Người cộng sản kiên cường bất khuất, tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính

Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15-1-1910 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; là một trong những đảng viên tiền bối ưu tú của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đồng chí Trần Hữu Dực sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi; được đứng trong hàng ngũ của Đảng năm 1929. Năm 1930, đồng chí được bầu là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí bị đế quốc thực dân bắt giam tại 4 nhà tù, nhà đày: Quảng Trị, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết; bị kết án tổng cộng 29 năm tù giam và 22 năm quản thúc. Trong 13 năm bị tù đày, trước mọi cực hình tra tấn tàn khốc của kẻ thù, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết, ý chí chiến đấu, kiên cường “bước qua đầu thù”.

Trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao đảm nhận nhiều trọng trách: Là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa I, II, III, IV; đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII; Ủy viên Đảng đoàn Chính phủ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông trường, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Bí thư Khu ủy Trị Thiên, Phó thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao... Đồng chí mất ngày 21-8-1993, thọ 83 tuổi.

 Đồng chí Trần Hữu Dực, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ( thứ 2 từ phải sang) báo cáo tình hình nhiệm vụ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 2-1955). Ảnh tư liệu.

Đồng chí Trần Hữu Dực, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ( thứ 2 từ phải sang) báo cáo tình hình nhiệm vụ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 2-1955). Ảnh tư liệu.

Với những công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý. Tên của đồng chí được đặt cho một con phố ở Hà Nội: Phố Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Đồng chí Trần Hữu Dực là một đảng viên cộng sản hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nêu tấm gương kiên cường bất khuất, cần kiệm liêm chính”.

Trong thời gian làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức-hành chính và Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tôi có nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc khi được làm việc và phục vụ đồng chí Trần Hữu Dực trong thời gian hơn 10 năm, khi đồng chí giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Thời gian sơ tán chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đồng chí Trần Hữu Dực kiêm chức vụ Trưởng ban sơ tán Trung ương, đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương; sơ tán triệt để các cơ quan, trường học, các cơ sở kinh tế… rời khỏi Hà Nội và một số thành phố, nhằm hạn chế thấp nhất thương vong, thiệt hại, đồng thời góp phần huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc xây dựng khu an toàn của Trung ương được đồng chí chỉ đạo rất sát sao, cụ thể. Đặc biệt, đồng chí rất quan tâm và căn dặn cán bộ, nhân viên chấp hành đúng các quy định về giữ gìn bí mật địa điểm sơ tán.

Trong công tác, đồng chí chỉ đạo sát sao và rất quan tâm đến cán bộ được giao nhiệm vụ. Giao việc cho ai, đồng chí đều cân nhắc kỹ, giao việc rõ ràng, cụ thể. Cán bộ, nhân viên trong cơ quan văn phòng rất kính trọng đồng chí. Trong cuộc sống hằng ngày, đồng chí rất tiết kiệm, giản dị, việc gì gây lãng phí là kiên quyết không làm; luôn nêu cao ý thức cần kiệm, từ việc sử dụng giấy tờ tài liệu, tài sản công, đến chi tiêu cá nhân. Đồng chí cho rằng, tiết kiệm là một yêu cầu của cách mạng và của cuộc sống, nhất là khi đất nước còn rất khó khăn. Đồng chí không bao giờ đòi hỏi gì cho cuộc sống riêng của mình ngoài chế độ quy định của Nhà nước. Chúng tôi rất cảm phục đồng chí về đức tính đó. Khi làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, phu nhân của đồng chí cũng làm việc cùng cơ quan, nhưng hằng ngày bà vẫn đi làm bằng xe đạp. Đồng chí cho rằng, xe ô tô là chế độ phục vụ cho công việc, ai có tiêu chuẩn thì sử dụng theo đúng quy định.

Trong công việc hằng ngày, đồng chí yêu cầu cán bộ cơ quan Phủ Thủ tướng thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, làm việc đúng giờ, chất lượng, hiệu quả. Được sống và làm việc nhiều năm gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên đồng chí càng nêu cao ý thức trách nhiệm và học tập tấm gương, đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Bác Hồ. Tôi còn nhớ, có lần Bác Hồ gửi sang Văn phòng Phủ Thủ tướng một bức thư, mà phong bì làm bằng tờ bản tin cũ của Thông tấn xã Việt Nam. Bác lấy một mảnh giấy trắng nhỏ dán đè lên, rồi đề tên cơ quan nhận thư. Học tập Bác, đồng chí Trần Hữu Dực khi soạn thảo văn bản, tài liệu cũng thường xuyên dùng giấy đã in một mặt. Từ đó cán bộ, nhân viên trong cơ quan cũng noi theo, thực hiện việc tiết kiệm rất nghiêm túc và triệt để.

Được làm việc với đồng chí Trần Hữu Dực trong nhiều năm, tôi luôn thấy đồng chí rất tận tụy, hết lòng hết sức, tận tâm tận lực vì công việc, không bao giờ đòi hỏi chế độ gì cho riêng mình, nêu gương sáng về tinh thần trách nhiệm và sự liêm khiết, cuộc sống rất giản dị. Trong việc sử dụng cán bộ và quan hệ, đối xử với cấp dưới, đồng chí rất công tâm và luôn quan tâm đến phẩm chất cán bộ, nhất là phẩm chất chính trị. Tôi học tập được nhiều ở đồng chí trong việc bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và nhờ vậy, đội ngũ cán bộ Văn phòng Phủ Thủ tướng rất chuyên tâm với công việc, noi gương đồng chí Trần Hữu Dực để phấn đấu làm việc ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.

DƯƠNG VĂN PHÚC (*)

(*) Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nguoi-cong-san-kien-cuong-bat-khuat-tam-guong-mau-muc-ve-can-kiem-liem-chinh-607799