Người đàn bà kiêu hãnh và nỗi đau thân phận

Đọc tập thơ 'Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà' của Trầm Hương, cảm hứng kiêu hãnh như một thứ hương lan tỏa khắp tập thơ, thấm đẫm trong từng ngữ ngôn, ảnh hình của mỗi câu thơ tạo nên một thi giới thơ thấm đẫm 'vị đàn bà'.

Tập thơ “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” của Trầm Hương.

Tập thơ “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” của Trầm Hương.

Song, sự kiêu hãnh đó không phải là sự kiêu hãnh thường tình ở người phụ nữ như kiêu hãnh vì có nhan sắc, có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, mãn nguyện mà đó là sự kiêu hãnh về nỗi đau thân phận của người đàn bà trước những đổ vỡ, mất mát, dối gian, phụ bạc, bất hạnh mà người đàn bà đã gánh chịu trong cuộc đời nhưng họ vẫn trụ vững, vẫn đứng lên, vẫn vượt qua mọi trở lực để khẳng định sự hiện hữu của mình trước những bão giông của cuộc sống. Đó là những nỗi đau rất đàn bà và chỉ có đàn bà mới cảm hết được nỗi đau ấy. Nỗi đau mà đại thi hào Nguyễn Du đã phải thốt lên một cách cay đắng: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Đây cũng là nỗi đau âm ỉ chảy trong từng trang thơ của Trầm Hương, để rồi thi nhân đã xa xót thở than: “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà/ được trung thực với nỗi đau/ suốt đời không dối trá”.

Trung thực với mình trong từng khoảnh khắc hiện hữu dù là hạnh phúc hay khổ đau là điều cần thiết trong cuộc sống nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thực hiện được. Bởi, trước những tham vọng, những cám dỗ của cuộc đời, con người nhiều khi phải đóng kịch, phải diễn tuồng, phải đeo mặt nạ để che dấu, chối bỏ, phủ nhận cả niềm hạnh phúc và nỗi đau của mình, biến mình thành một kiểu “kép Tư Bền” trên sàn diễn cuộc đời. Song, người phụ nữ trong thơ Trầm Hương thì khác. Họ sống “trung thực với nỗi đau/suốt đời không dối trá” và xem đây là một niềm kiêu hãnh vì họ dám chấp nhận sự thật, chấp nhận những cay đắng của phận số mà họ gặp phải trong cuộc đời vốn đầy những bất an. Và điều này đã kết tinh thành nỗi đau thân phận và hiển hiện trong thơ Trầm Hương như một tâm thức hiện sinh đi suốt hành trình sống của một người phụ nữ từ “thời thiếu nữ” với biết bao “khao khát, trăn trở, kiếm tìm” cho đến khi được làm một “người mẹ”. Suốt hành trình ấy, người phụ nữ phải trải qua biết bao trạng thái cảm xúc trước những được mất ở cuộc đời, trước những khổ đau và hạnh phúc trong tình yêu nhưng người đàn bà ấy vẫn giữ cho mình một “niềm tin thầm lặng” dẫu đang đối diện với “cô đơn”, với “tuyệt vọng”: “Ai trong đời chẳng đối mặt với cô đơn / Phút tuyệt vọng đến khôn cùng sâu thẳm/ Nhưng sau đó tất cả rồi sẽ khác/ Anh – niềm tin thầm lặng dịu dàng…”.

Tin yêu và lạc quan là thế, nhưng đó cũng chỉ là tin yêu và lạc quan của một người thiếu nữ khi mới bước vào tình yêu với biết bao khao khát và lãng mạn của thời con gái hồn nhiên và vô ưu. Cái thời nhìn cuộc đời và tình yêu chỉ là một màu tin yêu, hy vọng. Nhưng cuộc đời không bao giờ đứng yên, mọi sự vật rồi cũng biến thiên theo lẽ tuần hoàn của tạo hóa. Và cái thời con gái đầy mơ mộng ấy rồi cũng qua đi với những buồn vui không đếm được, nên tất cả tin yêu rồi cũng thành hư ảo trôi theo tháng ngày mà những lời thơ đắng chát trong thi phẩm “Phút thinh lặng mùa xuân” là một minh chứng: “Xuân về em đầy thêm một tuổi/ Quay lại nhìn đời đã khác xưa/ Những ước mơ hóa thành ảo vọng/ Gởi hồn bay giữa trời mây”. Để rồi, người thiếu nữ ngày nào nay đã trở thành một “Người đàn bà nhạt nhòa / lẫn vào mưa bụi” để gánh chịu “những hạt thương khó cuối mùa”. Đọc những câu thơ này, lòng ta không khỏi xa xót trước những nỗi đau như một tất yếu của phận số mà người đàn bà phải gánh chịu. Bởi, đối với người phụ nữ, thời con gái sẽ qua đi rất nhanh, thậm chí qua đi khi họ chưa kịp sống với nó, chưa kịp ý thức về sự hư hao của nó, để có thể tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nếu có trong cuộc đời.

Là một phụ nữ, lại là một phụ nữ viết văn, hơn ai hết, Trầm Hương rất có ý thức về những nỗi đau trong cuộc đời người phụ nữ mà phận số đem lại. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong sự nghiệp văn chương của mình, Trầm Hương viết nhiều về người phụ nữ cả trong văn xuôi, trong kịch bản văn học, điện ảnh và trong thơ. Thành công của chị trong việc xây dựng hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm như “Người đẹp Tây Đô”, “Đêm Sài Gòn không ngủ”, “Trong cơn lốc xoáy”… đã cho thấy cái duyên của chị với mảng đề tài phụ nữ mà nhà văn xem như một chọn lựa hiện sinh, để dấn thân trong hành trình sáng tạo văn chương của mình. Cho nên có thể nói, chọn lựa đề tài về người phụ nữ để dấn thân, Trầm Hương không chỉ viết cho người phụ nữ mà đó còn là viết cho chính cuộc đời mình, cho niềm kiêu hãnh của chính mình, niềm kiêu hãnh của người đàn bà sống với nhiều nỗi đau, với niềm cô đơn dằng dặc nhưng không bao giờ gục ngã. Vì vậy, niềm cô đơn trong cảm thức của thi nhân cũng “ngọt ngào” như nhà thơ tình tự: “Căn phòng em tràn ngập ánh trăng soi/ Đốt đèn làm chi trái tim là ngọn lửa/ Khoảng cách xa em giàu trong thương nhớ/ Uống cô đơn ngọt ngào dòi dõi phía xa”.

Trần Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nguoi-dan-ba-kieu-hanh-va-noi-dau-than-phan-102018-102018.html