Người cụm trưởng cụm tình báo huyền thoại

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) làm Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H.63 từ 1962 đến 1969 và từ 1972 đến cuối 1973. Với thành quả hoạt động ngay giữa nội thành Sài Gòn trong thời gian dài, năm 1971, Cụm tình báo H.63 được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Người cụm trưởng cụm tình báo huyền thoại

TUẤN PHONG

Thứ Năm, 29-04-2021, 14:22

+ | Print

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) và Trung úy Nguyễn Đức Thọ (Sư đoàn 316).

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) và Trung úy Nguyễn Đức Thọ (Sư đoàn 316).

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) làm Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H.63 từ 1962 đến 1969 và từ 1972 đến cuối 1973. Với thành quả hoạt động ngay giữa nội thành Sài Gòn trong thời gian dài, năm 1971, Cụm tình báo H.63 được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Chiến đấu đến ngày toàn thắng

Khi vào nội thành Sài Gòn hoạt động, Cụm trưởng Tư Cang mang tên Trần Văn Quang với nghề gia sư, cùng đồng đội bàn kế hoạch chui sâu vào cơ quan tối mật của giặc để thu thập tài liệu, tin tức…

Thành viên Cụm được phân công vào những công việc khác nhau. Như Phạm Xuân Ẩn (bí danh X6), phóng viên báo Time; Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, thường gọi Tám Thảo) giao thông viên nội đô làm việc trong văn phòng cố vấn Mỹ tại Bộ Tư lệnh Hải quân chế độ Sài Gòn. Năm 1967 - 1968, Tám Thảo là thiếu nữ trẻ đẹp, giỏi tiếng Anh, bằng nghiệp vụ đã lấy được các tài liệu tuyệt mật xem phía địch đã hiểu, đánh giá ta ra sao trước, trong và sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 và thu thập con số thật về thiệt hại của lính Mỹ… Bà Nguyễn Thị Ba, bán hàng trang sức mạ vàng nhưng việc chính làm người liên lạc giữa X6 và cấp trên. Tùy theo quy ước mà liên lạc với “ông khách” (điệp viên Phạm Xuân Ẩn) tại các địa điểm ở giữa Sài Gòn. Nguyễn Thị Ánh, một giao thông viên chuyển tài liệu mật ra chiến khu và chuyển chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên cho điệp viên trong Sài Gòn.

Hà Thị Kiên, phụ việc nhà nhưng chính là liên lạc viên hỏa tốc, đột xuất… Quê bà ở xã Phú Hòa Đông, Củ Chi. Chưa từng xa gia đình, làng quê, không biết đi xe gắn máy. Vừa mới tập đi xe Mobylette, bà đã được tổ chức giao nhiệm vụ chuyển gấp tài liệu ra chiến khu, đường dài hơn 70 km. Đến chiều, bà trở lại Sài Gòn báo cáo Cụm trưởng hoàn thành nhiệm vụ. Hay tin Minh Tâm, một giao thông viên tình báo, năm 1960, bị sa vào tay giặc. Chúng dùng những cây kim đóng xuyên qua 10 đầu móng tay. Nén đau, cô lật ngửa hai bàn tay lên khiến chúng sửng sốt. Chúng lại dùng vải quấn từng ngón tay cô, tẩm xăng đốt, lần lượt từ ngón này sang ngón khác. Nhưng chúng đã không khuất phục được người nữ chiến sĩ ấy.

Những cán bộ, chiến sĩ điệp báo này đều là những người dũng cảm, thông minh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi người mỗi việc. Trong đó, điệp viên X6 giữ vai trò nòng cốt.

Hình ảnh hy sinh của những đồng đội Năm Hải, Sáu Ẩn… vì bom đạn giặc vẫn in trong tâm trí ông Tư Cang. Họ đều trẻ trung, hồn nhiên. Đó là Đô, một chiến sĩ trẻ hứng toàn bộ miếng lựu đạn giữ an toàn cho đồng đội. Cụm trưởng Tư Cang một lần bị máy bay, xe tăng giặc phát hiện, quyết lùng bắt cho được. Chợt thấy một cánh tay từ lòng đất đưa lên vẫy. Tư Cang chạy nhanh đến, tuột xuống địa đạo, đậy nắp lại. Bên trên, xe tăng giặc quần thảo tìm kiếm. Bàn tay đưa lên là của Ghém, một chiến sĩ trẻ, vừa mới bị thương do bom giặc.

Cụm tình báo H.63 đã vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, bảo đảm cho X6 hoạt động hiệu quả ngay cả trong sự truy bức gắt gao của mạng lưới an ninh phản gián dày đặc của Mỹ và chế độ Sài Gòn. Việc thu thập thông tin mật quan trọng từ phía giặc đã được mạng lưới tình báo của ta chuyển ra chiến khu, được cấp trên đánh giá rất cao góp phần không nhỏ vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

Ông Tư Cang (thứ hai, từ trái qua) gặp bà Tám Thảo tại chiến khu sau ngày giải phóng.

