Người dân bàng hoàng kể lại thời khắc xảy ra động đất, sóng thần tại Indonesia

'Trận động đất rất khủng khiếp. Dù đã được cảnh báo trước, nhưng đây là đợt động đất mạnh nhất mà tôi từng thấy. Khung cảnh vô cùng hỗn loạn, tất cả chúng tôi đều chạy ra khỏi các tòa nhà,' Yanti, một phụ nữ 40 tuổi ở Donggala kể lại.

Hiện tại, hơn 500 người bị thương đang được cứu chữa tại các bệnh viên và trung tâm tị nạn ở Sulawesi. Ảnh: AP.

Gần 400 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương cùng hàng ngàn hộ ra đình mất nhà cửa, trận động đất 7,5 độ richter kèm theo sóng thần tại đảo Sulawesi, miền Trung Indonesia ngày 28-9 được coi là một trong những thảm họa tồi tệ tại nhất đất nước này. Khi được đưa tới trung tâm tị nạn an toàn, các nhân chứng mới nhớ lại thảm cảnh kinh hoàng của sự việc trên, "đẫm nước mắt" thuật lại thời khắc mặt đất rung chuyển cùng sóng thần đổ ập.

Mohammad Fikri, một cư dân ở Donggala vẫn chưa hết bàng hoàng: "Tất cả mọi thứ trong nhà của tôi đều đung đưa và tôi chạy vội ra ngoài. Mất hết thật rồi".

Lực lượng cứu hộ Indonesia gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình tiếp cận các khu vực thiệt hại nặng nề. Ảnh: AP

Các nhân chứng đều bàng hoàng kể lại sự việc. Ảnh: Jakarta Post.

Cũng giống với Mohammad Fikri vì mất hết nhà cửa, Yanti, một phụ nữ 40 tuổi ở Donggala kể lại: "Trận động đất vừa rất khủng khiếp. Dù đã được cảnh báo trước, nhưng đây là đợt động đất mạnh nhất mà tôi từng thấy. Khung cảnh vô cùng hỗn loạn, tất cả chúng tôi đều chạy ra khỏi các tòa nhà".

Vào thời điểm xảy ra động đất, nhiều người đang chuẩn bị lễ cầu nguyện Ngày thứ sáu, ngày quan trọng nhất trong tuần của đạo Hồi. "Tôi vừa bắt đầu cầu nguyện thì chợt nghe tiếng mọi người hét lên động đất, động đất nên tôi dừng lại", Andi Temmaeli, một người dân ở Wajo, phía nam Palu, nhớ lại.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Indonesia Widodo và cho biết sẵn sàng hỗ trợ nước này trong công tác cứu hộ. Ảnh: Getty.

Không chỉ có những người chứng kiến trực tiếp, những người có người thân và gia đình đang đi nghỉ hoặc sinh sống tại Palu cũng đang đứng ngồi không yên. Mirza Arisam, một cư dân của Kendari, thủ phủ tỉnh láng giềng Đông Nam Sulawesi, cho biết chú của anh cùng 5 thành viên gia đình ông, trong đó có ba đứa trẻ, đã đi nghỉ ở Palu và hiện anh chưa thể liên lạc được với họ từ khi xảy ra sóng thần.

Trước đó, Người phát ngôn của cơ quan ứng phó thảm họa Indonesia là Sutopo Purwo Nugroho cho hay trận sóng thần nhiều khả năng đã quét qua một lễ hội được tổ chức trên bãi biển ở thành phố Palu, khiến "hàng chục đến hàng trăm người mất tích", gồm các vũ công và những người dự hội.

Hình ảnh "rơi nước mắt" ghi lại được sau khi thảm họa kép ập đến Sulawesi. Ảnh: Getty.

Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Sulawesi và chuẩn bị các phương án tăng cường ứng phó khẩn cấp. Ông sẽ trực tiếp xuống hiện trường vào ngày 30-9 để chỉ đạo cứu hộ cứu nạn. Theo phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric, quan chức LHQ đã liên lạc với chính quyền Indonesia và "sẵn sàng hỗ trợ theo yêu cầu".

Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đang nỗ lực cao nhất nhằm nối lại hoạt động hàng không tại sân bay Mutiara Sis Al Jufri ở thành phố Palu. Tuy nhiên, trước mắt, chỉ các máy bay nhỏ có thể hoạt động và ưu tiên cho công tác cứu trợ.

Trưởng phòng Truyền thông và thông tin, Văn phòng Bộ Giao thông vận tải Baitul Ihwan cho biết sau khi khắc phục các hư hại, các máy bay nhỏ như ATR 72 đã có thể hạ cánh xuống sân bay. Các nỗ lực đang được tiếp tục để sân bay có thể tiếp nhận các máy bay thương mại.

Ngoài ra, công tác sửa chữa các thiết bị truyền thông và cơ sở hạ tầng sân bay để phục vụ ưu tiên hàng đầu cho công tác tiếp nhận hàng viện trợ cũng đang được đẩy mạnh.

N.U

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/nhan-chung-dam-nuoc-mat-ke-lai-512749/