Người dân bất an, lo lắng chờ ngày bán đấu giá cây sưa 'trăm tỷ'

Sợ bị kẻ gian ăn trộm, người dân làng Phụ Chính, xã Hòa Chính, Chương Mỹ (Hà Nội) tiếp tục túc trực, bảo vệ hơn 30 cành sưa đỏ từng được định giá trên 100 tỉ đồng…

Trao đổi với phóng viên chiều 20/2, đại diện thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, thành phố và huyện đang thúc giục xã, thôn bán đấu giá lượng gỗ từ hai cây sưa đỏ 130 tuổi và 50 tuổi.

Theo ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính, thời gian Tết vừa qua, công việc trông coi lượng gỗ sưa cũng khá vất vả, tuy nhiên không gặp vấn đề gì bởi khu vực cất giữ được bố trí camera giám sát, có người canh giữ, lại hay có người đi lại, gần đường nên dễ quan sát.

Chiếc container được niêm phong, khóa 4 ổ khóa và hàn 2 thanh sắt chắn ngang 2 cửa. Bên ngoài thùng container được vây tứ phía bởi một rào thép B40 cao 2m. Ảnh: Nhật Tân

Chiếc container được niêm phong, khóa 4 ổ khóa và hàn 2 thanh sắt chắn ngang 2 cửa. Bên ngoài thùng container được vây tứ phía bởi một rào thép B40 cao 2m. Ảnh: Nhật Tân

Cũng theo ông Tuyến, nhân dân cũng đang mong muốn việc bán đấu giá lượng gỗ sưa nói trên nhưng thôn chưa có kế hoạch cụ thể bởi đang có nhiều việc, chưa họp thôn được. “Trên thành phố, huyện cũng đang giục nhưng thôn có nhiều việc nên chưa họp triển khai được”, ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cho hay, nếu họp được thì thủ tục cũng sẽ nhanh gọn vì chỉ cần làm theo quy định thôi. Cụ thể, thôn sẽ làm đơn ra xã để xin bán lượng gỗ sưa. Chính quyền chỉ đứng ra để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

4 ổ khóa với 4 chiếc chìa khóa container được giao cho 4 người uy tín trong thôn giữ, nếu muốn mở cửa thì phải có sự thống nhất của họ. Hai thanh sắt hàn ngang cửa thùng để khi kẻ gian muốn trộm phải dùng máy cưa, như vậy sẽ tạo ra tiếng động lớn và bị phát hiện ngay.

Về định giá, ông Tuyến cho biết, nhiều khả năng thôn phải phối hợp với một đơn vị để định giá vì họ biết giá gỗ sưa trên thị trường là bao nhiêu. Đấu giá thì có quy định của pháp luật, chỉ cần làm đúng theo quy định là được.

“Cũng có ý kiến trong thôn sợ đấu giá thì thành phố, huyện quản lý tiền nhưng không phải. Số tiền thu được sẽ dành để xây dựng các công trình trong thôn. Về cơ bản, dư luận trong thôn rất mong muốn đấu giá bán gỗ sưa vì để trong thôn lâu ngày sợ có điều gì bất an, lo lắng”, ông Tuyến nói. Đồng thời ông Tuyến cho biết sẽ tiến hành họp thôn, đẩy nhanh việc bàn bạc bán đấu giá.

2 chiếc camera góc rộng được bố trí trên cao, gắn bên ngoài tầng 2 của nhà văn hóa thôn để đảm bảo việc bao quát khuôn viên và tránh kẻ trộm dễ dàng phá hỏng.

Theo ghi nhận của phóng viên, do đây là loại gỗ quý nên thôn Phụ Chính đã cử rất nhiều người theo dõi, không những ban ngày mà còn cả ban đêm.

“Hiện thôn phải cử thêm người dân và công an viên thôn để trông số gỗ đã được chặt. Đây là công việc sẽ phải làm đến bao giờ bán được hết số gỗ sưa đó thì thôi, bởi vậy, thôn đã họp và thống nhất sẽ trả công cho những người đã bỏ thời gian, công sức để trông số gỗ đó.

Một đoạn rễ của cây sưa được cắt rời.

Toàn bộ số gỗ sưa được chặt hạ đã được cho vào một container có thể tích chứa 40 tấn hàng. Chiếc container này mới được mua với giá 40 triệu đồng và được đặt tại nhà văn hóa của thôn. Gỗ quý đắt tiền như vậy nên không ai dám thò vào lấy gì đâu. Ban ngày trời sáng thì thôi chứ ban đêm là phải thắp đèn sáng lên.

Tiền công khả năng sẽ được tính theo ngày, mỗi đêm khoảng 50-100 nghìn đồng. Việc này, thôn sẽ trích từ tiền bán gỗ sưa để trả", trưởng thôn cho biết thêm.

Rất đông người theo dõi quá trình chặt hạ cây sưa.

Trước đó như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, vào cuối tháng 1/2019, thôn Phụ Chính đã thuê thợ về chặt hạ 2 cây gỗ sưa ở đình làng dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng.

Hai cây đều có tuổi đời trên 100 năm nên chất lượng gỗ được giới chuyên môn đánh giá rất cao, lõi đỏ và ít bị mục, rỗng.

Hai cây sưa đỏ tại làng Phụ Chính từng được dân buôn gỗ trả giá 100 tỷ đồng/cây vào năm 2015.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-dan-bat-an-lo-lang-cho-ngay-ban-dau-gia-cay-sua-tram-ty-20190220143725252.htm