Người dân cần đến đâu để đổi thẻ bảo hiểm y tế?

Tùy theo nhóm nghề nghiệp, người dân được đổi thẻ bảo hiểm y tế tại trường học, doanh nghiệp hoặc xã, phường nơi họ cư trú.

Sáng 24/3, tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho hay cả nước có 86,5 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 88,65% dân số. Tính tới 28/2, số lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước là hơn 24,7 triệu người.

Theo ông Liệu, mẫu thẻ mới được sử dụng từ ngày 1/4 trên toàn quốc. Những người được dùng thẻ này là trường hợp mới tham gia hoặc bị mất, rách, hỏng, sửa thông tin.

Thẻ đang sử dụng làm trên chất liệu giấy, dễ hư hỏng, nhàu nát, khó bảo quản để sử dụng lâu dài. Khi thay đổi thông tin về người tham gia như địa chỉ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, cơ quan bảo hiểm xã hội phải in và cấp mới. Khi thẻ bị mất, hỏng, người tham gia phải đề nghị cấp lại tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi trực tiếp thu, cấp thẻ.

Ông Liệu cho biết việc ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế này.

 Mặt trước mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới sắp ban hành. Ảnh: BHXH.

Mặt trước mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới sắp ban hành. Ảnh: BHXH.

7 điểm khác biệt của thẻ BHYT mẫu mới

- Kích thước: Mẫu mới nhỏ gọn, hình thức đẹp hơn (bằng kích thước thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM ) đảm bảo thuận tiện khi cất giữ, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng.

- Chất liệu: Giấy của mẫu mới dày hơn và được ép plastic để tăng độ bền, cứng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng lâu dài, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng, bay mờ mực in.

- Con dấu: Thẻ mới dùng con dấu của bảo hiểm xã hội Việt Nam, in chức danh, chữ ký, họ tên của Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (hoặc người được Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao ký thừa lệnh).

Trước đây, thẻ sử dụng con dấu của bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố. Việc thay đổi giúp việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn ở bất cứ cơ quan bảo hiểm xã hội nào gần nhất trên phạm vi toàn quốc.

- Mã số in trên thẻ: Chỉ in 10 ký tự chính là mã số bảo hiểm xã hội của người tham gia (thay thế 15 ký tự như trước đây). Điều này giúp người tham gia dễ dàng nhận biết và có thể tra cứu, kiểm tra đầy đủ thông tin quy định về thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng thông tin của bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Mã mức hưởng bảo hiểm y tế: Mã mức hưởng bảo hiểm y tế được chuyển xuống cùng dòng in ngày tháng năm sinh, giới tính, mã nơi đối tượng sinh sống. Điều đó giúp người cao tuổi, chưa có điều kiện sử dụng Internet biết thông tin quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế.

- Địa chỉ người tham gia và mã cơ sở khám chữa bệnh ban đầu: Không in trên thẻ nữa vì những thông tin này có thể tra cứu trên Cổng thông tin giám định bảo hiểm y tế.

- Mặt sau của thẻ: Vị trí này in “Những điều cần chú ý”, chỉ dẫn cụ thể hơn về cách sử dụng thẻ BHYT giúp người tham gia tra cứu thông tin về thẻ bảo hiểm y tế và quyền lợi được hưởng; nắm được cách liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn và giải đáp mọi vướng mắc.

Thủ tục đổi thẻ bảo hiểm

Về nơi nộp và nhận hồ sơ, ông Liệu cho hay học sinh, sinh viên thuộc đối tượng làm thẻ mới hoặc đổi, cần nộp hồ sơ cho nhà trường. Tương tự, người tham gia bảo hiểm y tế đóng tại doanh nghiệp cũng cần nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động. Người được ngân sách nhà nước hoặc tổ chức bảo hiểm xã hội đóng đến xã để nộp hồ sơ.

Người tham gia theo hộ gia đình hoặc được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng thì đến đại lý thu hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội. Riêng trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đổi thẻ bảo hiểm y tế phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội. Người dân đến các nơi tương ứng để nộp hồ sơ, kê khai tham gia hoặc điều chỉnh thông tin theo mẫu.

“Những người đang sử dụng thẻ bảo hiểm y tế mẫu cũ còn thời hạn tiếp tục được dùng để đi khám chữa bệnh, không cần đổi”, ông Liệu cho hay.

Hà Quyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-can-den-dau-de-doi-the-bao-hiem-y-te-post1196610.html