Người Đà Nẵng trước giờ cách ly xã hội

Người Đà Nẵng đang vui vẻ trở lại nhịp sống sôi động, khôi phục nền du lịch thì dịch Covid-19 bất ngờ tái xuất hiện, nhiều người đã rơi nước mắt trước giờ cách ly xã hội.

Người Đà Nẵng: 'Chúng tôi bình tĩnh, không lo lắng' Từ 0h ngày 28/7, TP Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội ở 6 quận để ngăn dịch Covid-19. Người dân cho biết họ đều bình tĩnh và thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

“Vừa mới mấy ngày trước tôi còn đón du khách tấp nập kéo đến. Hôm nay khách lại ùn ùn kéo đi. Mai là nghỉ hẳn”, tài xế taxi Hồ Văn Đăng (53 tuổi) nói, giọng nhỏ dần.

16 năm lái taxi, ông Đăng chưa thấy năm nào nhiều thăng trầm như năm nay. Chỉ sau một đêm, Đà Nẵng đang căng sức sống đã lại nhường chỗ cho những tiếng thở dài.

Từ 0h ngày 28/8, hơn một triệu người ở 6 quận của Đà Nẵng (Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu) bước vào 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, riêng huyện Hòa Vang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19. Chỉ trong 3 ngày, thành phố này đã ghi nhận 14 ca dương tính với Covid-19 và nguồn lây nhiễm F0 vẫn còn là dấu hỏi.

Sẽ lại vượt qua khó khăn

18h ngày 27/7, những giờ trước khi Đà Nẵng bước vào đợt giãn cách xã hội, tài xế Đăng đứng ở sân bay Đà Nẵng, nhìn những đoàn khách rời đi trước khi thành phố “đóng cửa”. Ông Đăng không quá lo lắng về dịch bệnh dù số ca nhiễm mới liên tục được phát hiện. Chứng kiến thành quả kiểm soát dịch của Đà Nẵng cùng cả nước thời gian qua, ông tin rằng Việt Nam sẽ lại vượt qua giai đoạn này.

Điều khiến tài xế này lo lắng là thành quả chống dịch của Việt Nam có thể “đổ sông đổ bể" vì không kiểm soát tốt những lỗ hổng như người nhập cảnh trái phép.

“Nhiều người Trung Quốc làm việc lâu năm ở đây nên không dễ phát hiện, chỉ trông vào ý thức của chính họ thôi”, ông Đăng nói.

 Nhiều cửa hàng tại Đà Nẵng đóng cửa do dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Đức.

Nhiều cửa hàng tại Đà Nẵng đóng cửa do dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Đức.

Anh Nguyễn Văn Toàn (27 tuổi, nhân viên khách sạn) cũng có quan điểm tương tự. Anh Toàn chia sẻ rằng anh và bạn bè rất phẫn nộ khi nghe tin nhiều người nhập cảnh vào Đà Nẵng trái phép hay gần đây là một số người trốn cách ly.

“Cả cộng đồng phải trả giá cho sự vô ý thức của một nhóm người. Hết sức vô lý”, anh Toàn bức xúc nói. Anh cho rằng việc kiểm soát dịch cần đi đôi với việc kiểm soát những trường hợp nhập cảnh trái phép. Theo anh, vài tháng nay, cả nước vẫn giữ tinh thần chống dịch mà chuyện nhập cảnh trái phép vẫn xảy ra chứng tỏ còn lỗ hổng trong quản lý.

Ngày 17/7, Công an TP Đà Nẵng phát hiện 24 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Đến 21/7, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng, cách ly thêm 5 người Trung Quốc cũng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đến 25/7, con số tăng thêm 21 người. Tính đến chiều 25/7, 52 người Trung Quốc bị phát hiện nhập cảnh trái phép, lưu trú không khai báo ở Đà Nẵng kể từ đầu tháng 7.

Tuân thủ cách ly

“Tôi bán thêm một giờ nữa rồi về. Dịch bệnh vậy thì mình phải nghỉ, phải tuân thủ thôi, nhưng những ngày tới không biết sống thế nào”, chị Lê Thị Mỹ Phượng (39 tuổi, người dân quận Hải Châu) vừa nói vừa khóc.

Chồng chị làm cơ khí, thất nghiệp mấy tháng nay do dịch bệnh nên cả gia đình 3 người chỉ còn trông vào nguồn thu từ gánh bán trái cây của chị. Nếu không có dịch, mỗi tháng chị kiếm được 9 triệu đồng để trang trải cả tiền thuê nhà, tiền cho con đi học, tiền ăn uống hàng ngày… Nhưng mấy tháng nay, khấm khá lắm chị cũng chỉ kiếm được chưa tới 6 triệu.

Nói về những ngày sắp tới, chị không kìm được nước mắt. Vừa nghe tin Đà Nẵng có ca lây nhiễm trong cộng đồng, không xác định được F0, chị Phượng đã thấy bất an. Chị ráng đi bán được ngày nào hay ngày ấy nhưng 3 hôm nay, không ngày nào chị kiếm được hơn 200.000 đồng. Nhìn những túi trái cây ế chỏng chơ, chị chỉ biết khóc.

“Mình mong sao được Nhà nước hỗ trợ vượt qua những ngày tới chứ không biết phải sống sao. Đợt cách ly trước, cả nhà đã khó lắm rồi”, chị Phượng nói trong nước mắt.

Chị Lê Thị Mỹ Phượng lo lắng về những ngày cách ly xã hội sắp tới. Ảnh: Văn Nguyện.

Từ 0h ngày 28/7, địa phương này thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Thời gian cách ly xã hội là 15 ngày, tại các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Riêng huyện Hòa Vang vẫn thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng.

Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Khi ra đường, mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m lúc giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Từ 25-27/7, 15 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV2 trong cộng đồng được phát hiện. Đà Nẵng ghi nhận 14 ca, Quảng Ngãi có một trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.954, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 232, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 10.922 và 800 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Chen chúc đổi vé rời Đà Nẵng trước giờ giãn cách xã hội Sau khi Bộ GTVT quyết định dừng toàn bộ chuyến bay nội địa đi/đến Đà Nẵng, nhiều người ra sân bay mua vé, đổi vé để có thể rời Đà Nẵng trước giờ giãn cách xã hội 0h ngày 28/7.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-da-nang-truoc-gio-cach-ly-xa-hoi-post1112173.html