Người đàn bà xởi lởi mời cơm với nước uống pha thuốc ngủ, rồi mới hành sự

Phạm Thị Trúc T (54 tuổi) không có nghề nghiệp, thường đi lang thang đến bến xe để tiếp cận làm quen với hành khách. Sau khi đã tạo được lòng tin, T thường mời họ ăn uống. Khi ăn xong, hành khách bất ngờ lăn ra ngủ mê, còn T thì lập tức 'cuỗm' tài sản tẩu thoát. Một lần T xuất hiện tại khu vực quầy vé và làm quen với một hành khách khác bằng chiêu thức cũ là mời cơm và nước rau má. Sau khi ăn uống xong, hành khách này lăn ra ngủ. Trong lúc T đang chuẩn bị chiếm đoạt tài sản thì bị lực lượng bảo vệ bến xe bắt quả tang và bàn giao cơ quan công an. Qua khám xét đối tượng, công an phát hiện vỉ thuốc ngủ đã sử dụng hết. T sau đó cũng khai nhận đã bỏ thuốc ngủ vào canh và nước rau má để gây mê nạn nhân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.Vấn đề đặt ra là với hành vi của mình, Phạm Thị Trúc T đã phạm tội gì?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Theo tôi, hành vi của Phạm Thị Trúc T có dấu hiệu của tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015. Tội này là việc người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trong điều kiện người quản lý tài sản hoặc người chủ sở hữu về tài sản không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình, hoặc ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. T đã bỏ thuốc ngủ vào thức ăn và nước uống của hành khách khiến những người này ngủ mê mệt và không thể có phản ứng, không đủ khả năng, điều kiện bảo vệ, quản lý tài sản của mình. Lợi dụng tình trạng đó, T đã lấy tài sản và bỏ đi. Hành vi này đã cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Đỗ Tất Thắng (Văn Chấn - Yên Bái)

Tội Trộm cắp tài sản

Dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút. Theo đó, lén lút là hành vi che giấu việc thực hiện hành vi phạm tội đối với người quản lý tài sản. Đặc điểm hành vi chiếm đoạt của Tội trộm cắp tài sản là tại thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt, ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng người quản lý tài sản không biết được hành vi chiếm đoạt tài sản của mình. Trong vụ việc này có thể thấy T sau khi đánh thuốc mê nạn nhân đã lén lút lấy tài sản của họ. T cho rằng các nạn nhân do ngủ say nên không thể biết được hành động chiếm đoạt tài sản của mình. Điều này theo tôi phù hợp với đặc điểm của tội Trộm cắp tài sản, vì vậy tôi cho rằng T phạm tội Trộm cắp tài sản.

Ngô Hoàng Hưng (Lê Chân - Hải Phòng)

Tội Cướp tài sản

Theo tôi, Phạm Thị Trúc T trong vụ việc này đã thể hiện hành vi cướp tài sản của các hành khách tại bến xe. Mặc dù T không sử dụng vũ lực hoặc vũ khí để đe dọa các hành khách để buộc họ phải giao nộp tài sản cho mình, tuy nhiên việc lén bỏ thuốc ngủ vào thức ăn rồi mời các hành khách ăn làm họ bị mê man, bất tỉnh cũng là hình thức khiến cho những người này không thể chống cự được. Từ đó tạo điều kiện dễ dàng cho T lấy tài sản. Hành động của T như vậy phù hợp với tội Cướp tài sản đã được pháp luật quy định.

Vũ Thu Trang (Biên Hòa - Đồng Nai)

Bình luận của luật sư

Căn cứ theo tình tiết vụ việc như đã phản ánh trên, chúng ta thấy có 3 hướng để định tội danh mà Phạm Thị Trúc T đã phạm. Đó là các tội danh: Trộm cắp tài sản, Công nhiên chiếm đoạt tài sản và Cướp tài sản. Chúng ta thử phân tích 3 hướng này.

Về tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015. Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi dấu hiệu: chiếm đoạt tài sản mang tính công khai và ngang nhiên. Tính chất ngang nhiên của hành vi chiếm đoạt tài sản của tội phạm thể hiện ở các điều kiện sau: Từ thời điểm hình thành ý định phạm tội cho đến khi lấy được tài sản, can phạm không có bất kỳ một thủ đoạn nào, không có ý thức đối phó, đương đầu với người quản lý tài sản, không có ý thức chạy trốn hay nhanh chóng tẩu thoát. Tội phạm xảy ra trong hoàn cảnh người quản lý tài sản biết người phạm tội đang chiếm đoạt tài sản của mình nhưng không có điều kiện và khả năng ngăn cản việc thực hiện hành vi chiếm đoạt. Hành vi công khai lợi dụng người đang quản lý tài sản không có điều kiện ngăn cản, công khai chiếm đoạt tài sản.

