Người công nhân số 1

LTS: Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 / 20-8-2018), Báo Quân đội nhân dân trích đăng bài viết 'Người công nhân số 1', của đồng chí Lê Hữu Lập, nguyên thư ký của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bài viết đăng trong cuốn sách 'Tôn Đức Thắng-Một con người bình thường-vĩ đại'.

Niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi là nhiều năm được phục vụ trực tiếp và gần gũi Bác Hồ, Bác Tôn-hai vị Chủ tịch nước đầu tiên của nước ta; được toàn Đảng, toàn dân quý mến, bạn bè nước ngoài kính yêu; hai tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân.

Tháng 6-1958, tôi đang công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng thì được cử sang làm Trưởng phòng Văn phòng Văn thư Phủ Chủ tịch. Tháng 7-1960, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch nước. Năm đó, Bác Tôn đã 72 tuổi. Bác không chịu nhận một thư ký riêng giúp việc vì lý do công việc không nhiều, sử dụng một cán bộ là lãng phí, rỗi rãi cán bộ sẽ không yên tâm. Bác Hồ rất quan tâm đến Bác Tôn, song cũng tán thành ý kiến đó và nói anh em văn phòng chúng tôi sắp xếp công việc để có người lo thêm công việc bên Bác Tôn. Thế là đầu năm 1962, tôi được giao thêm nhiệm vụ phục vụ Bác Tôn; phần lớn thời gian tôi vẫn làm việc bên Bác Hồ. Cho đến tháng 9-1969, sau khi Bác Hồ qua đời, Bác Tôn lên thay, tôi sang làm thư ký Bác Tôn.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm công nhân vùng mỏ Quảng Ninh năm 1975. Ảnh tư liệu

Từ khi còn công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, tôi thấy các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhất là Bác Hồ có sự quý mến, trân trọng rất đặc biệt đối với Bác Tôn; còn Bác Tôn rất ít nói về mình. Quá trình phục vụ Bác Tôn giúp tôi ngày càng biết rõ thêm về sự nghiệp cách mạng của Bác. Đồng chí Nguyễn Văn Lợi kể lại, năm 1926 từ Quảng Châu cùng với đồng chí Trần Trọng Bình được Bác Hồ cử về Sài Gòn gây cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Bác Hồ đã dặn phải tìm liên lạc với anh công nhân Tôn Đức Thắng. Người chiến sĩ Biển Đen, người công nhân đó từ năm 1920 đã tổ chức ra Công hội bí mật, người đứng đầu phong trào công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn. Qua Công hội bí mật, những hội viên ưu tú được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tổ chức này nhanh chóng phát triển khắp lục tỉnh và Bác Tôn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Đồng chí Lê Văn Lương cũng kể với chúng tôi, thời kỳ đó, khi đồng chí vào hoạt động ở Sài Gòn, tổ chức ngoài Bắc này cũng dặn phải tìm bắt liên lạc với Tôn Đức Thắng…

Tôi phục vụ Bác Tôn khi tuổi Bác đã cao, ở cương vị đứng đầu Nhà nước, song vẫn thấy ở Bác phong cách công nhân: Khiêm tốn, giản dị, ghét xa hoa hình thức, giàu lòng nhân hậu thương người. Trong việc công, việc riêng, cách giải quyết của Bác Tôn có những ý nghĩa thật sâu sắc.

Theo Bác Tôn, khi đi thăm địa phương nào phải có yêu cầu thiết thực và không gây phiền hà, tốn kém cho địa phương, cơ sở. Có lần Bác nói với tôi: “Vài năm đầu về Hà Nội (sau hòa bình năm 1954) mình hay xách xe chạy xuống mấy nhà máy. Sau xem lại thấy chẳng giúp cho cơ sở được bao nhiêu, lại phiền phức cho họ, nên phải rút kinh nghiệm”.

Năm 1978, Bác Tôn đã sang tuổi 90, Trung ương định xây ngôi nhà nghỉ cho Bác ở ngay Hà Nội. Nhà đã thiết kế, vật liệu đã chuẩn bị, sắp khởi công thì Bác biết. Bác Tôn gọi ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Chủ tịch, sang hỏi: “Các anh định xây nhà cho tôi?”. Ông Nguyễn Việt Dũng làm như không biết, trả lời Bác: “Không ạ. Cháu nghe như Phủ Thủ tướng định xây nhà khách ạ”. Bác bảo: “Thế là chuyện khác, còn nếu định xây nhà cho tôi thì để các anh ở”, và Bác nói sang chuyện khác. Thế là kế hoạch bị vỡ.

Những món quà các đoàn quốc tế gửi tặng, Bác Tôn không giữ lại trong nhà thứ gì, mà dùng biếu lại những nhân sĩ tiêu biểu trong Mặt trận.

Bác Tôn ra đi lúc 6 giờ 35 phút ngày 30-3-1980. Bác ra đi rất thanh thản. Mọi chuyện Bác đã sắp xếp xong từ lâu. Nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt-mọi thứ Nhà nước cung cấp đều trả lại Nhà nước. Con cháu là cán bộ Nhà nước hưởng theo chế độ chung, không chờ ưu tiên, ưu đãi.

Bác Tôn Đức Thắng, người công nhân số 1, đã trọn đời cống hiến cho dân, cho nước, suốt đời một phong cách công nhân trong sáng, cao đẹp biết bao!

LÊ HỮU LẬP

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nguoi-cong-nhan-so-1-547278