Người cuối cùng ở 'xóm quạt giấy' Đà thành

Đã từng rất đông vui, ấy vậy mà giờ xóm quạt chẳng còn lại ai. Chỉ còn lại cô Phạm Thị Hường - người phụ nữ cần mẫn ngày thường vẫn miệt mài đi dạy, cuối tuần rảnh rỗi cô lại ở nhà làm quạt giấy.

Cô Phạm Thị Hường – người cuối cùng đan quạt - ảnh Lê Công Đức

Cô Phạm Thị Hường – người cuối cùng đan quạt - ảnh Lê Công Đức

Xóm làm quạt giấy hình thành từ những năm 70 của thế kỷ 20 tại thành phố Đà Nẵng (nay thuộc phường An Hải Đông, quận Sơn Trà). Không nổi tiếng như những làng quạt truyền thống khác ở Việt Nam, xóm quạt giấy này chỉ có khoảng 7-8 hộ cùng sản xuất quạt, đó là công việc chính mang lại nguồn thu nhập đến cho họ.

Những xấp giấy chất lâu ngày vì không được sử dụng thường xuyên - Ảnh Lê Công Đức

Đã từng rất đông vui, giờ đây chỉ còn lại một mình cô Phạm Thị Hường – người cuối cùng đan quạt. Gia đình bắt đầu làm quạt từ những năm 1970. Đến 10 năm sau, cô Hường được 13 tuổi và bắt đầu học làm quạt giấy để phụ giúp gia đình. Hồi đó nghề làm quạt giấy này là nghề chính của gia đình cô, sau đó cô bắt đầu đi dạy trường mầm non và làm quạt kiếm thêm thu nhập.

Cứ cuối tuần nào rảnh, cô Hường lại tranh thủ làm quạt để gửi đến cho những người thực sự cần nó - Ảnh Lê Công Đức

Bây giờ xóm không còn có ai làm nữa. Người đi làm thợ hồ, người làm công nhân. Thỉnh thoảng cuối tuần có ai rảnh thì vẫn qua làm phụ cùng cô làm.

“Ngày xưa nghề này nó cũng rộng rãi. Nhưng mà giờ công nghiệp hóa hết rồi, người ta không còn dùng nữa. Cô cũng sắp nghỉ rồi”, cô Hường tâm sự.

Từng lát tre được chẻ một cách cẩn thận dưới đôi bàn tay mảnh khảnh của cô - Ảnh Lê Công Đức

Không dùng những nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cao, cũng không có những hoa văn, họa tiết sắc sảo. Quạt giấy được làm đơn giản từ tre, giấy carton và kẽm, thế nhưng để có thể tạo ra những chiếc quạt này cần phải trải qua nhiều công đoạn như chẻ tre, vót tre, xếp nan, rọc giấy, cuộn kẽm, dán khung… Mỗi một công đoạn đều đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ và cả tâm huyết của người thợ vào trong từng chi tiết.

Mỗi nan tre đều là sự tính toán cẩn thận để có thể tạo được một khung quạt thật chắc chắn- Ảnh Lê Công Đức

Không cầu kỳ, hoa mĩ, cũng không có những hoa văn hay họa tiết sắc sảo. Những chiếc quạt nàycó thể không mang giá trị về nghệ thuật cao, nhưng nó lại mang một nét đẹp tâm hồn khó mà tả được. Đơn giản từ thanh tre, mộc mạc từ lớp giấy và chân thành từ trong thân tâm những người làm quạt.

Không phải giấy thương hạng nhưng những tấm giấy carton đều được lựa chọn và xếp kỹ càng trước khi đem đi dán quạt - Ảnh Lê Công Đức

Giấy sẽ được ướm cho vừa vặn với khung quạt và cắt tỉa một cách chính xác. Ảnh Lê Công Đức

Sau khi cắt tỉa, giấy sẽ được ép vào khung quạt và dán lại - Ảnh Lê Công Đức

Quạt sau khi hoàn thành sẽ được vận chuyển đến các vùng nông thôn, bệnh viện hoặc khu vực sinh hoạt cộng đồng, nơi mà vẫn còn những người thật sự cần đến quạt giấy. Trong xóm vẫn có người ghé mua lẻ vài cái để dùng, hay thi thoảng cô cũng có những người quen bán hàng ăn ghé để mua quạt.

Đơn giản, mộc mạc, những chiếc quạt giấy vẫn lặng lẽ đóng góp một phần vào cuộc sống của người dân lao động - Ảnh Lê Công Đức

Mùa hè mỗi lúc càng không đáng nhớ khi công nghệ ngày càng phát triển. Quạt điện, quạt phun sương, điều hòa… là những thiết bị được sinh ra giải quyết rất triệt để cái nóng ấy. Và dần dần, chúng ta chỉ còn thấy những ông lão, bà lão vì hoài niệm mà phe phẩy chiếc quạt giấy rồi nhớ về năm tháng đã qua.

Lê Công Đức

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nguoi-cuoi-cung-o-xom-quat-giay-da-thanh-1680835.tpo