Người cuối cùng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân 'về với rừng thiêng'

Sau thời gian lâm bệnh nặng, dù được các y, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu, cụ Tô Đình Cắm (dân tộc Tày, thường gọi là Tô Văn Cắm, bí danh: Tô Tiến Lực), người cuối cùng trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đã từ trần ngày 14-7-2017, tại nhà riêng ở thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), hưởng thọ 95 tuổi.

Cụ Tô Đình Cắm sinh năm 1922 tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Mồ côi cha từ lúc ba tuổi, năm 17 tuổi tham gia Việt Minh. Cuối năm 1944, Tô Đình Cắm cùng 33 đồng chí khác đã tuyên thệ dưới lá cờ Việt Minh, trọn đời hy sinh máu xương vì nghiệp giải phóng dân tộc.

Sau khi tham gia buổi lễ tuyên thệ, ông cùng đồng đội tấn công, tiêu diệt hai đồn Pháp là Phai Khắt và Nà Ngần, sau đó tiếp tục tham gia hoạt động ở vùng cao các huyện Nguyên Bình, Ngân Sơn, vừa vũ trang, vừa tuyên truyền và đánh chặn quân Nhật tại một số trận ở Nà Phặc, Hà Hiệu, Đèo Giàng. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ tham gia cướp chính quyền tại thị xã Bắc Cạn, thành lập chính quyền cách mạng ở Chợ Rã, Thạch Thông.

Cụ Cắm trước chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cách đây ba năm tôi đến thăm ông. Tại căn nhà nghĩa tình đồng đội ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng), trong hồi ức không còn mạch lạc, ông kể rằng: Ngày ấy, bản của ông có mấy mươi nóc nhà, phần đông là người Tày, đời sống kham khổ mà phải chịu biết bao loại thuế má, lao dịch rồi sự áp bức của giặc Tây và lang châu tay sai. Năm 1941, sau khi Bác Hồ về Pác Bó, Việt Minh ra đời, ông tham gia vào Hội thanh niên Cứu quốc khi tròn 17 tuổi. “Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp-PV) nói, mình đã từng tham gia chống càn, có đủ gan dạ, có lòng căm thù giặc sâu sắc nên không thể nào phản động. Thế là năm 1944, mình được chọn vào Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”, Cụ Cắm nói.

Quê cụ Cắm có đỉnh Slam Cao, rừng thiêng Trần Hưng Đạo. Hơn bảy mươi năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đứng trên ngọn núi này để quan sát tình hình, chuẩn bị cho hai trận đánh mở màn Phai Khắt, Nà Ngần. Còn rừng Trần Hưng Đạo là “vành nôi” của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đó là những chứng tích thiêng liêng trong lịch sử dân tộc.

Lãnh đạo Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng thăm cụ Tô Đình Cắm (bên phải), dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1945, tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp vang lên ở Nam Bộ. Phong trào “Nam tiến” phát triển mạnh khắp các địa phương ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Cụ Tô Đình Cắm tham gia đoàn quân tiến vào chiến đấu ở các chiến trường Bình Định, Kiên Giang. Đến giữa năm 1946, trong một trận chiến ác liệt, cụ bị thương nặng phải rời đơn vị trở về bắc. Nhưng vì sức khỏe giảm sút, cụ được giải ngũ về quê.

Năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, cụ xung phong tái ngũ, được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng Trung đội pháo binh, đến năm 1954 chính thức giải ngũ về quê tham gia công tác ở địa phương, làm đội trưởng đội thuế rồi chủ nhiệm hợp tác xã. Năm 1992, cụ cùng gia đình chuyển vào sinh sống tại vùng kinh tế mới ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Trở về cuộc sống đời thường, cụ Tô Đình Cắm luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực lao động sản xuất, mẫu mực về đạo đức lối sống, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Những năm cuối đời, cụ và gia đình luôn nhận được sự quan tâm chu đáo về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, quân đội và chính quyền địa phương.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33475402-nguoi-cuoi-cung-doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-%e2%80%9cve-voi-rung-thieng%e2%80%9d.html