Người của đất...

Cách đây 5 năm, ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước (Quảng Nam), trong dịp kỷ niệm 100 năm danh xưng Tiên Phước, đã từng mơ ước 'Tôi mơ ước rằng có ai đó viết một trường ca về Tiên Phước'. Cũng như bao nhiêu người khác, cùng với công việc bận rộn, với thời gian qua đi nhanh chóng, ước mơ chính đáng nhưng xa vời đó dần trôi vào quên lãng!

Cách đây 5 năm, ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước (Quảng Nam), trong dịp kỷ niệm 100 năm danh xưng Tiên Phước, đã từng mơ ước “Tôi mơ ước rằng có ai đó viết một trường ca về Tiên Phước”. Cũng như bao nhiêu người khác, cùng với công việc bận rộn, với thời gian qua đi nhanh chóng, ước mơ chính đáng nhưng xa vời đó dần trôi vào quên lãng!

Bìa Trường ca “Người của đất”.

Bìa Trường ca “Người của đất”.

Mà không phải vậy. 5 năm qua, với tình yêu quê hương cháy bỏng, nơi đã cho mình hình hài dáng vóc, cho mình hồn người thấm đẫm hồn quê, nhà thơ Mỹ An- Nguyễn Khánh (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam), đã âm thầm trải lòng mình để rồi hôm nay, nhân kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam, 105 năm danh xưng Tiên Phước đã trình làng Trường ca “Người của đất” (NXB Hội Nhà văn- 2021).

Trường ca “Người của đất” là một câu chuyện dài khách quan về Tiên Phước, một huyện miền núi trung du nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam. Câu chuyện bắt đầu từ đất từ làng chứ không phải sự tự tạo từ ước mơ hay hư cấu chủ quan của người viết. Về thăm đất/ bồi hồi nghe làng kể, nhà thơ chỉ việc ghi chép trung thực mà thôi.
Tháng 11 năm Bính Thìn (1916), vua Khải Định ban chiếu chỉ, danh xưng Tiên Phước ra đời. Đất và người Tiên Phước từ đó gắn với những thăng trầm của lịch sử thành vùng đất thánh cho trang sử chói ngời chiến công hiển hách.

Một miền quê bị sông núi cắt chia nhưng lại xuyên suốt truyền thống yêu nước. Đất thiêng sinh người tài! Tiên Phước đã sản sinh ra các nhà ái quốc nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Trần Huỳnh, Lê Vĩnh Huy...

Người của đất tự hào tha thiết/ Các bậc đại khoa chí lớn danh thành/ Dành cả cuộc đời cho độc lập đấu tranh/ Những chí sĩ yêu nước thương dân ngàn năm bất tử.
Tiên Phước tự hào về người, không chỉ là các bậc đại khoa chí lớn, không chỉ là những chí sĩ yêu nước thương dân, mà cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Sự hy sinh của những bà mẹ quê bất khuất kiên trung: mẹ Nhạn- Tiên Cẩm, mẹ Trĩ- Tiên Phong, mẹ Dũ- Tiên Mỹ..., của những chàng trai trẻ ăm ắp trong tim tình yêu quê hương đất nước, nhất là từ ngày có Đảng. Từ năm 1941, những chi bộ Đảng đầu tiên ra đời, đến năm 1949, Đảng bộ huyện được thành lập, theo tiếng gọi của Đảng, vì non sông bao người nuôi chí lớn/ phụng sự nhân dân tổ quốc trọn đời. Những người con Tiên Phước đã học tập chiến đấu hy sinh để trả nợ đất quê Đêm giặc vào gây oán hờn căm/ Ngày đất trời gieo neo bốc lửa/ Những chàng trai ra đi chưa kịp hẹn hứa/ Chưa trả nợ anh hùng đã gởi áo hào hoa.

Những câu thơ viết về sự hy sinh mất mát đầy xúc động đi vào lòng người như dao cứa, khắc cốt ghi tâm nhưng cũng đầy lòng tự hào và sự tri ân Của những con người sinh tử mong manh/ Ru mãi ngàn năm dưới lòng bia mộ/ Bao nhiêu chàng trai cùng chung ngày giỗ/ Thắp nén hương lòng thành kính tri ân/ Của những chàng trai chưa kịp dừng chân/ Về thăm mẹ rồi ra đi lần cuối/ Mãi ở lại bên bờ sông sườn núi/ Chẳng biết tìm đâu ra xác anh nằm.

Những câu thơ chân thực về công việc tưởng như bình thường của các bà mẹ mà chứa đựng một hành trang của một cuộc trường chinh chống giặc Cơm gói mo cau mắm đùm lá chuối/ Nước chè xanh trong trái bầu già cuội/ Cho con lên đường Cây Cốc đấu tranh.

Người Tiên Phước không bao giờ quên vụ thảm sát hơn 300 người ở Cây Cốc xã Tiên Thọ ngày 27-9-1954; không thể nào quên hố chôn hơn 500 đồng chí đồng bào ở Hầm Heo, Gò Vàng, Đồng Trai thuộc Sơn – Cẩm - Hà. Nhói đau khi đọc những câu thơ về Người về Đất: Hồn anh linh thao thức gọi nhau về hay Đất và người rên xiết những chiều quê.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo cùng năm tháng, chiến công nối tiếp chiến công. Tên đất tên làng viết nên lịch sử bằng máu xương của biết bao thế hệ. Đất Tiên Phước không chỉ hồi sinh trở màu tươi xanh tràn đầy hy vọng mà còn khoác lên mình chiếc áo mới tình yêu mới lãng mạn đến say người: Buổi ta về gặp lễ hội Lộc Yên/ Chợt nhận ra em giữa hoàng hôn lặng lẽ/ Dáng em đi thướt tha chiều rất khẽ/ Núi cũng nghiêng nghiêng theo tháng năm chờ. Người Tiên Phước tâm hồn gió lộng, bỗng một ngày đẹp đến ngỡ ngàng: Nậu hiền cùng ta về thăm thác/ Ồ Ồ dòng nước trắng mây bay/ Vui gởi lòng ta nghe gió lộng/ Gối bến mây trời em có hay.

Nhà thơ Mỹ An đã từng bộc bạch: ta lớn lên theo chiều dài đất nước, nợ nghĩa ân tình chưa trả hết quê hương, cũng vì cái nợ nghĩa ân tình ấy mà Trường ca “Người của đất” ra đời, tái hiện một dòng chảy mang tinh thần thi ca với những vẻ đẹp huy hoàng lộng lẫy bao trùm lên mảnh đất và con người xứ Tiên.

NGUYỄN BÁ HÒA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_243056_nguoi-cua-dat.aspx