Người đàn bà dang dở cuộc đời vì một cuộc tình u mê

Đến lúc có chồng con rồi Đinh Thị Hà mới có cảm giác được yêu và những rung động ấy khiến người mẹ hai con bỏ nhà về TP chung sống với nhân tình. Hà đâu ngờ từ người đàn ông có sức hút ghê gớm ấy lại là một con nghiện. Từ sự dẫn dắt của anh ta, cô trở thành tội phạm để rồi lãnh bản án 20 năm tù về tội mua bán ma túy.

Số phận đùa cợt?

Người đàn bà ấy là phạm nhân Đinh Thị Hà, SN 1977, ở Thái Nguyên. Đeo băng tổ trưởng, Hà nổi bật giữa lán lao động dành cho hơn 100 phạm nhân nữ làm công việc đính cườm bởi chiếc áo khoác màu thiên thanh.

Dáng người dong dỏng, nước da trắng và nhất là mái tóc búi trễ khiến Hà nổi bật. Hà sinh ra ở Tuyên Quang, 18 tuổi lấy chồng nhưng cuộc sống gia đình đơn điệu đã khiến trái tim khao khát yêu của người đàn bà nhan sắc luôn cảm thấy thiếu thốn.

Số phận đùa cợt thế nào lại khiến Hà tình cờ gặp rồi quen một người đàn ông Hà thành hơn cô tới gần hai chục tuổi khi anh ta lên đây mở xưởng bánh kẹo. Cường - tên người đàn ông đó không đẹp trai nhưng sự nam tính của người từng trải đã khiến trái tim bà mẹ 2 con như Hà thổn thức. Sau một thời gian lén lút qua lại, Hà bỏ chồng, bỏ con, theo người tình về Hà Nội thuê nhà sống.

Năm 2003, Hà sinh một bé trai nhưng vẫn chưa một lần được Cường dẫn về giới thiệu với gia đình. Cùng năm đó, cô mới biết nhân tình của mình nghiện và dính dáng đến chuyện mua bán ma túy. Một năm sau, đường dây bị phát hiện, Cường bị bắt giữ. Hà được tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ. “Em bị qui kết tham gia mua bán hơn 4 bánh heroin, bị phạt 20 năm 6 tháng tù”, Hà tâm sự.

Năm 2006, Hà đi trả án tại trại giam Hoàng Tiến đến năm 2011 được chuyển về trại giam Quyết Tiến theo nguyện vọng của gia đình. Đứa con trai nhỏ được gia đình Cường đón về nuôi và kể từ đó cô bặt tin về đứa trẻ. Hà cũng không biết Cường còn sống hay đã thi hành án rồi (Cường bị tuyên án tử hình).

Phạm nhân Đinh Thị Hà đang truyền đạt kỹ thuật đính hạt cườm cho một phạm nhân mới vào.

Những hy vọng mong manh

Là người có cách nói năng nhẹ nhàng, mạch lạc, Hà được quản giáo tín nhiệm, giao cho làm tổ trưởng, có nhiệm vụ truyền đạt kỹ thuật đính hạt cườm cho những phạm nhân mới đến và giám sát công việc họ làm. Theo lời Hà thì công việc tuy nhẹ nhàng nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ bởi sự nhận thức của các phạm nhân không đồng đều, tính cách lại khác nhau nên có người vui vẻ tiếp thu, có người chống đối.

Hỏi về gia đình, nhất là hai đứa con trai mà Hà bỏ rơi từ lúc còn bé tẹo, người đàn bà đẹp này mau nước mắt: “Em có lỗi với chúng nhiều lắm. Cũng may là các con ngoan, học giỏi và giờ đều đã thông cảm cho mẹ”.

Bước chân vào trại giam, những đêm buồn không ngủ được, Hà mới có dịp nhìn lại chặng đường mình đã đi qua và không khỏi day dứt nghĩ đến hai đứa con đã bị người mẹ rũ bỏ chỉ vì đam mê tình ái. Hà bảo phải đấu tranh, dằn vặt lắm, chị ta mới có đủ dũng khí để viết thư cho hai đứa con đang sống với bố ở huyện Na Hang.

