Người cuối cùng vẽ quảng cáo bằng tay

Ông Nguyễn Thế Minh (72 tuổi, thường gọi là Hoài Minh Phương) là người cuối cùng vẽ biển quảng cáo bằng cọ, tay không ở Chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh.

Ông Hoài Minh Phương bên tấm biển đang vẽ.

Ông Hoài Minh Phương bên tấm biển đang vẽ.

Hơn 70 năm tuổi đời và hơn 50 năm tuổi nghề, giờ đây ông Nguyễn Thế Minh (72 tuổi, thường gọi là Hoài Minh Phương) là người cuối cùng vẽ biển quảng cáo bằng cọ, tay không ở Chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh.

Điều đặc biệt hơn, trong khi những biến quảng cáo khác có thể làm rất nhanh với giá rẻ, lung linh màu sắc bằng các công nghệ in ấn hiện đại thì nhiều người vẫn tìm tới người nghệ sỹ già ấy, để có những tấm biển quảng cáo đơn sơ với hy vọng có thể bán buôn may mắn.

Tấm biển “muôn năm cũ”

Nằm giữa đường An Dương Vương (quận Bình Tân), một tuyến phố tuy nhỏ mà khá tấp nập nhưng khi bước chân vào cửa hiệu của ông Hoài Minh Phương, chúng tôi có cảm giác như lạc vào một thế giới xa xưa bởi la liệt những cọ vẽ, lọ màu, tô bát để pha chế...

Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Hoài Minh Phương bảo cái tên này là bút danh thời trẻ của ông. “Mình quê gốc dưới Long An nhưng từ bé theo cha mẹ lên Chợ Lớn sinh sống. Ngày trẻ, hồi trước giải phóng có làm thơ, lấy nghệ danh là Hoài Minh Phương. Tuy không tiếng tăm nhiều nhưng cũng có một số người biết tới. Sau này chuyển qua làm nghề vẽ biển thì lấy luôn cái tên ấy. Thực ra, cả thơ lẫn vẽ mình đều đam mê cả”, người nghệ sỹ già trầm ngâm.

Với thân hình khá mỏng mảnh và lại mới trải qua một cuộc phẫu thuật mắt hồi cuối năm 2020, chúng tôi có cảm giác sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều. Thế nhưng, khi cầm nét cọ, quẹt quẹt vào những lọ màu đã pha chế, đôi mắt ông vẫn tinh anh lạ thường. Ở đó, dường như không chỉ có cuộc mưu sinh mà còn cả niềm đam mê cuộc đời. Ông bảo mình đang vẽ tấm biển quảng cáo rửa xe gắn máy cho một người quen ở bên Phú Định, quận 8.

“Người thuê vẽ là bạn của tôi, trước làm trong nhà nước nhưng sau khi nghỉ hưu mấy năm thì cậu con trai bị tai nạn giao thông. Gia sản tiêu tán gần hết, phải bán nhà bên Bình Tây chuyển về Phú Định. Năm rồi cuộc sống khó khăn, lương hưu không đủ sống nên ông ấy làm cái tiệm rửa xe gắn máy nho nhỏ cho khách qua đường. Chỉ mất chút công sức mà mỗi chiếc cũng được hai mươi ngàn đồng, đủ bù thêm lúc khốn khó. Dù có tuổi nhưng việc rửa xe cũng không quá nặng nhọc”, ông thở dài kể. Lời kể nhẹ nhàng, vừa như thương cho bạn, vừa như thương cho mình.

Thú thực, những tấm biển quảng cáo ngày nay có thể xuất hiện khắp nơi, nhất là thành phố nhộn nhịp như TPHCM. Và để có một tấm biển quảng cáo cũng rất dễ dàng. Với mục đích thu hút người khác, biển quảng cáo thông thường phải bắt mắt, thường trang trí đèn màu, chữ in ấn...

Công nghệ ngày nay, không chỉ in ấn mà ngay cả cắt ghép, với nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, sắt, nhôm thép... thì các tiệm quảng cáo đều làm rất nhanh, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Với những biển quảng cáo đơn giản nhất, người ta chỉ cần lựa màu sắc, cỡ chữ rồi cắt giấy màu dán lên. Công việc có lẽ chỉ mất khoảng nửa giờ đồng hồ mà giá thành lại rất rẻ.

Nhưng với các tấm biển quảng cáo của ông Hoài Minh Phương thì hoàn toàn khác. Bởi ông làm kỳ công và tốn nhiều thời gian, sức lực hơn. Để có một tấm biển với dòng chữ đơn sơ như “Cơm tấm đêm, sườn bì chả” thì ông phải mất cả ngày trời, thậm chí là hai, ba ngày. Đó cũng vừa là lợi thế, vừa là bất lợi cho ông. Và nếu để cạnh tranh với người ta, ông sẽ thất thế vô cùng.