Trước hết là đối với chủ sở hữu, với người quản lý tài sản và công nhiên cả đối với người xung quanh. Và, hành vi chiếm đoạt không chỉ còn là mục đích hành động mà phải thực hiện trên thực tế. Về nhận thức chủ quan của nạn nhân: Khi có hành vi chiếm đoạt tài sản, chủ tài sản/người đang quản lý vẫn nhận biết được có hành vi chiếm đoạt, nhưng do họ không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình nên người phạm tội mới ngang nhiên chiếm đoạt tài sản mà không cần dùng bất kì thủ đoạn nào để đối phó với chủ tài sản. Trong vụ việc này người quản lý tài sản không thể nhận biết được hành vi chiếm đoạt của T do họ đã bị đánh thuốc mê trước khi T ra tay chiếm đoạt tài sản. Do đó theo chúng tôi T không phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Về tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015: Hành vi phạm tội được đặc trưng bởi hành vi chiếm đoạt tài sản mang tính chất lén lút. Hành vi lén lút được hiểu là hành vi che giấu việc thực hiện hành vi phạm tội đối với người quản lý tài sản. Ví dụ: Lợi dụng hoặc tạo ra sự sơ hở của người quản lý tài sản, dùng chìa khóa mở cửa, cạy cửa... Trong tội Trộm cắp tài sản, hành vi lén lút không nhất thiết chỉ có hành vi rình mò, vụng trộm, rón rén, chui lủi… để tiếp cận tài sản và thực hiện hành vi chiếm đoạt nhưng không ai thấy, không ai phát hiện… mà hành vi trộm cắp có thể diễn ra một cách công khai trước sự chứng kiến của nhiều người, nhưng những người chứng kiến đó không hề hay biết người phạm tội đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.

Cũng có thể người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản công khai hành vi chiếm đoạt trước người khác nhưng lại lén lút, che giấu hành vi chiếm đoạt đối với chủ sở hữu về tài sản (hoặc người quản lý về tài sản). Ví dụ: hành vi móc túi, móc ví, móc điện thoại di động trên tàu xe hoặc giữa đám đông… Đặc điểm hành vi chiếm đoạt của tội Trộm cắp tài sản là tại thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt, ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng người quản lý tài sản không biết được hành vi chiếm đoạt tài sản của mình. Và, hành vi chiếm đoạt không chỉ còn là mục đích hành động mà phải thực hiện trên thực tế.

Về nhận thức chủ quan của nạn nhân: Hành vi trộm cắp không cho phép chủ tài sản/người đang quản lý biết khi xảy ra hành vi phạm tội, trước khi xảy ra hành vi phạm tội thì tài sản vẫn đang trong sự kiểm soát của chủ tài sản nhưng khi xảy ra hành vi phạm tội chủ tài sản không hề biết tài sản của mình bị chiếm đoạt, chỉ sau khi mất tài sản chủ tài sản mới biết. Trong vụ việc này khi đánh thuốc mê các hành khách, T đã biết chắc chắn rằng nạn nhân của mình sẽ bị tê liệt và rơi vào trạng thái không biết gì. Sau đó T sẽ thực hiện công khai chứ không phải lén lút để lấy tài sản của nạn nhân. Do đó theo chúng tôi Phạm Thị Trúc T không phạm tội Trộm cắp tài sản.

Đối với tội Cướp tài sản, về mặt khách quan của tội phạm là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Hành vi dùng vũ lực thường là đấm, đá, trói… hoặc kèm theo sử dụng các phương tiện, công cụ như dao, súng… Đe dọa dùng vũ lực trong tội cướp tài sản còn tính đến yếu tố “ngay tức khắc”, tức là nó có tính chất mãnh liệt hơn, làm cho người bị đe dọa thấy rằng khi bị đe dọa nếu họ không làm theo yêu cầu của người phạm tội thì người phạm tội sẽ dùng vũ lực ngay với mình và họ sẽ không hoặc khó có điều kiện tránh khỏi. Hành vi khác trong tội Cướp tài sản là hành vi người phạm tội không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, xong bằng mọi cách thức, thủ đoạn, người phạm tội đã đưa nạn nhân vào một tình trạng không còn khả năng quản lý được tài sản như: dùng các loại thuốc ngủ đầu độc nạn nhân, dùng dây chằng qua đường làm nạn nhân vấp ngã để cướp tài sản….

Những thủ đoạn này đều làm người bị tấn công không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản. Về phía nhận thức chủ quan của nạn nhân: Nạn nhân không có sự lựa chọn, bị tê liệt ý chí và tê liệt sự phản kháng, họ buộc phải thỏa mãn yêu cầu của người phạm tội nhằm tránh bị người phạm tội tấn công “tức khắc”. Việc T dùng thuốc ngủ bỏ vào đồ ăn và đưa cho nạn nhân ăn nhằm để nạn nhân vào trạng thái mê man không chống cự được với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Đây được xem là “hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” trong cấu thành của tội Cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Có thể thấy ý thức thức chiếm đoạt trong vụ việc này là quá rõ ràng, quyết liệt và việc chiếm đoạt chỉ thực hiện được khi nạn nhân bị thuốc làm tê liệt ý chí.

Như vậy, qua các phân tích trên có thể thấy, hành vi của đối tượng Phạm Thị Trúc T có thể bị truy cứu về tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Phạm Thái Sơn, Văn phòng luật sư Sơn Phạm

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/nguoi-dan-ba-xoi-loi-moi-com-voi-nuoc-uong-pha-thuoc-ngu-roi-moi-hanh-su/827839.antd