Người cựu binh nặng lòng với đồng đội và đồng bào biên giới

'Những năm tháng chiến đấu gian khổ ở chiến trường, ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh. Vượt qua quãng thời gian khó khăn, ác liệt đó không phải nhờ may mắn, mà nhờ đồng chí, đồng đội luôn gắn bó, đùm bọc, san sẻ với nhau để vượt qua thử thách lửa đạn. Tôi sống đến ngày hôm nay nhờ sự hy sinh của biết bao đồng chí, đồng đội. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng không ngày nào tôi thôi nghĩ về những người đã ngã xuống vì Tổ quốc' - Đó là những chia sẻ đầy cảm động của cựu chiến binh Ngô Duy Chuyên, từng là chiến sĩ Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên.

Cựu chiến binh Ngô Duy Chuyên thắp hương cho các đồng đội hy sinh trong trận đánh chiếm căn cứ Sư đoàn bộ binh 23 ngụy. Ảnh: nhân vật cung cấp

Cựu chiến binh Ngô Duy Chuyên thắp hương cho các đồng đội hy sinh trong trận đánh chiếm căn cứ Sư đoàn bộ binh 23 ngụy. Ảnh: nhân vật cung cấp

Cựu chiến binh Ngô Duy Chuyên, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Ông nhập ngũ năm 1968 khi vừa tròn 18 tuổi. Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, Ngô Duy Chuyên được biên chế về Trung đoàn 42, Quân khu 3. Ngày 3-11-1971, Trung đoàn 42 hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu, đổi tên thành Trung đoàn 24, Sư đoàn 10.

Hơn 4 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Ngô Duy Chuyên đã tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch như: Chiến dịch Xuân Hè 1972, chiến đấu phòng ngự ở Bắc Kon Tum từ năm 1973-1974; Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Tiểu đoàn 4 của Ngô Duy Chuyên là mũi thọc sâu binh chủng hợp thành đánh chiếm căn cứ Sư đoàn bộ binh 23 ngụy ở Buôn Ma Thuột. Ngày đó, ông là Chính trị viên phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 4. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, địch dựa vào chiến hào, lô cốt cố thủ, chống trả điên cuồng. Ông nhớ lại: “Súng của địch bắn ra như vãi đạn khiến Đại đội 3 phải tổ chức đột phá nhiều lần. Đến 14 giờ, ngày 10-3-1975, ta mới làm chủ toàn bộ trung tâm truyền tin của căn cứ này. Số người thương vong của Đại đội 3 lên tới 1/3 quân số, trong đó, Đại đội trưởng Phạm Quý Dương hy sinh, Chính trị viên Nguyễn Văn Thuấn bị thương”.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đại đội của ông Ngô Duy Chuyên cùng các đại đội thuộc Trung đoàn 24 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Đến 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, ta mới làm chủ sân bay, thu toàn bộ kho tàng và gần 400 máy bay chiến đấu các loại, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Kết thúc chiến tranh, ông Ngô Duy Chuyên phục vụ Quân đội đến năm 1977 thì chuyển công tác về Tỉnh ủy Lâm Đồng. Năm 1980, do vết thương tái phát, sức khỏe suy giảm, ông xin nghỉ chế độ về sống ở thành phố Hồ Chí Minh.

Thời kỳ đất nước mở cửa, ông cùng đồng đội mở doanh nghiệp kinh doanh buôn bán. Với phương châm: “Lời ăn, không gian dối, được 10 đồng chỉ hưởng 8 đồng”, chính vì thế, doanh nghiệp của ông đã tạo được uy tín trên thương trường. Được khách hàng tin tưởng, yêu mến và giúp đỡ ông chuyển hướng sang kinh doanh xăng dầu tại Bình Dương, dần dần phát triển thành Công ty Xăng dầu Bình An do ông làm Giám đốc.

Là một người lính bao năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, ông luôn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, những người đã bao năm giúp đỡ, che chở cho ông và đồng đội. Ông đã nhiều lần từ tâm làm thiện nguyện, lặn lội mang hàng trăm gói quà như mỳ tôm, chăn ấm, bánh kẹo, đường, sữa trị giá hàng chục triệu đồng lên tặng bà con. Ông còn vận động, kết hợp cùng “Nhóm bác sĩ tình thương” của tỉnh Bình Dương về buôn làng biên giới tặng quà, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào. Rồi ông kêu gọi cộng đồng, đồng chí, đồng đội góp tiền xây dựng nhà bia tưởng niệm để tri ân những người lính đã ngã xuống của Trung đoàn 24.

Ông Ngô Duy Chuyên hiện là thương binh hạng 2/4, việc đi lại khó khăn do ảnh hưởng bởi vết thương chiến tranh. Trong 15 năm qua, ông phát tâm tri ân đồng đội, cứ đến ngày 10-3 - ngày mở màn trận đánh chiếm Buôn Ma Thuột, ông lại sắm lễ cùng Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 10 tỉnh Đắk Lắk tổ chức làm giỗ và cầu siêu cho vong linh các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, 3 năm qua, ông đã tìm được hơn 300 hài cốt liệt sĩ và đưa về với gia đình, với quê hương bản quán.

Trong những lần tổ chức lễ cầu siêu cho các đồng đội của mình, ông Chuyên luôn kể về những người đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu dũng cảm và hy sinh anh dũng trong trận đánh chiếm căn cứ Sư đoàn bộ binh 23 ngụy. Mọi người nghe xong đều không cầm được nước mắt, ngực như thắt lại vì thương nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước hòa bình và thống nhất.

Chiến tranh đã qua nửa thế kỷ, cái tâm, cái tình của cựu chiến binh Ngô Duy Chuyên và những người lính Trung đoàn 24 đã tô thắm phẩm chất cao đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, “thương binh tàn nhưng không phế”. Những việc làm của ông sẽ luôn lan tỏa trong cộng đồng, là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-cuu-binh-nang-long-voi-dong-doi-va-dong-bao-bien-gioi/