Người đàn bà quyền lực ở Scotland

Sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, không chỉ tác động đến quan hệ giữa London và EU, mà còn gây chia rẽ trong lòng nước Anh. Điểm mấu chốt của sự rạn nứt này là việc Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố, Scotland muốn độc lập và tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland để thúc đẩy sự công bằng và thịnh vượng, đồng thời 'đóng vai trò quan trọng trong một thế giới rộng lớn hơn'.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon. Ảnh: Normangeestar.net

Sinh ra để làm chính trị

Bà Nicola Sturgeon, sinh ngày 19-7-1970, tại thị trấn Irvine, thuộc địa hạt Ayrshire, Scotland. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào năm 1988, Nicola Sturgeon thi đỗ vào khoa Luật, trường Đại học Tổng hợp Glasgow và đã tốt nghiệp cử nhân luật năm 1992.

Ngay từ khi còn học phổ thông, Nicola Sturgeon đã tình nguyện gia nhập đảng Dân tộc Scotland (SNP) và là thành viên cốt cán trong tổ chức thanh niên thuộc SNP. Đầu năm 1992, bà Nicola Sturgeon lúc đó 22 tuổi, ra tranh cử vào Nghị viện Scotland, trở thành ứng viên trẻ tuổi nhất trong cuộc bầu cử quan trọng này.

Thế nhưng số phiếu thuận không đủ để bà được bầu làm nghị sĩ Scotland (MSP). Đến kỳ bầu cử năm 1999, Nicola Sturgeon đã đánh bại đối thủ kỳ cựu Gordon Jackson của đảng Lao động (SLP) đương quyền khi ấy, trở thành nghị sĩ đại diện cho khu vực Govan trong thành phần đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố Glasgow.

Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, luật sư Nicola Sturgeon bắt đầu nổi tiếng trên chính trường, trong vai trò là người phát ngôn của SNP chuyên về các lĩnh vực giáo dục, năng lượng và đầu tư. Đến cuối năm 2004, trong Đại hội thường niên của SNP, luật sư Nicola Sturgeon đã được bầu làm Phó Chủ tịch SNP. Tháng 5-2007, luật sư Nicola Sturgeon được cử làm trợ lý đặc biệt với hàm Thứ trưởng, đồng thời đảm nhiệm chức Thư ký Nội các phụ trách Y tế và An sinh xã hội.

Tháng 9-2012, trong thành phần Chính phủ mới của Thủ tướng Alex Salmond, bà Nicola Sturgeon được bổ nhiệm làm Thư ký Nội các phụ trách Cơ sở hạ tầng, Đầu tư và Phát triển đô thị với hàm Bộ trưởng, chức vụ trọng yếu đứng hàng thứ 2 trong Chính phủ Scotland.

Sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập cho vùng đất Scotland, nhằm tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vào tháng 9-2014, Bộ trưởng Thứ nhất Alex Salmond đã tuyên bố từ chức vì "không hoàn thành giấc mơ hằng đeo đuổi suốt đời mình", để lại mục tiêu đó cho bà Nicola Sturgeon. Bà chính thức trở thành nữ Thủ hiến đầu tiên của Scotland.

Là một người phụ nữ đến từ tầng lớp lao động vùng Ayrshire, Tây Nam Scoland, bà Nicola Sturgeon cam kết dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động vì phụ nữ và trẻ em gái trong vùng lãnh thổ này, bao gồm việc cải thiện các chương trình chăm sóc trẻ em và giải quyết vấn đề mất cân bằng thu nhập.

Theo các nhà bình luận chính trị, bà Nicola Sturgeon là chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất ở Scotland hiện nay. "Với bản tính điềm đạm nhưng quyết đoán, bà ấy hoàn toàn có thể dẫn dắt đất nước này trong xu thế bớt lệ thuộc hơn vào London", ông Alex Salmond nhận xét về bà Nicola Sturgeon.

Thủ hiến Nicola Sturgeon phát biểu về lợi ích khi Scotland trở thành một quốc gia độc lập. Ảnh: Getty

Scotland sẽ ở lại EU

Scotland có khoảng 5,3 triệu dân và có lịch sử 300 năm nằm trong Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016 về Brexit, 52% người dân trên khắp Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland ủng hộ việc này. Tuy nhiên, riêng tại Scotland, có đến 62% người dân lựa chọn ở lại EU. Sau đó, Thủ hiến Nicola Sturgeon nhiều lần khẳng định, Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này.

Ngày 31-3, hai ngày sau khi Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính quyền Scotland đã chính thức đề nghị Thủ tướng Anh Theresa May chấp thuận việc Scotland tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về độc lập của vùng lãnh thổ này. Dự kiến, Scotland sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về khả năng rời Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vào mùa thu năm 2018 vài tháng trước khi nước Anh rời EU.

Theo giải thích của bà Nicola Sturgeon, mùa thu năm 2018, sẽ là thời điểm phù hợp để Scotland tổ chức trưng cầu ý dân lần hai về nền độc lập, bởi khi đó, thỏa thuận Brexit sơ bộ đã rõ ràng và cũng là thời điểm phù hợp để người dân Scotland lựa chọn đi hay ở lại Vương quốc Anh. Điều quan trọng là Scotland có thể thực hiện quyền lựa chọn tương lai của riêng mình vào thời điểm phù hợp khi các sự lựa chọn đã rõ ràng hơn, song vẫn phải đảm bảo trước khi quá muộn để quyết định đi hay ở lại Vương quốc Anh.

Động thái này được cho là càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. Theo Thủ hiến Nicola Sturgeon, việc mất tư cách thành viên trong EU có thể đe dọa các lĩnh vực giáo dục đại học, nông nghiệp, thương mại và nhiều lĩnh vực khác của Scotland. Trong khi hạn chế người nhập cư là chiến lược trọng tâm của Brexit, Scotland lại được hưởng lợi kinh tế nhờ người nhập cư.

Thủ hiến Nicola Sturgeon cho rằng, Scotland sẽ ít bị tổn thương hơn trước xu hướng chống toàn cầu hóa, nhờ các chính sách vừa chào đón người nhập cư vừa tìm cách nâng cao chất lượng lao động của người nhập cư, Cũng theo Thủ hiến Nicola Sturgeon, thông tin chi tiết về việc chia tách kinh tế trong trường hợp Scotland tách khỏi Vương quốc Anh đang được chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 mà bà hy vọng sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, quá trình gia nhập EU không hề đơn giản. Cụ thể, một Scotland độc lập tách khỏi Vương quốc Anh sẽ phải làm đơn xin gia nhập EU như các nước muốn gia nhập EU và phải được sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên EU, chứ không thể đương nhiên là thành viên của EU được. Đây là một khó khăn lớn đối với Scotland, vì nước này phải giành được sự chấp thuận từ tất cả 27 nước thành viên còn lại trong EU.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-dan-ba-quyen-luc-o-scotland/