Người cứu heo rừng khỏi tuyệt chủng

'Heo tôi, heo tôi. Thả vườn, thả đồi. Ăn toàn rau củ. Thịt nhiều ít mỡ. Lưng cao mông nở. Giá cả phải chăng. Bà con quan tâm. Ai mua heo tôi. Về ăn ngon lắm.' Lời rao hàng đẹp như câu đồng giao của anh Nguyễn Văn Lành, chủ trang trại heo Vân Pa (heo rừng lai) ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đã khiến cho trang trại heo của anh Tết Kỷ Hợi này bán sạch trơn vì chất lượng tuyệt hảo.

Thầy giáo Trần Văn Do.

Thầy giáo Trần Văn Do.

NDĐT - “Heo tôi, heo tôi. Thả vườn, thả đồi. Ăn toàn rau củ. Thịt nhiều ít mỡ. Lưng cao mông nở. Giá cả phải chăng. Bà con quan tâm. Ai mua heo tôi. Về ăn ngon lắm.” Lời rao hàng đẹp như câu đồng giao của anh Nguyễn Văn Lành, chủ trang trại heo Vân Pa (heo rừng lai) ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đã khiến cho trang trại heo của anh Tết Kỷ Hợi này bán sạch trơn vì chất lượng tuyệt hảo.

Nhìn đàn heo con giống gồm heo đen sọc dưa, heo đen mốc có lông dài hoang dã như heo rừng, mình săn chắc, mõm nhọn, bụng thóp, chân dài ngoẵng nghếch miệng chờ ăn rau củ, anh Lành rất vui mừng. Để người chăn nuôi và người tiêu dùng có được giống heo thịt ngon ra đời bằng sự lai tạo giữa heo rừng và heo bản (heo bản được lai giữa heo rừng và heo thả rông) của bà con dân tộc thiểu số, công lao đầu tiên phải kể đến thầy giáo Trần Văn Do và các cộng sự.

Thầy Trần Văn Do là một chuyên gia ngành chăn nuôi của Trường đại học Nông Nghiệp Huế, vì yêu quê hương nên xung phong ra nhận nhiệm vụ lãnh đạo Trường trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, với giấc mơ và kỳ vọng của tỉnh Quảng Trị biến Trường thành trung tâm nghiên cứu và khảo nghiệm các loại giống cây, con phục vụ cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh.

Đầu năm Đinh Hợi 2007, trong một chuyến thầy Do đến công tác tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị, phát hiện được giống heo ra đời trên cơ sở giao phối tự nhiên giữa heo rừng và heo bản, khiến thầy rất lưu tâm. Đến khi được dân bản mổ heo liên hoan để chia tay người cán bộ miền đồng bằng lên công tác thì thầy Do cảm nhận được thịt của loại heo này ngon gần như heo rừng.

Là chuyên gia chăn nuôi nên thầy Do hiểu heo rừng đang từng ngày bị thu hẹp môi trường sống trước sự tấn công chủ định của con người qua việc săn bắt, phát triển sản xuất, trồng trọt lên miền núi; nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người tiêu dùng nên các nhà hàng mỗi ngày tiêu thụ một số lượng lớn heo rừng, điều này đã đe dọa trực tiếp đến điều kiện sống của loại động vật quý hiếm, nếu không kịp thời bảo tồn chắc rằng một ngày không xa heo rừng sẽ bị tuyệt chủng. Vì vậy, tìm ra một giống heo có chất lượng thịt gần giống heo rừng, có phẩm chất tốt phục vụ người tiêu dùng thì tin chắc khi đó nạn săn bắt heo rừng sẽ giảm.

Trở về trường, công việc đầu tiên của thầy Do là phải bỏ tiền túi ra, tìm lên lại các bản làng mua heo rừng về nuôi và nghiên cứu rồi cho lai với heo bản. Đến khi thầy hết tiền, nhà trường thời đó lại không có tiền mua heo nhân giống phục vụ nghiên cứu khoa học, thầy phải bán xe máy của mình để dồn tiền vào công việc này. Sau ba năm miệt mài công sức và trí tuệ, thầy Do đã cho ra đời một giống mới với 30 con heo rừng lai trong vườn thí nghiệm của trường. Hơn nửa năm sau, một con heo cái trong số đó đã sinh lứa đầu được bảy heo con.

Con heo cái đầu tiên sinh sản tại Trường trung học Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị.

Thầy Trần Văn Do nhớ lại, khi nhìn thấy những con heo đầu tiên ra đời thầy hạnh phúc đến nghẹn ngào. Kết quả ấy đã mở ra hướng mới trong việc bảo tồn phát triển giống heo đặc sản miền núi Quảng Trị. Giống heo mới này sống tốt trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của thời tiết, không ốm đau, dịch bệnh, heo chỉ ăn rau cỏ, củ sắn, giun dế, thịt ngon nên giá bán gấp nhiều lần heo nhà. Giống heo mới này được thầy Trần Văn Do đặt tên là heo Vân Pa (xuất phát từ những bản làng của người Vân Kiều, Pa Cô (Tà ôi) ở Quảng Trị ). Nghe tin tốt lành, các nhà nghiên cứu chăn nuôi Nhật Bản đánh giá cao nên đã đến hỗ trợ kinh phí cho trường tiếp tục nghiên cứu để phát triển nhân giống, bảo tồn nguồn gen quý của loại heo mới. Một thời gian sau, đàn heo của trường phát triển gần 100 con.

Thầy Trần Văn Do lại tiếp tục phối hợp Viện Chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy trình chăn nuôi giống heo Vân Pa thành đề tài cấp quốc gia để nhân rộng, chuyển giao công nghệ cho người chăn nuôi khắp Việt Nam. Trong Atlat các giống vật nuôi Việt Nam do Viện Chăn nuôi và Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ấn hành trân trọng giới thiệu giống heo Vân Pa của Quảng Trị là giống đặc trưng, một trong những giống heo quý của quốc gia cần đầu tư nhân rộng để bảo tồn. Tên tuổi của thầy Trần Văn Do cũng được đặt ở một ví trí rất trân trọng.

Heo Vân Pa tại trang trại ở nhiều địa phương Quảng Trị.

Riêng tỉnh Quảng Trị hiện có hàng chục trang trại giống heo Vân Pa phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân. Tết Kỷ Hợi 2019 này, người dân Quảng Trị và nhiều địa phương khác không cần phải lên rừng săn bắt nữa mà chỉ vào trang trại để mua thịt heo rừng về chia nhau. Khoảng ba đến bốn nhà một con heo tầm 30 kg là chế biến được rất nhiều món ngon thưởng thức ba ngày Tết.

Đồng chí Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị trân trọng ghi nhận người góp phần cứu heo rừng khỏi tuyệt chủng chính là thầy giáo Trần Văn Do, nguyên Hiệu trưởng Trường trung học Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị.

Bài và ảnh: LÂM QUANG HUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/39137802-nguoi-cuu-heo-rung-khoi-tuyet-chung.html