Người cựu chiến binh hết lòng với hoạt động xã hội

Nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm với công việc, gương mẫu đi đầu trong các phong trào là những nhận xét của người dân địa phương khi nói về ông Đậu Xuân Tường, người cựu chiến binh đã có nhiều năm gắn bó với Trường Sơn huyền thoại và các hoạt động xã hội sau khi xuất ngũ.

Ký ức Trường Sơn

Sinh ra và lớn lên tại xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1967, ông Đậu Xuân Tường nhập ngũ vào Sư đoàn 470, trực thuộc Bộ tư lệnh 559 (sau này là Bộ tư lệnh Trường Sơn). Những năm tháng trong quân ngũ, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, ông Đậu Xuân Tường đều phát huy bản lĩnh, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, anh dũng trong chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hồi tưởng lại thời chiến đấu ác liệt, ông Đậu Xuân Trường kể: “Còn nhớ khi mới nhập ngũ, tôi được điều động về Tiểu đoàn kho K4, Binh trạm 32, Bộ tư lệnh 559 với nhiệm vụ trợ lý tham mưu Sư đoàn. Đó cũng là lúc mùa mưa bắt đầu, khí hậu khắc nghiệt, địch phát hiện được lực lượng của ta từ miền Bắc vào, chúng dùng các loại máy bay cùng lúc đánh phá đường bộ và đường sông ác liệt, gây khó khăn cho ta rất nhiều. Thời điểm đó, bộ đội bắt đầu sốt rét, đặc biệt là sốt rét ác tính... mọi đường chi viện gần như bị bao vây dẫn đến thiếu gạo, thiếu thực phẩm, thiếu cả vũ khí để đánh giặc. Khó khăn chồng chất, nhiều ngày chúng tôi phải chia nhau từng bát cháo loãng, có khi đứt bữa. Đêm rét, chung nhau từng tấm chăn vuông đắp mà vẫn hở, lạnh thấu xương”.

 Ông Đậu Xuân Tường phát biểu tại buổi gặp mặt của Ban liên lạc Trường Sơn.

Ông Đậu Xuân Tường phát biểu tại buổi gặp mặt của Ban liên lạc Trường Sơn.

Trong rất nhiều kỷ niệm bị địch tập kích ác liệt, có một kỷ niệm ông Tường nhớ mãi vì đơn vị bị bom gần như san phẳng, đồng đội hy sinh rất nhiều: “Buổi sáng tinh sương, chiếc OV10 trinh sát của địch phát hiện xe gạo của ta vận chuyển từ tuyến ngoài vào kho Binh trạm 32. Vài phút sau, khi chúng tôi đang bốc vác thì một tốp máy bay địch kéo đến tập kích. Lệnh của chỉ huy sơ tán về khu hầm chữ A để bảo đảm an toàn. 15 phút sau, chiếc AD6 đến nhả đạn rồi B52 rải bom...”. Nói đến đây, giọng ông nghẹn lại: “Xe cháy, hàng cháy, cả kho như bị san phẳng, dưới mưa bom bão đạn, những người đồng đội của tôi lần lượt nằm xuống mà trên trời, máy bay địch vẫn gầm rít không ngừng. Hết buổi sáng, khi mặt đất đã tan hoang, không thấy ta hoạt động, máy bay địch mới chịu bỏ đi. Đợi bầu trời yên trở lại, tôi và một số đồng chí mới ra khỏi vị trí ẩn nấp. Trời ơi! Cảnh tượng thật tang thương. Những đồng đội bị thương, người hy sinh, thân thể vùi lấp trong đất đá. Vừa khóc chúng tôi vừa tìm kiếm đồng đội, chuyển những người bị thương về đội điều trị của binh trạm và làm thủ tục mai táng cho những người hy sinh…”.

Đến tháng 5-1968, ông Đậu Xuân Tường chuyển về công tác tại Phòng Quân lực, Bộ tư lệnh 559 bồi dưỡng nghiệp vụ rồi tiếp tục bổ sung vào Sư đoàn 470 làm công tác quân lực. Trên mỗi cương vị công tác, ông đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đến năm 1997, ông chuyển công tác về Binh đoàn 12 cho đến khi xuất ngũ.

