Người Cor xứ Quảng đón 'Tết Bác Hồ'

Ngoài cái Tết Ngã rạ, cộng đồng người Cor xứ Quảng hòa cùng 53 dân tộc anh em đón Tết cổ truyền. Cái Tết mà trong thẳm sâu tâm hồn, họ gọi bằng một cái tên vô cùng đặc biệt - 'Tết Bác Hồ'.

Từ Tết Ngã rạ…

Thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nép mình bên đại ngàn hùng vĩ. Nơi đây là chốn dừng chân cư ngụ bao đời nay của cộng đồng người Cor trên hành trình “di dân” từ Trà My (tỉnh Quảng Nam) sang. Theo tập quán truyền đời, người Cor thường ăn Tết Ngã rạ (Càzim) vào khoảng tháng Mười âm lịch hằng năm.

Theo các cao niên, Ngã rạ của người Cor ban đầu là một nghi thức tạ ơn đất trời sau vụ mùa bội thu. Khi gia đình cuối cùng trong buôn, trong nóc đưa lúa lên chòi cũng là lúc già làng quyết định cả làng ăn Tết. Về sau, những phần hội vui chơi được bổ sung vào khiến Tết Ngã rạ càng thêm đặc sắc.

Không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Cor xứ Quảng.

Không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Cor xứ Quảng.

Già Trụ Văn Hải (70 tuổi) – người uy tín bậc nhất làng bật mí rằng, đây là ngày đặc biệt của dân tộc Cor nhằm gìn giữ bản sắc. Ngoài việc tạ ơn, nghi thức cúng Tết Ngã rạ là để cầu an, mong muốn người thân trong gia đình, bà con không đau ốm, cầu lộc, cầu cho người dân có đời sống khá giả hơn.

Tết Ngã rạ của người Cor bắt đầu từ rất sớm. Khi mặt trời vừa lấp ló ở chân núi, dân làng đã lên rẫy rước thần Lúa về để tiến hành nghi lễ tại nhà sàn tập thể. Mọi người quây quần bên mâm cỗ để nghe các già làng tạ ơn tổ tiên, tạ ơn thần Lúa đã ban phúc cho dân làng được mùa lúa rẫy, no ấm.

“Phần lễ này do các cao niên uy tín đảm nhiệm. Sau khi làm lễ ở nhà sàn lớn, người Cor cũng tổ chức lễ cúng ở mỗi gia đình nhằm xua đi những điều xui rủi của mùa rẫy cũ, gửi gắm niềm tin vào mùa mới may mắn, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt vàc ầu cho hồn lúa ở mãi cùng gia đình...”, già Hải chia sẻ.

Sau lễ cúng ở từng nhà, người dân lại tề tịu đông đủ về lại nhà sàn lớn của làng. Dưới cây Nêu lớn, các hoạt động văn nghệ biểu diễn đậm nét của đồng bào Cor diễn ra, như kéo co, đấu chiêng, nấu bánh mũi tên được diễn ra sôi nổi, hào hứng.

Nhưng có lẽ, phần các cặp đôi trai gái trong làng thì giã gạo dưới chân nhà sàn khiến nhiều người chú ý nhất. Những cô gái, chàng trai Cor trong bộ trang phục truyền thống duyên dáng xinh đẹp của núi rừng tay trong tay giã chày giã cối liên hồi. Vừa tình tứ, vừa hân hoan. Xung quanh, đông đảo người xem không ngớt vỗ tay tán thưởng...

Bánh mũi tên – sản phẩm nức tiếng của người Cor.

Đến “Tết Bác Hồ”

Màn đêm buông xuống, đồng bào Cor nắm tay nhau tạo thành vòng tròn quanh đống lửa để nhảy, giao lưu trình diễn nghệ thuật hát múa cồng. Cái se lạnh đất trời trong thời khắc chuyển giao cũ mới bỗng chốc trở nên đầm ấm, vui tươi.

Bên bếp lửa bập bùng nơi góc nhà sàn, già Hải mời chúng tôi thử món rượu cần thơm nồng của người Cor xứ Quảng. Cơm lúa rẫy mới nức vị ngọt của núi rừng kèm món bánh mũi tên bùi ngùi mang hương sắc bản địa. Tiếng chúc tụng, lời yêu thương hòa cùng tiếng khèn vang vọng giữa đại ngàn.

Câu chuyện ngày Tết mỗi lúc một rôm rả hơn. Theo già Hải, năm nay, làng Bình An có nhiều đổi mới. Một cái Tết cổ truyền mới hứa hẹn cũng vì thế mà khang trang hơn, đầm ấm hơn.

Cái đổi mới mà già Hải nói đến là nhà sàn của làng vừa xây mới hơn tỷ đồng. Cái mới đó còn là việc chính quyền huyện Bình Sơn đưa ngôi làng với nhiều nét văn hóa độc đáo nơi đại ngàn này vào diện phát triển du lịch. Nữa là màu xanh tranh bích họa vừa được phủ lên mái nhà rêu phong nơi đây. “Chính quyền cho vẽ tranh bích họa lên cái mái nhà, bờ tường. Các bức tranh đều thể hiện nét văn hóa của làng. Từ cồng chiêng đến không gian sinh hoạt bản địa. Ngôi làng vì thế mà xinh đẹp hơn, mộng mơ hơn. Mỗi ngày khách du lịch cứ về làng tham quan, học hỏi văn hóa người Cor. Cuộc sống cứ thế hòa nhập, đổi thay”, già Hải nói.

