Người con tha hương và tiệm ăn Việt ở Ecuador

Đầu năm 2014, báo Tiền Phong Tết Giáp Ngọ đăng bài 'Người con tha hương trước gian hàng Việt ở Festival' trong đó tôi kể về vợ chồng Đinh Sĩ Hiệp - Evelin mà tôi gặp ở gian hàng của Đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam ở Festival 14 diễn ra tháng 12 năm 2013 ở Quito, thủ đô Ecuador. Mới đây, tôi tái ngộ Hiệp qua mạng xã hội.

Hiệp, một thanh niên nghèo quê ở Sầm Sơn, Thanh Hóa đã sang Quito tận Nam Mỹ làm cho tiệm ăn của người bà con, lấy Evelin một cô gái Ecuador cũng nghèo. Do đánh mất giấy chứng minh nhân dân nên không làm được giấy tờ hợp lệ để đăng ký thường trú, Hiệp luôn lo lắng, không yên về việc cư trú không đúng luật của mình. Có lần gặp một nhóm đại biểu Quốc hội người Thanh Hóa sang làm việc ở đây tới nhà hàng để ăn món Việt, Hiệp nhờ họ về can thiệp để ở nhà cấp lại cho cậu cái giấy chứng minh khác. Họ nói “đơn giản” nhưng rồi mãi không thấy hồi âm lại. Giờ Hiệp nhờ tôi.

Trở về, tôi luôn canh cánh chuyện của Hiệp. Sau khi báo Tết ra, tôi viết một bức thư ngắn có ghi số điện thoại cài vào trang in bài báo kể câu chuyện của Hiệp, gửi tặng người đứng đầu công an tỉnh Thanh Hóa, là chỗ có quan hệ quen biết, đề nghị ông xem xét xem có đặc cách cấp cho Hiệp một chứng minh thư mới được không. Bức thư không được hồi âm.

Ảnh vợ chồng Hiệp chụp cùng Nguyễn Lâm Diễm Trang năm 2013 (Trang sau đó trở thành Á hậu Việt Nam 2014)

Ảnh vợ chồng Hiệp chụp cùng Nguyễn Lâm Diễm Trang năm 2013 (Trang sau đó trở thành Á hậu Việt Nam 2014)

Không nản, Tết Trung thu năm ấy, lấy cớ lên thăm tặng bánh, tôi đến trực tiếp gặp ông. Sau khi nghe tôi trình bày, ông nói ngắn gọn rằng không thể làm gì được vì nguyên tắc cấp chứng minh nhân dân là đương sự phải có mặt. Tôi không thể thuyết phục gì thêm vì biết ông nói rất đúng quy định.

Tôi không thông báo tin buồn đó được cho Hiệp vì đã sơ suất để lẫn mất đâu đó cuốn sổ ghi chép chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay tôi hay dùng khi tác nghiệp do dễ đút vào túi quần, trong đó Hiệp có ghi cho tôi địa chỉ facebook của cậu để liên lạc.

Tháng 10 vừa qua, sau gần 5 năm, tôi tình cờ tìm lại được cuốn sổ. Gõ địa chỉ facebook của Hiệp, tôi mỉm cười khi nhìn thấy hình ảnh đại diện Hiệp dùng chính là bức ảnh tôi chụp vợ cậu cùng Nguyễn Lâm Diễm Trang – một thành viên của Ðoàn đại biểu Việt Nam tại Festival, người mà 9 tháng sau đó trở thành Á hậu Việt Nam 2016. Bức ảnh đăng kèm bài trên Tiền Phong số Tết Giáp Ngọ, rồi đưa lên báo Tiền Phong điện tử, chắc Hiệp xem được và tải về.

