Người dân Ba Vì ủng hộ liên thông các thủ tục hành chính về khai sinh

Sau 3 năm triển khai thực hiện liên thông 3 thủ tục theo Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT/BTP-BCA-BYT, công tác quản lý dân cư, nhân thân trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) đã đạt được kết quả khả quan. Đây chính mô hình liên thông thủ tục hành chính (TTHC) 2 cấp chính quyền giữa 3 cơ quan là Tư pháp, Công an và Bảo hiểm xã hội về đăng ký khai sinh, hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

3 năm, giải quyết được 12.660 trường hợp

Thời gian đầu thực hiện liên thông các thủ tục vẫn còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là phía Công an chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, việc bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ gặp nhiều khó khăn, chưa có cơ chế chi chế độ cho cán bộ thực hiện, người dân chưa thấu hiểu các quy định của pháp luật về liên thông 3 thủ tục.

Thông qua công tác tuyên truyền, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng, ban, ngành, quy trình thực hiện liên thông TTHC đã đi vào nền nếp, giúp giải quyết công việc cho người dân thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí và thời gian đi lại góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Sau 3 năm thực hiện, việc liên thông TTHC tại huyện Ba Vì đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung và ý nghĩa của việc thực hiện liên thông TTHC được triển khai rộng khắp đến mọi đối tượng, bằng nhiều hình thức đa dạng như tổ chức hội nghị, tập huấn, kết hợp với các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thông tin trong các buổi tiếp dân, cuộc họp tổ, khối phố, các buổi sinh hoạt đoàn thể; niêm yết công khai quy trình thực hiện liên thông tại UBND cấp huyện, cấp xã, cơ quan Công an, Bảo hiểm xã hội…

Tất cả điều đó đã giúp người dân hiểu được những tiện ích từ việc thực hiện mô hình liên thông các TTHC, ủng hộ và tích cực hợp tác với cơ quan thẩm quyền triển khai thực hiện liên thông đạt hiệu quả. Công tác phối hợp giữa UBND cấp xã với cơ quan Công an và Bảo hiểm xã hội trong quá trình thực hiện giải quyết liên thông các thủ tục khá chặt chẽ.

Chị C (SN 1990) vui mừng cho biết, để đăng ký khai sinh và làm hộ khẩu cho cậu con trai đầu lòng, chị đã phải đi đi về về ít nhất 4 lượt nhưng vừa rồi thấy “mừng quá” vì chỉ cần đến UBND xã làm đăng ký khai sinh là về sau chị nhận được Giấy khai sinh, nhập hộ khẩu và thẻ bảo hiểm y tế cho cô con gái thứ hai. Bé nhà chị chỉ là 1 trong tổng số 12.660 trường hợp được giải quyết theo Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT/BTP-BCA-BYT tại địa bàn huyện Ba Vì.

Việc thực hiện quy trình liên thông các TTHC đã giúp giảm thiểu được giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, đồng thời giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức; đảm bảo tính kịp thời, chính xác, thống nhất của các thông tin về nhân thân của cá nhân, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú và bảo hiểm y tế. Đáng chú ý là khắc phục được tình trạng trẻ em đã được đăng ký khai sinh nhưng chưa được nhập hộ khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cần đơn giản hóa việc khai báo nhân khẩu

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Trưởng phòng Tư pháp huyện Phùng Hữu Lộc thì địa bàn huyện tương đối rộng (gồm 31 xã và 1 thị trấn), trình độ dân trí thấp hơn so với các quận, huyện gần trung tâm. Người dân sống ở các xã khu vực miền núi còn theo phong tục tập quán cũ nên việc tuyên truyền vẫn còn gặp khó khăn. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã ở một số đơn vị (chủ yếu là những cán bộ đã có tuổi) khi thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch vẫn còn làm theo kinh nghiệm và tư duy cũ.

Liên quan đến việc áp dụng Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, ông Lộc phản ánh, thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ còn phức tạp, rườm rà như phải ghi nhiều nội dung không cần thiết trong phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu khiến việc hướng dẫn người dân gặp khó khăn. Việc sử dụng phần mềm trong giải quyết thủ tục liên thông chưa được thực hiện chặt chẽ. Đa số các trường hợp khi nhập sinh, cán bộ cấp xã vẫn phải trực tiếp đi nộp sau đó mới thực hiện nộp qua phần mềm.

Bên cạnh kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc của cấp cơ sở, ông Lộc mong muốn Trung ương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hộ tịch cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, ông đề xuất Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn, tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức về hộ tịch cho cán bộ cơ sở và đơn giản hóa việc khai báo nhân khẩu trong việc nhập sinh cho trẻ em, trong việc thực hiện liên thông 3 thủ tục.

Gia Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/nguoi-dan-ba-vi-ung-ho-lien-thong-cac-thu-tuc-hanh-chinh-ve-khai-sinh-416401.html