Nhiệm vụ đặc biệt trong phút giây sinh tử

Để bảo đảm an toàn cho Cụm tình báo H.63, Cụm trưởng Tư Cang từng được lệnh rút hẳn ra chiến khu thay cụm trưởng khác tiếp tục chỉ đạo X6 và chỉ huy Cụm H.63. Ông kể: “Tháng 10-1973, tôi được điều về làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2. Và để chuẩn bị cho trận quyết chiến giải phóng miền nam, được Bộ Tư lệnh cử đi học lớp bổ túc Chính ủy sư đoàn ở Hà Nội. Cùng đi có 15 đồng chí từ cấp thiếu tá trở lên, người thì vào Học viện Quân sự, người thì vào Học viện Chính trị. Đây là số cán bộ chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Học hai năm nhưng mới được một năm thì Chiến dịch Tây Nguyên với sức tấn công dũng mãnh của bộ đội ta đã làm cho giặc kinh hồn bạt vía bỏ chạy. Một buổi sáng tháng 3-1975, các đồng chí thủ trưởng gọi tôi lên, giao nhiệm vụ trở về nam chiến đấu!”.

Bộ Tham mưu B2 thành lập Lữ đoàn đặc công biệt động lấy phiên hiệu Lữ đoàn 316. Nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ Phòng Tình báo B2 (J22), ông Nguyễn Thanh Tùng tức Mười Cơ, Phó phòng Tình báo làm Lữ đoàn trưởng kiêm chỉ huy trưởng cánh bắc và ông Nguyễn Văn Tàu, Phó Chính ủy Phòng Tình báo làm Chính ủy cánh bắc. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cánh tiến công này đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu làm tê liệt tổ chức chỉ huy của giặt tại đây ngay từ đầu; tấn công, đánh chiếm hai căn cứ pháo binh, xe tăng ở Gò Vấp ngăn không cho giặc cứu viện… Lữ đoàn 316 còn có nhiệm vụ đặc biệt là chiếm giữ cầu Rạch Chiếc ngay cửa ngõ Sài Gòn, dọn đường cho đại quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Đây là nhiệm vụ quan trọng mà trên giao cho Lữ đoàn 316. Tư Cang thảo bức điện gửi đồng chí Trần Kim Thịnh, chỉ huy đặc công Z23 đánh chiếm cầu Rạch Chiếc: “Đơn vị các đồng chí nổ súng đầu tiên trong lữ đoàn, cần làm cho anh em thấy đây là vinh dự và trách nhiệm lớn. Đơn vị chắc sẽ gặp phải sức kháng cự của địch, dự kiến là sẽ rất gay go, ác liệt. Trong giờ phút này, cần xây dựng tư tưởng xông lên, không ngại hy sinh…”. Lữ đoàn cho trinh sát kỹ trận địa. Mặc dù lực lượng giặc canh giữ bảo vệ cầu rất chắc chắn nhưng các chiến sĩ đặc công thủy Z.23 đã bơi qua nhiều bưng rạch đến đúng vị trí ém quân. 3 giờ 15 phút sáng 27-4, chiến sĩ Nguyễn Đức Thọ dùng B40 bắn tan tháp canh của giặc, quân ta tấn công và sau một giờ giao tranh, giặc tháo chạy. Nhưng giặc phản công, 4 giờ chiều chúng chiếm lại. Sáng 30-4, với quyết tâm bằng mọi giá chiếm lại cầu, các chiến sĩ đặc công tấn công khiến giặc bỏ chạy tháo quân. Các anh đón những chiếc xe tăng đi đầu thuộc Lữ đoàn tăng 203, Quân đoàn 2 rầm rập qua cầu tiến vào Sài Gòn, cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Đây là thời khắc lịch sử, non sông nối liền một dải, bắc nam sum họp một nhà. Cũng là ngày đoàn tụ của Tư Cang với vợ, con, cháu sau nhiều năm xa cách.

Sau hai cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, ông Tư Cang tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ nơi chiến trường Tây Nam, bị thương cộng với những vết thương thời chống Pháp và chống Mỹ được xếp thương binh hạng 2/4, mất sức 61%. Ông kể: “Trong một lần nằm Bệnh viện Thống Nhất, tôi có thời gian ôn lại cuộc đời chiến đấu vào sinh ra tử, nhớ đồng đội đã hy sinh, nhớ những người dân đã không ngại hy sinh tù đày, tra tấn mà che giấu, bao bọc mình… Tôi cảm thấy “mắc món nợ” phải trả đối với người dân, đối với chiến sĩ…”.

Chỉ về những cuốn sách đã viết, ông tâm sự: “… Mình phải viết về những gương hy sinh đã qua của những người dân đô thị và vùng ven, những gương chiến sĩ lao mình vào trận mạc hy sinh một cách thanh thản”. Năm nay đã 93 tuổi, 71 tuổi Đảng, ông đã viết nhiều cuốn sách như “Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968”, “Nước mắt ngày gặp mặt”, “Trái tim người lính”, “Tình báo kể chuyện”… Theo ông: “Phải viết cho người đời biết đến những điều âm thầm mà cao thượng, những điều rất bình thường nhưng vĩ đại làm sao… Tôi chỉ ghi lại một cách trung thực về các sự kiện và những con người đã đi qua các cuộc chiến tranh với ý nghĩa góp phần giáo dục truyền thống cho lớp trẻ bằng người thật, việc thật”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-chinhtri/nguoi-cum-truong-cum-tinh-bao-huyen-thoai-643911/