Tôi và Hiệp bắt đầu nhắn tin qua lại bằng Messenger. Khi tôi báo tin buồn không giúp làm chứng minh nhân dân để Hiệp làm giấy tờ hợp pháp bên đó được, Hiệp nhắn ngay: “Em có giấy tờ thường trú hợp pháp rồi anh ơi. Con gái em được 1 tháng là em có giấy tờ ngay”. Lập tức, Hiệp chụp gửi khoe tấm thẻ cư trú số 175670781-4 do Republica Del Ecuador (Cộng hòa Ecuador) cấp.

Thì ra Hiệp đã có con và bố được “ăn theo con”, được làm giấy tờ cư trú mà không cần chứng minh thư như cơ quan công quyền Ecuador yêu cầu trước đó. Giờ có trong tay giấy tờ thường trú, hộ chiếu Việt Nam thì vẫn giữ, tiếng Tây Ban Nha lại đã “đủ dùng” như Hiệp nói, anh thành một “cư dân” đàng hoàng của của đất nước Nam Mỹ dù vẫn giữ quốc tịch Việt. Mà Hiệp không chỉ có con gái đâu nhé, thêm một chú nhóc nữa. Ðứa chị 4 tuổi rưỡi, tên là Quynh Anh (Quỳnh Anh) Honey Dinh Si Chile, cu em gần 3 tuổi là Bao Khoi (Bảo Khôi) Camilo Dinh Si Chile. Vậy là hai bé có 50% dòng máu Việt này có họ kép: Ðinh Sĩ của bố và Chile của mẹ.

Hiệp gửi ảnh cả nhà, rồi ảnh hai con cho tôi. Trộm vía, cả hai đứa đều xinh xắn, đẹp hơn bố mẹ. Ắt hẳn rồi cuộc đời hai cháu sẽ đỡ vất vả hơn hai bậc sinh thành ra chúng, đúng như quy luật đi lên của cuộc sống, nhất là khi bố mẹ chúng lại chịu thương chịu khó và không phải là không mạnh bạo.

Số là Hiệp và Evelin quyết định từ bỏ kiếp làm thuê và mở một tiệm ăn tại địa chỉ Ar.de la Prensa N50-89 y Cap. Cristóbal Sandovah thủ đô Qui to. Món thuần Việt! Hiệp gửi ảnh: Biển hiệu bằng tiếng Tây Ban Nha: “CHIFA Vietnam Restaurante”. CHIFA nghĩa là nhà hàng, tiệm ăn – Hiệp giải thích. Chỗ này thì Hiệp nhầm mất rồi. “Chifa” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “tiệm ăn Tàu”. Nhưng tôi cứ ngắm kỹ chữ “Việt Nam” lớn ngự ở chính trung tâm biển hiệu, rõ phóng khoáng, thanh cảnh, nhìn thích mắt, tạo được điểm nhấn. Như vậy là bất cấp cái chữ “Chifa” kia, Hiệp nhấn mạnh đây là tiệm ăn Việt Nam. Thế cũng là dũng cảm, bởi nó không thu hút khách được nhiều như tiệm Tàu, tiệm Thái, tiệm Nhật. Hơn 10 năm trước đi châu Âu, đến nhiều nhà hàng Tàu nhưng thấy chủ là người Việt, hỏi thì họ nói cũng bán cả món Việt, nhưng tên thì phải để là “Chinese Restaurant” - nhà hàng Tàu thì mới đủ sức hút khách. Hồi tôi đến Quito, đi ăn món Việt ở nhà hàng người bà con của Hiệp mở, tên của nó cũng nhà hàng Tàu. Ðiều mừng là gần đây đi một số nước, thấy ngày càng nhiều nhà hàng của người Việt trưng biển Vietnamese Restaurant - Nhà hàng Việt, thậm chí có những nơi viết biển hiệu bằng tiếng Việt.

Tôi hỏi Hiệp sao không áp dụng chiêu thức, chiến thuật nương bóng hẳn các nền ẩm thực quen thuộc hơn với thế giới để hút khách cái đã, Hiệp đáp: “Em muốn tiệm của em là tiệm Việt”.

