Người công nhân 'trọn nghĩa vẹn tình'

Từ lô cao su về, mặt mũi còn lấm lem bụi đất nhưng anh Tô Ngọc Duy, thợ khai thác mủ cao su thuộc Đội 3 (Công ty 732, Binh đoàn 15) đã đi ngay vào bếp vo gạo nấu cơm chiều cho cả gia đình. Trong căn nhà cấp 4 đang xây dang dở, người vợ bị mù cả hai mắt cất tiếng ru à ơi. Đứa con trai 4 tuổi của anh chị ngủ ngon lành trong vòng tay của mẹ.

Anh Tô Ngọc Duy, sinh năm 1987, ở miền quê nghèo xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), trải qua những năm tháng tuổi thơ lam lũ, chứng kiến cảnh cha mẹ vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Năm 2005, tốt nghiệp phổ thông trung học, anh vào tỉnh Kon Tum làm công nhân cho Công ty 732. Với đức tính hiền lành, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó nên sau 6 năm công tác anh đã dành dụm xây được một căn nhà nhỏ, đưa cha mẹ và em trai ở quê vào cùng làm ăn.

Khi cuộc sống đã ổn định, anh cưới chị Nguyễn Thị Hòa cùng quê làm vợ rồi ra ở riêng, cứ tưởng vợ chồng anh chị được viên mãn hạnh phúc. Nhưng đôi mắt của chị Hòa đang lành lặn tự nhiên bị đau, có biểu hiện mờ dần. Anh đưa chị đi khám ở bệnh viện Từ Dũ thì mới biết bị bong võng mạc mắt và bị hở van tim, sức khỏe yếu, do phát hiện muộn nên bệnh đã chuyển biến nặng. Dù đã trải qua 5 lần phẫu thuật nhưng vẫn không đem lại kết quả khả quan, thị lực giảm sút rồi bị mù. Suốt thời gian vợ nằm viện điều trị và sinh con, căn nhà đang xây dở cũng phải dừng lại, số tiền tích cóp được đã dùng hết vào việc mua thuốc thang điều trị cho vợ mà vẫn không đủ.

 Anh Tô Ngọc Duy chăm sóc đàn gia cầm để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Anh Tô Ngọc Duy chăm sóc đàn gia cầm để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Từ lúc vợ không còn khả năng lao động, anh trở thành trụ cột cho cả gia đình, từ việc chợ búa, bếp núc, chăm sóc vợ con đến hoàn thành nhiệm vụ của công ty giao. Đại úy QNCN Cao Văn Phương, Đội trưởng Đội 3, cho biết: “Tô Ngọc Duy đã gắn bó với đơn vị được gần 15 năm, anh rất siêng năng, chăm chỉ, vợ đau ốm bệnh tật là thế nhưng chưa bao giờ anh để đơn vị phải nhắc nhở về tiến độ công việc. Đặc biệt, anh không bao giờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, sản lượng mủ, thu nhập của anh Duy luôn đạt và vượt kế hoạch đơn vị giao; 6 năm liền (2013-2018), anh được Đảng ủy, Ban giám đốc công ty tặng Danh hiệu "Lao động tiên tiến".

Thương người chồng, nhiều lần chị Hòa khuyên anh đi tìm bến đỗ mới, để chị về ở với cha mẹ đẻ. Nhưng anh gạt phăng đi: "Dù có nghèo khó đến đâu cũng phải giữ cho được tình nghĩa vợ chồng. Những lúc hoạn nạn lại càng phải ở bên nhau, yêu thương nhau hơn…”.

Chị Nguyễn Thị Lân, Chi hội trưởng Chi hội 3 (Hội Phụ nữ cơ sở Công ty 732) khâm phục những nỗ lực, sự cố gắng và tình cảm mặn nồng của vợ chồng anh Duy. “Vợ chồng công nhân mắt sáng đã khó khăn, huống chi giờ vợ bị mù lòa, không còn khả năng lao động. Nhưng tình cảm họ dành cho nhau trên cả tuyệt vời, dù phải làm lụng vất vả nhưng anh Duy luôn ân cần chăm sóc vợ con, không một lời to tiếng hay trách móc. Anh là người công nhân, người chồng sống trọn nghĩa vẹn tình, ai cũng ngưỡng mộ”, chị Lân chia sẻ.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊ THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nguoi-cong-nhan-tron-nghia-ven-tinh-629363