Làm việc nghĩa từ trái tim

Sau 36 năm phục vụ quân đội, đến tháng 1-2004, ông Tường rời quân ngũ, trở về tham gia công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người lính Trường Sơn, ông Tường luôn cẩn thận, tỉ mỉ, nhiệt tình trong mọi công việc. Ngoài những công việc chung, ông Tường còn thường xuyên thăm các gia đình chính sách, các đồng đội có hoàn cảnh gặp khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tháng 4-2004 ông được tín nhiệm bầu làm Phó ban tổ chức chính sách của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Công việc hội nhiều, phải đi các tỉnh liên tục, nhưng ông Tường không quản ngại khó khăn. Bất cứ nơi đâu có hoàn cảnh khó khăn, công việc yêu cầu, bất kể ngày đêm ông đều sẵn sàng lên đường. Dù khối lượng công việc nhiều nhưng ông luôn phấn đấu, nỗ lực làm việc với tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm cao. Ông Tường tâm niệm: “Những nạn nhân bị chất độc da cam đều bị ảnh hưởng của chiến tranh. Họ là những người con, cháu của các chiến sĩ đã đổ mồ hôi, xương máu nơi chiến trường, những người dân vô tội bị ảnh hưởng di chứng chất độc, vì vậy, góp một phần sức nhỏ bé, giúp họ cũng chính là tri ân những đồng đội của mình. Cái gì có lợi cho người dân phải luôn cố gắng làm thật hiệu quả, như vậy mới xứng đáng với sự tín nhiệm của đồng đội và người dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền giao phó”.

Ông Đậu Xuân Tường, thứ 2 từ phải sang, cùng Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 470 tặng quà cho Bảo tàng Quân sự Bản Đông (Lào).

Trở về với cuộc sống đời thường nhưng ông Tường không ngừng tìm kiếm những đồng đội cùng đơn vị để gặp gỡ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng chính là cơ duyên đưa ông gặp gỡ với Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Với sự tận tâm, năng động trong công việc, tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, ông Tường được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Hội với cương vị Phó ban chính sách. Trong quá trình hoạt động, ông Tường đã tham mưu cho lãnh đạo Hội Trường Sơn về một số nội dung chính sách đối với bộ đội Trường Sơn như: Giải quyết các chính sách tồn đọng trong chiến tranh về vấn đề thương binh, liệt sĩ; người nhiễm chất độc hóa học; chính sách đối với dân công hỏa tuyến...

Trong suốt quá trình hoạt động, ông Tường đã nhiều lần được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tiêu biểu hơn cả dịp kỷ niệm 60 năm Ngày “Mở đường Hồ Chí Minh” - Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn, ông đã vinh dự được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng một lúc đảm nhận nhiều vai trò, nhiệm vụ nên hầu hết thời gian trong ngày của ông Tường đều dành cho công tác xã hội ở địa phương. “Cuộc đời quân ngũ 36 năm ở Trường Sơn (gần 8 năm chiến tranh chống Mỹ) đã gắn với tôi biết bao nhiêu kỷ niệm. Những lần chứng kiến đồng đội hy sinh vì tự do của dân tộc lại thôi thúc tôi sống sao cho đúng nghĩa. Tôi luôn tự nhủ còn sức khỏe, còn trí tuệ thì còn hoạt động, phát huy truyền thống Trường Sơn, truyền thống Sư đoàn, hoạt động tình nghĩa, động viên hội viên khó khăn trong cuộc sống. Đây cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của một cựu chiến binh vì vẫn còn được bà con nhân dân tin yêu, tín nhiệm”, đó là lời chia sẻ mộc mạc nhưng lại chất chứa biết bao tâm huyết, tình cảm của ông Đậu Xuân Tường- người cựu chiến binh dành cả cuộc đời sống và cống hiến cho xã hội.

Bài, ảnh: LAN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nguoi-cuu-chien-binh-het-long-voi-hoat-dong-xa-hoi-598612