Bí thư Đảng ủy xã Bình An Nguyễn Văn Vinh kể rằng, sự đổi thay hòa nhập ấy là cả chặng đường dài. Vốn xưa, người Cor chỉ ăn Tết theo tập tục của mình, tức Tết Ngã rạ ở trên. Về sau cuộc sống hòa nhập, người Cor bắt đầu ăn thêm một cái Tết nữa. Cái Tết cổ truyền. Trải mấy mươi năm, nếp ăn Tết cổ truyền cứ thế đã trở thành nét đẹp đồng bào nơi đây. Hòa chung sắc thắm 53 dân tộc anh em khác, nét độc đáo Tết cổ truyền người Cor làm nên bức tranh muôn màu. Với người Cor, Tết cổ truyền trong mắt họ mang một cái tên thật đẹp – “Tết Bác Hồ”.

Ông Trụ Văn Rí cùng con cháu đang tập trung quét dọn, chỉnh trang nhà cửa chuẩn bị ăn Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Do còn tất bật với nương rẫy nên mỗi ngày, ông Rí cùng con cháu còn phát dọn, làm sạch cỏ quanh nhà cũng như dẹp dọn trong nhà.

Phần quan trọng nhất trong công tác chỉnh trang nhà cửa ấy có lẽ lau dọn bàn thờ. Trên bàn thờ người Cor luôn có tấm ảnh Bác Hồ ở vị trí trang nghiêm nhất. Tâm khảm người Cor luôn mãi nhớ về Bác Hồ. Từ khi có Đảng, có Bác Hồ, cuộc sống người Cor bớt khổ, bớt cực, lúa thóc đầy teo, nhà cửa ổn định.

“Tết cổ truyền người Cor tay bắt, mặt mừng, đi chúc tụng nhau cùng hướng tới tương lai năm mới tốt đẹp hơn. Tuy ăn Tết cổ truyền giống với người Kinh như làm bánh tết, rước ông bà về cùng ăn Tết, tiễn ông bà đi sau ba ngày Tết,... nhưng trong nghi lễ cúng, người Cor vẫn đưa những nét tập quán riêng về tâm linh của dân tộc mình”, ông Rí nói.

Cái riêng, cái nét độc đáo thì rất nhiều. Như trước đây, hầu hết người Cor không dám đến nơi chôn cất người thân quá cố. Họ gọi những nơi chôn cất này là những khu “rừng ma”. Trong tâm thức, người Cor vô cùng sợ “rừng ma”. Nhưng rồi, khi hòa nhập, họ nhận ra những điều tốt đẹp ở việc chăm lo cho phần mộ tổ tiên, người quá cố. Cứ mỗi độ Tết về, họ cùng nhau đi sửa sang phần mộ người thân. Việc này thường diễn ra trước Tết cổ truyền từ 5 - 7 ngày.

Đặc biệt nữa là, mỗi ngày, người Cor chỉ sửa sang, phát dọn làm sạch duy nhất một ngôi mộ và cứ làm liên tiếp trong những ngày sau. Người Cor rất kiêng cữ, tuyệt đối không được tu sửa nhiều ngôi mộ trong một ngày. Họ tin rằng, nếu làm như vậy sẽ gặp tai họa trong năm mới.

Đêm Giao thừa, người Cor tiến hành lễ cúng rước ông bà về ăn Tết cổ truyền. Họ chọn vật sống để cúng. Mục đích là để ông bà có con giống đang sống mang về cõi âm để nuôi thả, làm ăn. Lễ cúng cũng không có đốt nhang như người Kinh mà họ đốt một loại sáp ong rừng. Loại sáp này cháy lâu và có mùi hương đặc trưng của núi rừng. Người Cor tin rằng, mùi hương này sẽ mời gọi tổ tiên với sum vầy với con cháu trong cái Tết cổ truyền.

Nhiều nét văn hóa độc đáo

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lý Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đồng bào người Cor ở xã Bình An vẫn còn lưu truyền nhiều nét văn hóa độc đáo.

“Người Cor ăn Tết Ngã rạ và Tết cổ truyền. Điểm nhấn trong những ngày Tết này ngoài sắc màu văn hóa bản địa thì luôn luôn có là màu cờ đỏ sao vàng được treo nhiều nơi. Cùng với đó, hình ảnh Bác Hồ được đặt tại vị trí trang trọng ở không gian bên trong các nhà sàn. Thời gian qua, chính quyền huyện cũng tích cực quan tâm đến đời sống văn hóa, tâm linh bà con nơi đây...”, ông Thọ chia sẻ.

Nhâm Thân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-cor-xu-quang-don-tet-bac-ho-a463211.html