Lá thư đầu không có hồi âm, Hà viết tiếp lá thư thứ 2 rồi tiếp nữa, tiếp nữa cho đến khi nhận được. Hà không nhớ đã viết bao nhiêu lá thư, trong thời gian dài hay ngắn. Chỉ biết rằng khi nhận được thư của các con, người mẹ tội lỗi này đã òa khóc vì hạnh phúc.

“Tôi không dùng lời lẽ biện minh cho việc làm lầm lỗi của mình. Tôi thành thật nhận lỗi, xin các con tha thứ và kể cho chúng nghe về sai lầm của mình. Tâm trạng và cuộc sống của tôi trong trại giam diễn ra thế nào, tôi cũng tâm sự hết với các con. Tôi mong muốn chúng coi đó làm bài học để đừng vấp phải”, Hà kể.

Hà bảo rằng từ ngày nhận được thư của các con, những lá thư gửi đi, gửi lại giữa ba mẹ con đã giúp Hà rất nhiều trong quá trình cải tạo. Hà bảo cô may mắn có được 2 đứa con ngoan, may mắn được người chồng có trách nhiệm, nuôi dạy 2 con nên người. “Thằng lớn tốt nghiệp ĐH, đã đi làm, đứa thứ hai thì đang học năm thứ nhất”, Hà kể.

Hỏi Hà về đứa con mang danh tình yêu, cô khe khẽ: “Từ ngày đi tù, em bặt tin cháu luôn. Em muốn viết thư cho con lắm nhưng không biết địa chỉ.” Theo nhẩm tính của Hà thì đứa trẻ ấy nếu học đúng tuổi và mỗi năm lên một lớp thì nay đã là học sinh lớp 9.

Hơn chục năm sống trong trại cải tạo, Hà đã quá quen với nếp sinh hoạt nơi đây nên việc nào được giao cũng hoàn thành một cách chuẩn chỉ. Cô bảo chính hai đứa con đã là động lực để giúp cô vươn lên, nhất là những khi buồn chán, cảm thấy bế tắc. “Các bạn tù cùng buồng bảo em từng tốt số, có được người chồng tử tế và hai đứa con ngoan. Họ khen bao nhiêu em lại cảm thấy mình tội lỗi bấy nhiêu”, Hà tâm sự.

Cô bảo ngày xưa không nghĩ rằng mình lại có lúc mạnh mẽ đến vậy nhưng thời gian sống trong tù, được nghe nhiều về những cảnh đời, những bước ngoặt khiến người ta sai lầm, vấp ngã mà nhìn nhận lại bản thân mình. Điều mà chính Hà cũng không ngờ được là cô đã dũng cảm gạt bỏ lòng sĩ diện, tự ti sang một bên để bộc bạch nỗi niềm của mình với hai đứa con mà đáng ra chúng phải được hưởng sự ấm êm hạnh phúc từ bố mẹ. Vậy mà cô lại phũ phàng vứt bỏ hạnh phúc bình dị ấy để chạy theo cái phù phiếm để rồi dang dở chính cuộc đời mình.

“Sau tất cả những háo hức, bồng bột dại khờ, em chỉ còn lại những đứa con mà vì chúng, em sẽ phải cố gắng hơn nữa”, Hà tâm sự. Nữ phạm nhân này khoe đã 5 lần được xét giảm án và chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi là mãn hạn trở về. Nói về dự định của mình sau khi ra trại, Hà tỏ ra trầm ngâm bảo chưa biết sẽ làm gì nhưng “Việc đầu tiên là em sẽ tới nhà chồng xin lỗi để mẹ con được qua lại với nhau. Sau đó em sẽ tìm một công việc nào đó phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mình để tạo lập cuộc sống”.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-dan-ba-dang-do-cuoc-doi-vi-mot-cuoc-tinh-u-me-127198.html