Người Cơtu làm du lịch cộng đồng

Một vài năm trước, bà con trong thôn Pà Rông, xã Ta Bhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam không thể tưởng tượng được rằng những sinh hoạt đời thường hàng ngày trong gia đình mình như giã gạo, làm nương, đặt bẫy, đan lát, dệt vải, nấu ăn, múa hát... lại có ngày đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Mỗi đoàn khách du lịch đến thăm thôn làng đều được bà con đón chào nồng nhiệt. Ảnh: Thùy Hương

Cách thành phố Đà Nẵng vài chục km, nhưng đời sống của bà con Cơtu ở huyện miền núi Nam Giang của Quảng Nam còn khá khó khăn. Cả huyện Nam Giang năm 2016 vẫn còn tới 67,92% dân số thuộc nhóm nghèo. Huyện có tới 80% là người dân tộc thiểu số (60% là người Cơtu), vẫn giữ những phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất như săn bắn, làm nương rẫy.

“Săn tìm kho báu”

Từ năm 2012, dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu do FIDR (Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế Nhật Bản triển khai từ nguồn ngân sách của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại xã Ta Bhing (huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã sử dụng phương pháp “săn tìm kho báu” nhằm phát hiện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Cơtu trên địa bàn Quảng Nam. Năm 2016, khi dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu kết thúc, một dự án nữa được hình thành là dự án Hỗ trợ phát triển tiềm lực nông thôn dân tộc thiểu số của huyện Nam Giang, phát huy những thành quả của dự án trước và tập trung phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương. Người dân thích thú tìm tòi, học hỏi về các đặc trưng văn hóa của cha ông. Từ biết, đến hiểu, thấm thía, họ thêm tự hào về truyền thống của dân tộc mình, và ý thức hơn về việc gìn giữ bản sắc văn hóa, giới thiệu văn hóa của dân tộc.

Giờ đây, người dân các thôn ở xã Ta Bhing đã biết làm các sản phẩm lưu niệm, hái lượm sản vật địa phương, rồi gom lại một địa điểm, để tiêu thụ chung. Khách du lịch đến Ta Bhing không tiêu tiền trực tiếp tại mỗi nhà dân, mà được sử dụng các “phiếu mua hàng”, và đổi lấy hàng hóa tại các điểm bán tập trung đó. Lợi nhuận từ bán hàng sẽ được phân chia lại cho người sản xuất để đảm bảo công bằng giữa các thôn, các nhóm. Dù thu nhập chưa nhiều, nhưng đời sống của các hộ dân có nhích lên. Điều trông thấy là môi trường trong các thôn ngày càng sạch đẹp hơn, người dân không còn xả rác, mà biết giữ môi trường sạch đẹp, còn trồng hoa ven lối đi.

“Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm có 700 - 800 khách du lịch đến với xã Ta Bhing, Nam Giang, cá biệt năm 2017 có khoảng 1.000 du khách, trong khoảng 50 đoàn, chủ yếu là khách quốc tế như Nhật Bản, Pháp. Doanh thu riêng mảng phí tour năm 2017 của Hợp tác xã Ta Bhing đạt 560 triệu đồng, 70% số này được trích lại cho các nhóm tự phân chia. Riêng việc bán các mặt hàng đặc sản địa phương cho du khách năm 2017 đạt hơn 540 triệu đồng”, bà Trần Thị Thu Oanh, cán bộ Quản lý dự án của Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế cho biết.

“Quý nhất là văn hóa truyền thống đã được khôi phục, truyền tải tới các thế hệ kế tiếp. Người trẻ học hỏi người già về văn hóa, về cách làm đàn, cách chơi các loại nhạc cụ... để tham gia làm du lịch. Các trường mẫu giáo, tiểu học thì dạy điệu múa truyền thống Tung tung Ya Yá, đánh cồng chiêng, các món ăn truyền thống cho các em nhỏ. Làng nào cũng có nhà truyền thống. Các lễ hội dân gian được khôi phục. Nhiều nét văn hóa tưởng mai một đã sống lại”, ông Nguyễn Văn Phi, Phó trưởng phòng Văn hóa, huyện Nam Giang cho biết.

