'Người dân cần có kỹ năng sống trên không gian mạng'

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định mỗi lần đọc tin xấu độc là người đưa tin đấy được hưởng lợi, quảng cáo tăng lên và chính người đọc lại lan tỏa những thông tin này.

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 8/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề tin giả, tin xấu độc và các biểu hiện lừa đảo trên không gian mạng

Cụ thể, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về nhiều trang mạng xấu độc nhưng có một lượng độc giả lớn hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội. Giải pháp nào để khắc phục bất cập này?

Đại biểu Lê Công Nhường, Bình Định. Ảnh: Hoàng Hà.

Đại biểu Lê Công Nhường, Bình Định. Ảnh: Hoàng Hà.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cũng chất vấn trách nhiệm của Bộ TTTT về vấn đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Tin giả, tin lừa đảo khó kiểm soát

Ông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận vấn đề tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đây là câu chuyện không chỉ của riêng Việt Nam mà cả thế giới đang phải đối diện. Hiện, vấn đề tin giả chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, các nền tảng trong nước cơ bản quản lý được.

Bộ trưởng TTTT cho biết giải pháp ngăn chặn đầu tiên là phối hợp với các nhà mạng dùng hệ thống lọc tự động để phát hiện. Tiếp đó, các nhà mạng cung cấp thông tin cho Bộ Công an, các chi tiết cuộc gọi, thời gian để có biện pháp răn đe, xử lý.

"Về hành lang pháp lý đã có Luật An ninh mạng. Singapore gần đây cũng đã xử lý nghiêm minh những người tung tin giả, có thể phạt đến hàng triệu USD thậm chí phải đi tù. Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả", ông Hùng thông tin.

Về vấn đề lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận vấn đề này có tồn tại, đặc biệt là qua mạng viễn thông. Hình thức lừa đảo thường dưới dạng cuộc gọi hoặc nhắn tin nói có khoản thừa kế giá trị nhiều triệu đô, đề nghị nạn nhân nộp tiền vào để có thể lấy được thừa kế... có rất nhiều tình trạng như vậy hiện nay.

"Để phát hiện lừa đảo trên không gian mạng rất phức tạp. Chúng ta đã xây dựng được một trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, năng lực xử lý 100 triệu tin một ngày. Bộ đang đầu tư nâng cấp công cụ trí tuệ nhân tạo có thể sàng lọc phát hiện được một số biểu hiện của chuyện lừa đảo", ông Hùng nói.

Bộ trưởng cho biết hiện nay có khá nhiều các doanh nghiệp từ chối hợp tác xử lý thông tin xấu độc, xuất phát từ chỗ họ đến từ một nền văn hóa và một thể chế khác. Cái đấy không đúng, nhập gia tùy tục.

"Hiện, chúng tôi đấu tranh rất mạnh mẽ. Các mạng xã hội mới xuất hiện như Gapo hay Lotus thì phải có công cụ tự động nhận dạng những thông tin xấu độc và tự chọn lọc", ông Hùng thông tin.

Có hai cơ chế gỡ tin xấu độc là yêu cầu trực tiếp với nhà mạng và yêu cầu thông qua Bộ TTTT. "Tôi nghĩ đây là câu chuyện chung tay, công cụ có rồi, luật pháp cơ bản là có rồi. Bây giờ là hành động", tư lệnh ngành TTTT nhấn mạnh.

Đọc tin xấu độc là giúp nó lan tỏa

Thừa nhận trách nhiệm của Bộ TTTT, tuy nhiên, Bộ trưởng Hùng cũng cho rằng các cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng.

"Cũng phải nói thật là tin xấu độc có khi từ chính chúng ta mà ra. Mỗi lần đọc tin xấu là mỗi lần người người đưa tin đấy được hưởng lợi, quảng cáo tăng lên, có nghĩa chính chúng ta lại là người lan tỏa những thông tin này", ông Hùng nêu quan điểm.

Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hải Quân.

Có rất nhiều kỹ năng và cách ứng xử trên mạng xã hội mà người dân chưa quen, khó phân biệt được đúng sai không gian mạng. Do đó, Bộ trưởng coi việc giáo dục nâng cao nhận thức sống trên không gian mạng là cần thiết. Bộ đang kiến nghị làm việc với Bộ GD&ĐT đưa giáo dục kỹ năng này vào trường phổ thông.

Theo tư lệnh ngành TTTT, mạng xã hội là không gian biểu đạt tự do của người dân. Trên không gian này cũng phải có quy định pháp luật, đặc biệt là phải hạn chế tiêu cực để nó lành mạnh hơn, mọi người tham gia không gian này có trách nhiệm hơn.

Bộ TTTT sắp tới tớ sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, nó là một cơ cấu mềm liên quan đến đến đạo đức.

Về việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin, lãnh đạo Bộ TTTT cho biết sẽ yêu cầu dứt khoát phải tìm ra danh tính của các tài khoản này, đồng thời hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ những thông tin trên.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-dan-can-co-ky-nang-song-tren-khong-gian-mang-post1011062.html