Thế nhưng như một điều gì đó vừa lạ lùng, vừa dễ hiểu mà mấy chục năm qua, công nghệ quảng cáo ngày càng phát triển nhưng ông vẫn ngồi đó, lặng lẽ với công việc của mình. Tuy không nhộn nhịp nhưng vẫn có những khách hàng gắn bó với ông, với tấm biển quảng cáo “muôn năm cũ” này.

Đôi bàn tay của người cuối cùng vẽ quảng cáo bằng tay.

Gam màu cuộc đời

Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn nhà nhỏ này ông thuê từ rất nhiều năm để làm nghề vẽ biển. Nếu so với những căn mặt tiền gần đây, số tiền ông phải trả cho chủ nhà có lẽ chỉ bằng một phần ba bởi người chủ thương ông, quý mến cái nghề dường như là “độc nhất vô nhị” này. Trong diện tích chừng hơn ba mươi mét vuông, ngoài la liệt đồ nghề, biển của khách thì cũng có gác nhỏ để vợ chồng ông và hai đứa cháu ở tạm.

Ông Phương bảo hầu hết khách hàng làm biển quảng cáo của ông là những tiệm quen, họ đặt nhiều năm qua.

“Tôi làm biển quảng cáo này cả đời, nên nhiều người trong vùng biết. Thường thì chủ tiệm viết các thông tin và yêu cầu chất liệu, kích cỡ là mình vẽ theo. Có người cẩn thận thì họ nói thêm về màu sắc từng dòng chữ, các thông tin khác. Nhiều người cứ bảo giờ làm biển quảng cáo bằng đèn led, bằng chữ điện nhấp nháy hay in phô tô sẽ dễ, đẹp hơn thì tôi mất khách nhưng không phải.

Có tiệm mì hoành thánh ở bên Chợ Lớn họ đặt làm biển của tôi mấy chục năm nay. Cứ dăm năm họ lại tới đặt vẽ lại biển vì theo thời gian mưa nắng, chữ bị mờ, bị nhòe đi. Rồi nhiều tiệm họ nghĩ rằng năm mới thì nên vẽ lại biển quảng cáo mới cho dễ bán buôn nên tháng vừa rồi, tôi làm không hết việc. Hiện nay, hầu hết các biển quảng cáo của tôi là dành cho những quán hàng lâu năm trong vùng. Từ mấy quán hủ tiếu, quán chè, bún nước lèo hay mấy quán cà phê họ cũng thuê...”, ông kể.

Nhìn ông Hoài Minh Phương đang chỉnh sửa lại một tấm tôn có kích cỡ chừng 1,2x0,8m cho ngay ngắn, vững chắc trên giá vẽ như một người họa sỹ cẩn thận, chúng tôi bất giác nao nao lòng. Đôi bàn tay gầy guộc của ông sắp xếp lại mấy chén màu bột, rồi ông bắt đầu tô nền, là màu trắng nhẹ. Rồi từng nét chữ, nét chữ mềm mại, ngay ngắn, bay bướm hay nghiêm ngắn cũng dần hiện ra.

Với một tấm biển quảng cáo cho bán quần áo, có gồm cả dòng địa chỉ ở dưới thì ông chỉ lấy tiền công bốn trăm năm mươi ngàn đồng. Ông bảo trước còn tự đặt xe ba gác đưa biển cho khách để đặt, treo nhưng mấy năm nay sức khỏe yếu, ông chỉ làm được mỗi công việc là vẽ nên cũng tự ý bớt tiền công đi năm chục ngàn đồng.

Khi tôi hỏi điều gì làm ông trăn trở thì ông chỉ cười, bảo ngoài làm nghề thì nhiều năm qua ông cũng tìm người “nối nghề” nhưng không thành. Cũng có một vài bạn trẻ học kiến trúc, mỹ thuật đọc về ông trên báo họ tìm tới, bảo muốn theo học nghề. Nhưng chỉ được một hai tuần, thậm chí vài ngày là họ bỏ ông đi bởi cái nghề quá cực mà lại không kiếm nhiều tiền...

Bây giờ, ai cũng muốn làm ra những sản phẩm có hiệu quả nhất, thay vì đam mê nhất. Đó là lý do, ở mảnh đất Chợ Lớn - Sài Gòn này suốt mấy chục năm qua, chỉ còn mỗi ông Hoài Minh Phương là người vẽ biển. Một người vẽ biển quảng cáo mưu sinh nhưng có lẽ đã thành người nghệ sỹ với những gam màu thô mộc mà lạ lẫm, độc đáo của thành phố này.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-cuoi-cung-ve-quang-cao-bang-tay-552747.html