Người dân Ba Bể học nghề để phát triển thương hiệu nông sản

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn...

Điểm sáng dạy nghề ở Ba Bể

Mới đây, chúng tôi có dịp tham dự một buổi học của lớp dạy nghề sơ cấp sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ba Bể mở tại thôn Nà Làng, xã Khang Ninh.

Ông Dương Văn Thống - một học viên cho biết: “Hiện gia đình tôi nuôi 1 con lợn nái và 10 con lợn thịt, dự kiến sẽ tập trung nuôi lợn nái quy mô 2-5 con để bán lợn con. Tham gia lớp học nghề, tôi nắm được những biểu hiện bệnh thường xuất hiện ở gia súc, gia cầm và cách sử dụng thuốc”.

Một lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho nông dân ở Bắc Kạn. Ảnh: Minh Nguyệt

Hoạt động dạy nghề đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Bể giảm xuống còn 28,28%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 20% và thoát khỏi danh sách là huyện nghèo nhất nước.

“Cầm tay chỉ việc” là cách làm chủ yếu trong công tác dạy nghề trong nhiều năm qua của tỉnh Bắc Kạn và được huyện Ba Bể triển khai, thực hiện có hiệu quả. Năm 2017, huyện tổ chức được 6 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 180 học viên.

Ngoài ra, hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật được mở tại các xã trên địa bàn huyện thu hút đông đảo người dân tham gia.

Dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương

Bà Trần Thị Sen - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Ba Bể cho biết, ở các lớp dạy nghề, thời gian dành để hướng dẫn học viên thực hành chiếm tới 2/3. Học viên được trực tiếp thực hành những kiến thức đã học, có sự hướng dẫn của giảng viên. Năm 2018, huyện Ba Bể phấn đấu dạy nghề cho 693 lao động nông thôn, trong đó nghề phi nông nghiệp 245 người và nghề nông nghiệp 448 người.

Ông Nguyễn Tiến Cương – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Bắc Kạn cho biết, sau khi được đào tạo nghề, người lao động ở nông thôn áp dụng các kiến thức đã học để mở rộng sản xuất, tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống... Nhiều sản phẩm địa phương được nông dân phát triển sản xuất tạo thành thương hiệu nông sản uy tín của địa phương như miến, rau rừng” – ông Cương nói.

Tạ Nguyệt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/nguoi-dan-ba-be-hoc-nghe-de-phat-trien-thuong-hieu-nong-san-933559.html