Với những phiếu đổi hàng do Hướng dẫn viên trao cho, các du khách có thể đổi các sản phẩm du lịch thay cho việc tiêu tiền trong tour cộng đồng. Ảnh: Thùy Hương

Giữ nguyên bản sắc

Hợp tác xã Ta Bhing có thành viên là 7/7 thôn của xã, mỗi thôn có 1 - 2 nhóm hoạt động trong các loại hình: thuyết minh viên, đời sống, ẩm thực, dệt thổ cẩm, văn nghệ truyền thống... Tại mỗi nhóm lại có trưởng nhóm và các hướng dẫn viên riêng.

Tại nhóm ẩm thực truyền thống Cơtu, Trưởng nhóm ẩm thực và các hướng dẫn viên ngồi cùng từng mâm với du khách, giới thiệu về các món ăn truyền thống của người Cơtu, với nguyên liệu chính từ núi rừng và công cụ nấu chủ yếu là ống tre, than hoa. Những trái tà vạc già chặt xuống từ cây, lấy nước ướp cùng rễ cây chuồn cho lên men tạo nên loại rượu ngất ngây hương núi rừng cũng là những điểm nhấn khó quên với khách du lịch đến Ta Bhing.

Tương tự, tại điểm tham quan của Hợp tác xã dệt thổ cẩm thôn Zơ Ra, Giám đốc Hợp tác xã và các xã viên tận tình giới thiệu với du khách 12 công đoạn dệt thổ cẩm của người Cơtu, lịch sử nghề dệt thổ cẩm, đặc trưng hoa văn dệt theo hình học, luồn cườm và hạt chì trực tiếp vào chỉ, mô phỏng chày giã gạo, giàn củi, lá athia lợp nhà, con dế, viên mã não trang sức. Tại nhóm âm nhạc truyền thống Cơtu của thôn Pà Xua, du khách được trưởng nhóm giới thiệu về ý nghĩa các động tác trong điệu múa Tung tung Ya Yá, múa Đinh Tút... trong các lễ hội của người Cơtu.

Vừa tham quan, tìm hiểu, du khách vừa được trực tiếp trải nghiệm dệt vải, múa hát cùng đồng bào, hòa mình vào đời sống của dân tộc Cơtu.

“Điều đáng quý là từ khi phát triển du lịch, các thôn, làng trao đổi thường xuyên nên gắn kết hơn”, anh Briu Thương, Giám đốc Hợp tác xã Ta Bhing tâm sự.

Hiện nay, tour du lịch tới Ta Bhing được xây dựng trong ngày, là một điểm đến trong chuỗi du lịch Quảng Nam: du lịch văn hóa di sản, du lịch biển, du lịch sinh thái, cộng đồng. Trước mắt, việc phát triển tour trong ngày, không lưu trú sẽ giảm bớt chi phí xây dựng nơi nghỉ cho du khách và không làm xáo trộn mô hình thôn làng của đồng bào Cơtu.

“Mỗi tháng hợp tác xã chỉ nhận đón 3 - 4 đoàn du khách, không phát triển ồ ạt, vừa nhằm đảm bảo chất lượng tour, vừa để đồng bào vẫn giữ được tập tục đi làm nương dài ngày và sinh hoạt như bình thường. Như vậy mới đúng là du lịch cộng đồng, không đảo lộn cuộc sống, mô hình sản xuất kinh tế truyền thống vốn góp phần làm nên bản sắc của người Cơtu”, ông Briu Thương chia sẻ.

Bài và ảnh: P.H

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/dan-toc-mien-nui/nguoi-cotu-lam-du-lich-cong-dong-20180409162014782.htm