Tôi hỏi Hiệp sao không áp dụng chiêu thức, chiến thuật nương bóng hẳn các nền ẩm thực quen thuộc hơn với thế giới để hút khách cái đã, Hiệp đáp: “Em muốn tiệm của em là tiệm Việt”. Thì ra cái tay Hiệp - ông bố trẻ hai con người xứ Thanh này cũng có khí chất lắm! Tôi xem ảnh thực đơn của CHIFA Vietnam Restaurante: Phở bò, mì bò, cơm rang thập cẩm, những món xào...

Tiệm ăn mới được mấy tháng. Hợp tác giữa Hiệp và một bạn người trong Nam qua đây cũng theo người nhà. Có nghề do làm cho nhà hàng của người bà con trước đây, giờ Hiệp là người đứng nấu. Evelin cũng phục vụ trong quán. Hai vợ chồng đi làm đến khuya mới về. Hai con có ông bà ngoại đưa đón. Ðược cái giáo dục ở Ecuador hoàn toàn miễn phí. Ðó một phần là kết quả của việc Ecuador phát triển được kinh tế lên mức GDP đầu người đạt gần 12.000 USD, nhưng chủ yếu là do mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” mà các vị tổng thống cánh tả của Ecuador và một số nước Nam Mỹ khác chủ trương.

Hai cháu Quynh Anh Honey Dinh Si Chile, Bao Khoi Camilo Dinh Si Chile

Biển hiệu tiệm ăn Việt Nam của Hiệp ở Quito, Ecuador

Món ăn trong nhà hàng của Hiệp

Món ăn trong nhà hàng của Hiệp

Danh thiếp tiệm ăn của Hiệp đề rõ “Tiệm ăn Việt Nam" và in cờ đỏ sao vàng

Đại gia đình Ecuador của Hiệp

Mong muốn khẳng định ẩm thực Việt ở tít xa Nam Mỹ, Hiệp và bạn đối tác đang gặp khó khăn vì người ở đó biết ít thông tin về Việt Nam nên nhà hàng chưa thu hút được đủ khách để hoạt động hiệu quả. Thành thử vừa qua Hiệp phải chật vật vay tiền hà hơi thổi ngạt cho nhà hàng. Hiệp đã định đóng cửa tiệm nhưng bố ở nhà nhắn sang là kiên trì thêm năm nữa vì ông cảm thấy cái vận làm ăn của Hiệp chỉ năm nay mới đến.

Tôi có hỏi Hiệp, trong khó khăn, cô Evelin thế nào? Ở Ecuador, chắc Evelin theo đạo Thiên Chúa, lấy cô, Hiệp có phải theo không? Hai người có “xung đột văn hóa không”? Hiệp kể được cái từ khi lấy nhau, lúc đầu bố mẹ không đồng ý, cho đến lúc bảo hai đứa thôi ở thuê chuyển về nhà cùng sống đến nay chưa thấy xảy ra chuyện gì. “Còn đạo của ai thì người ấy cứ theo thôi”. Tôi xem cái ảnh chụp toàn bộ gia đình nhà ngoại của Hiệp: Bốn vợ chồng, con cái của Hiệp với bố mẹ và hai em trai của Evelin đứng thành một khối hình Kim Tự Tháp nhìn rất chắc chắn và khí thế!

Thôi thì vừa mừng vừa chia sẻ với Hiệp và Evelin. Tôi nhắn: "Bọn em cứ kiên trì rồi biết đâu chân cứng đá mềm". Hi vọng và cầu chúc cái gia đình nhỏ lam lũ nhưng có vẻ không thiếu tình yêu thương và luôn hướng vọng về đất mẹ ấy vượt qua bước khởi đầu nan, làm ăn dần khấm khá để có dịp vượt nửa vòng trái đất về với quê hương.

Lê Xuân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-con-tha-huong-va-tiem-an-viet-o-ecuador-1375397.tpo