng lớp nhân dân quan tâm góp ý, thảo luận, hiến kế, trong đó có việc phản biện xã hội đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước là hết sức cần thiết, là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta rất trân trọng.

Người dân chặn xe tại Phan Rí Cửa làm giao thông trên quốc lộ 1 tê liệt. Ảnh: Hưng Phan.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc biểu lộ nguyện vọng, bày tỏ quan điểm, phản đối quyết định mà người dân cho rằng ảnh hưởng đến đời sống, tương lai của họ mà không sử dụng vũ khí, không đập phá, ngăn cản hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước thì được luật cho phép, không gọi là gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên, với "những hành động như dùng lửa đốt xe, đập phá tài sản, xông vào gây cản trở hoạt động của các cơ quan Nhà nước là vi phạm luật Hình sự 2015 và sẽ bị xử lý nghiêm", luật sư Bùi Quang Nghiêm nói trên tờ Zing.vn

Tại Văn kiện Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: "Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội".

Tại Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Thời gian vừa qua, nổi lên một số vấn đề khiến dư luận xã hội nghi ngại, quan tâm xung quanh Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng. Các ý kiến góp ý cũng như dư luận xã hội được lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe, tiếp thu và có sự điều chỉnh rất kịp thời, nhanh chóng.

Bên hành lang Quốc hội sáng 7/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đã trả lời báo chí, cho biết nhận được rất nhiều tin nhắn, thư, điện thoại của các nhân sĩ trí thức, đại biểu Quốc hội… về vấn đề cho thuê đất 99 năm trong dự thảo luật, nhất là giới trí thức rất tâm tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ lắng nghe các ý kiến, lắng nghe một cách có trách nhiệm đối với các trí thức, nhân dân và các đại biểu Quốc hội. “Khi đưa ra dự án luật như vậy, rất nhiều bà con nhân dân, trí thức, Việt kiều đưa ra ý kiến. Tinh thần yêu nước như thế chúng ta rất hoan nghênh.”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và khẳng định sẽ tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật giúp đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng phát triển bền vững, bảo đảm độc lập, chủ quyền lãnh thổ của đất nước một cách lâu dài. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc điều chỉnh dự thảo luật về việc rút ngắn số năm cho thuê đất, không còn giữ mức 99 năm như dự thảo ban đầu.

“Tôi cũng xin nói rằng đây là đất thuê. Đất thuê đó thực hiện theo quy trình nào, hằng năm UBND trình HĐND giá thuê đất chứ không phải giao vĩnh viễn nhượng tô, nhượng địa như Hồng Công, Ma Cao. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Rất tiếc nhiều người hiểu sai vấn đề này”, Thủ tướng nói.

Tỉnh táo, cảnh giác và chủ động ngăn ngừa

Khi mà dự án luật đã được lùi lại để bàn thảo cho kỹ càng thì những ý kiến góp ý của nhân dân, những vướng mắc sẽ tiếp tục được làm rõ, giải quyết thỏa đáng. Với chủ trương hợp lý như vậy đã được Quốc hội, Chính phủ thống nhất, thông báo kịp thời thì có lẽ việc tiếp tục tuần hành, biểu tình, gây rối… là hết sức vô lý, không thể chấp nhận.

Chúng ta từng có những bài học đáng tiếc về các đợt biểu tình, tuần hành gây rối, gây ra rất nhiều thiệt hại về kinh tế cũng như trật tự an toàn xã hội. Rất nhiều công nhân, người lao động bị mất việc làm, hàng loạt công ty bị đập phá tài sản, trộm cắp, tê liệt hoạt động, rất nhiều người bị kích động sau đó đã bị tạm giam, hầu tòa; có cả người chết và bị thương từ những cuộc tuần hành biến thành ẩu đả…

Cho nên, qua sự việc trên, người dân một lần nữa cần hết sức cảnh giác, không mắc mưu các thế lực xấu lợi dụng tình cảm yêu nước chân chính của nhân dân để kích động các hoạt động tập trung đông người, gây mất trật tự công cộng, vi phạm pháp luật. Lòng yêu nước phải dựa trên cơ sở có hiểu biết pháp luật, nắm vững được bản chất của vấn đề phản biện xã hội. Phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh, không để bị lợi dụng, kích động, vô hình trung vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các thế lực xấu chống phá. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm chính trị-xã hội, nói không với việc tụ tập, tuần hành trái phép, thực hiện đúng quyền dân chủ, giám sát và phản biện xã hội theo đúng quy định của pháp luật; cảnh giác và nói không với những lời kêu gọi tuần hành, tụ tập, biểu tình từ mạng xã hội và những tờ rơi, thông tin trôi nổi, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Với những đối tượng vi phạm pháp luật đã thực hiện các hành vi tán phát thông tin, kích động người dân, lôi kéo tụ tập, biểu tình, các cơ quan pháp luật cần sớm điều tra, làm rõ, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh từ gốc, không để tái diễn những kịch bản phá hoại phức tạp như chúng đã thực hiện trước đây.

Hành vi quá khích, đập phá tài sản ở Bình Thuận là phạm pháp

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc người dân bày tỏ nguyện vọng của mình đối với các vấn đề mà Quốc hội đang thảo luận là một nguyện vọng chính đáng.

Luật sư Trương Quốc Hòe.

Tuy nhiên, có nhiều cách thể hiện như qua các kênh phản ánh kiến nghị, qua tiếp xúc cử tri, qua các phương tiện thông tin đại chúng để bày tỏ nguyện vọng, quan điểm chứ không phải tụ tập rồi đập phá tài sản.

“Sự quan tâm của người dân về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước là hoàn toàn chính đáng và rất đáng trân trọng. Đáng tiếc, vì không tìm hiểu cặn kẽ dẫn đến thiếu tỉnh táo và thiếu cảnh giác, tin vào luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu mà có những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật”, luật sư Hòe nêu quan điểm.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe thông tin, các đối tượng có hành vi kích động, lôi kéo người dân tụ tập, đập phá tài sản đã đủ dấu hiệu cấu thành hai tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 đó là tội “Phá hoại tài sản” và tội “Gây rối trật tự công cộng”.

“Tội phá hoại tài sản hình phạt cao nhất là tù chung thân, tội gây rối trật tự công cộng hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam. Rõ ràng hình phạt dành cho hai tội danh này là rất nặng nên người dân phải bình tĩnh, không được quá khích và không để kẻ xấu lợi dụng rồi vướng vòng lao lý”, luật sư Hòe cho biết.

(Tổng hợp trích đăng tải trên báo Giao Thông; Quân đội Nhân dân, Người đưa tin, Dân Việt).

Chí Kiên

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/nguoi-dan-can-tinh-tao-truoc-cac-luan-dieu-xuyen-tac-tranh-bi-loi-keo-kich-dong-d71419.html