Người da màu chết: Cả nước sục sôi, Mỹ báo động 800 quân cảnh

Bộ Quốc phòng Mỹ báo động 800 quân cảnh đối phó biểu tình khi cả nước sục sôi vụ cảnh sát da trắng dùng gối kẹp cổ khiến một người đàn ông da màu chết.

Cả nước Mỹ đang sôi sục sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd trong quá trình bị một cảnh sát da trắng dùng đầu gối kẹp cổ khống chế trong nhiều phút.

Các cuộc biểu tình phản đối nổ ra ở hàng loạt TP khắp nước Mỹ với quy mô lớn. Rất nhiều cuộc biểu tình đã biến thành cuộc bạo loạn.

800 quân cảnh sẵn sàng nhận lệnh

Trước tình hình này, tối 29-5 (giờ Mỹ) Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định yêu cầu quân đội báo động một số lượng đơn vị quân cảnh, sẵn sàng triển khai đến TP Minneapolis thuộc bang Minnesota, nơi thanh niên da màu Floyd bị cảnh sát da trắng khống chế đến chết, hãng tin AP cho biết.

Cụ thể, nhiều đơn vị quân cảnh ở căn cứ Fort Bragg (bang North Carolina) và doanh trại Fort Drum (bang New York) đã được báo động chuẩn bị để sẵn sàng triển khai trong vòng bốn giờ khi có lệnh, theo ba nguồn tin biết về lệnh báo động này. Quân cảnh ở các căn cứ Fort Carson (bang Colorado) và Fort Riley (bang Kansas) cũng được báo động sẵn sàng triển khai trong vòng 24 giờ.

Cuộc biểu tình sau cái chết của thanh niên da màu George Floyd vì bị một cảnh sát da trắng dùng gối kẹp cổ khống chế đã biến thành bạo lực. Ảnh: AFP

Cuộc biểu tình sau cái chết của thanh niên da màu George Floyd vì bị một cảnh sát da trắng dùng gối kẹp cổ khống chế đã biến thành bạo lực. Ảnh: AFP

Theo các nguồn tin của AP, lệnh báo động được chỉ đạo bằng lời nói sau khi Tổng thống Donald Trump hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper về các phương án quân sự giải quyết tình hình bạo loạn ở Minneapolis.

Ông Trump đưa ra yêu cầu này qua một cuộc điện đàm từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào tối 28-5. Những người tham gia cuộc điện đàm này ngoài Bộ trưởng Esper còn có Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và một số người khác.

Ông Trump đã yêu cầu ông Esper phải có các phương án triển khai nhanh chóng một khi tình hình biểu tình ở Minneapolis diễn biến nghiêm trọng ngoài tầm kiểm soát, theo một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ có tham gia cuộc điện đàm.

Xe cộ bị phóng hỏa ở Minneapolis. Ảnh: AFP

Nguồn tin quan chức này cho biết các đơn vị quân cảnh sẽ được triển khai theo tinh thần luật Nổi dậy 1807 – vốn được viện đến lần gần nhất vào năm 1992 trong thời gian xảy ra bạo động ở TP Los Angeles sau phiên tòa xét xử vụ cảnh sát đánh đập bạo lực với công dân da màu Rodney King.

Sáng sớm 30-5 (giờ Mỹ), các thành viên các đơn vị quân cảnh đã nhận lệnh phải tập trung về các căn cứ trong 30 phút, để sẵn sàng nhận lệnh triển khai đến Minneapolis. Các đơn vị quân cảnh ở Fort Drum sẽ là lực lượng được triển khai đến Minneapolis trước, theo các nguồn tin của AP.

Tổng cộng sẽ có khoảng 800 quân cảnh được triển khai đến Minneapolis nếu có lệnh.

Cả nước Mỹ sục sôi

Tình hình biểu tình càng nghiêm trọng và bạo lực sau khi xuất hiện video quay cảnh một cảnh sát chặn gối mình vào cổ ông Floyd. Ông Floyd chết sau đó vì thương tích, và cảnh sát Derek Chauvin – người dùng gối khống chế ông Floyd bị bắt và bị truy tố tội giết người.

Tại Minneapolis, biểu tình vẫn không hạ nhiệt dù Thị trưởng Jacob Frey áp lệnh giới nghiêm khắp TP từ 8 giờ tối, bắt đầu từ tối 29-5. Bất chấp lệnh giới nghiêm, hàng ngàn người vẫn tuần hành khắp các tuyến đường. Nhiều xe cộ bị phóng hỏa, nhiều cửa hàng bị cướp phá.

Người biểu tình quỳ trước cảnh sát ở TP Minneapolis thuộc bang Minnesota (Mỹ) tối 29-5, tái hiện lại thực tế của thanh niên da màu Floyd khi anh bị cảnh sát khống chế đến chết. Ảnh: AP

Thống đốc bang Minnesota – ông Tim Walz chỉ đạo triển khai 500 vệ binh quốc gia tại bang đến các TP Minneapolis, St. Paul và các khu lân cận. Tuy nhiên một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói Thống đốc Walz không yêu cầu triển khai quân cảnh đến bang mình.

Không chỉ ở Minneapolis, biểu tình, bạo lực lan ra khắp nước Mỹ. Hàng loạt địa phương như thủ đô Washington DC, TP New York (bang New York), TP Atlanta (bang Geogia), TP Phoenix (bang Arizona), TP Denver (bang Colorado), Los Angeles và Oakland (bang California), Portland (bang Oregon), Richmond (bang Virginia)…chìm trong bất ổn.

Một xe cảnh sát thuộc Sở cảnh sát New York bị phóng hỏa. Ảnh: AP

Mức độ bạo lực ở Atlanta rất cao. Người biểu tình đập phá xe cảnh sát. Nhiều cảnh sát bị thương vì bị người biểu tình tấn công. Nhiều người biểu tình bị bắt.

Chính quyền bang Georgia đã ban hành tình trạng khẩn cấp toàn bang vào sáng sớm 30-5, nhằm kích hoạt hoạt động của lực lượng vệ binh quốc gia tại bang mình xử lý tình hình biểu tình ở Atlanta.

Chính quyền thủ đô cũng đặt lực lượng vệ binh quốc gia vào tình trạng sẵn sàng, khi người biểu tình tập trung trước Nhà Trắng hò hét phản đối Tổng thống Trump.

Cảnh sát ở Oakland, bang California (Mỹ) đối phó biểu tình. Ảnh: AP

Tại TP Oakland (bang California), cảnh sát phải phun hóa chất giải tán khoảng 1.000 người biểu tình xuống đường bạo động.

Khuya 29-5, ít nhất một người thiệt mạng ở TP Detroit (bang Michigan) khi một phần tử chưa rõ danh tính bắn vào đám đông biểu tình.

Biểu tình cũng diễn ra với quy mô lớn tại TP Houston (bang Texas) – nơi ông Floyd lớn lên.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nguoi-da-mau-chet-ca-nuoc-suc-soi-my-bao-dong-800-quan-canh-915752.html