Người con của bản

Trên vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc, có một cán bộ người dân tộc Hà Nhì 30 năm qua thường xuyên gần dân, bám bản, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Mỗi bản làng anh từng đặt chân đến đều để lại tình cảm sâu đậm, được bà con yêu mến coi như người con của bản. Người cán bộ đó là Thượng tá Pờ Chí Lình, Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên.

“Có duyên” với công tác dân vận

Do mới nhận nhiệm vụ Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, nhiều việc phải làm, nên quỹ thời gian của Thượng tá Pờ Chí Lình dành cho chúng tôi khá hạn hẹp. Hơn nữa anh cũng không muốn nói về mình, về những thành tích và kết quả anh làm được trong suốt 30 năm quân ngũ.

Thượng tá Pờ Chí Lình sinh ra và lớn lên ở bản Tả Khó Khừ, xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên). Tháng 9-1984, anh được cử đi học thiếu sinh quân, sau đó được cử tuyển đi đào tạo sĩ quan chính trị. Ra trường, Pờ Chí Lình được điều động về tỉnh Điện Biên, công tác ở các đơn vị địa bàn biên giới, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

 Thượng tá Pờ Chí Lình với bà con dân bản xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Thượng tá Pờ Chí Lình với bà con dân bản xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Năm 2002, khi huyện Mường Nhé thành lập, anh được cấp trên điều động làm trợ lý dân vận, Ban CHQS huyện. Được trở về đúng quê hương công tác và gần gũi với bà con dân bản, Pờ Chí Lình vui không gì tả xiết. Anh tự nhủ, với cương vị là một cán bộ làm công tác dân vận, mình sẽ cố gắng học tập, rèn luyện, dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ; giúp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nắm chắc tình hình địa bàn; vận động người dân không di dịch cư tự do, không nghe kẻ xấu, tích cực lao động, phát triển kinh tế, xã hội.

Ngoài tiếng Hà Nhì, Pờ Chí Lình còn học và biết thêm các tiếng dân tộc Mông, Dao. Anh cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ chăn nuôi, trồng trọt do ngành nông nghiệp huyện, tỉnh tổ chức để tích lũy vốn liếng tuyên truyền, vận động bà con. Theo anh Lình, cán bộ làm công tác dân vận phải thường xuyên sâu sát cơ sở, miệng nói, tay làm; hiểu được tiếng nói, phong tục, tập quán, lối sống sinh hoạt của bà con, có như vậy việc nắm tình hình địa bàn mới chắc, vận động bà con mới hiệu quả.

Huyện Mường Nhé cách đây khoảng 10 năm gặp vô vàn khó khăn, trở ngại. Từ giao thông, y tế, trường học đến cơ sở hạ tầng. Không ít nơi được coi là vùng đất “5 không” (không đường giao thông, không chợ, không điện lưới, không nước sạch, không điện thoại). Trong khi đó địa bàn rộng, người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Hà Nhì… trình độ nhận thức hạn chế, kinh tế chậm phát triển. Là cán bộ làm công tác dân vận thường xuyên phải đi cơ sở, có thôn bản đi xe máy đến nơi được, nhưng nhiều nơi anh phải đi bộ cả ngày trời. Dù vậy, các nhiệm vụ được giao anh vẫn hoàn thành tốt, tạo dựng lòng tin yêu của cán bộ và bà con các dân tộc nơi đây.

Miệng nói, tay làm

Tranh thủ ngày nghỉ, Thượng tá Pờ Chí Lình dẫn chúng tôi đến bản Tân Phong, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé thăm nơi ở mới của 76 hộ dân tộc Mông. Những ngôi nhà sàn mọc san sát dưới chân đồi, xen trong tán cây rừng xanh mát, báo hiệu cuộc sống ấm no, đủ đầy. Chứng kiến anh Lình trò chuyện thân mật với bà con bằng tiếng dân tộc Mông, tuy chúng tôi không hiểu, nhưng qua cử chỉ, ánh mắt chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết giữa anh với bà con nhân dân nơi đây. Thấy chúng tôi tò mò, anh Lình lý giải, những hộ dân này trước đây ở bản Húi To và Tá Phì Chà, xã Chung Chải. Do nằm trong vùng lõi rừng phòng hộ, cũng là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đặc biệt, một số nhà dân được xác định là nguy hiểm khi có lũ ống, lũ quét, hoặc do sinh hoạt dễ gây ra hỏa hoạn cháy rừng, nên địa phương có chủ trương di dời. Huyện ủy-UBND huyện xác định lấy LLVT làm nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động các hộ dân di chuyển về bản mới Tân Phong. Nhận nhiệm vụ, Thượng tá Pờ Chí Lình bàn bạc trong Đảng ủy, Ban CHQS huyện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu cho địa phương khẩn trương thực hiện. Sau gần một năm, việc di dời bà con đến nơi ở mới hoàn thành, được coi như một “kỳ tích” ở huyện Mường Nhé thời điểm đó.

Ông Giàng A Sấu, trưởng bản Tân Phong chia sẻ: “Được về bản mới bà con ai cũng vui mừng phấn khởi, không phải sống trong tâm trạng lo lắng vì lũ lụt, hay cháy rừng nữa. Chỉ trong thời gian ngắn, bộ đội Lình cùng anh em dân quân đã giúp đỡ gia đình mình cùng bà con về bản Tân Phong này. Giờ thì dân bản yên tâm làm ăn, sinh sống rồi, cảm ơn bộ đội Lình lắm”. Bà Giàng Thị Lẩu, bản Tân Phong cũng xen vui câu chuyện: “Nhờ bộ đội Lình kể về bọn xấu, dân bản mình với biết đấy. Từ nay, bà con không nghe theo chúng nữa, cũng không di cư đi đâu nữa. Nghe bộ đội, yên tâm làm ăn ở đây thôi...”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thanh Nghị, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Điện Biên khẳng định: “Thượng tá Pờ Chí Lình là cán bộ có nhiều kinh nghiệm cũng như uy tín trong công tác dân vận, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Anh đi đến đâu cũng được bà con yêu quý, giúp đỡ, coi như người thân trong gia đình”.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác vận động quần chúng, Thượng tá Pờ Chí Lình nhận được nhiều khen thưởng của các cấp, các ngành ở địa phương. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, anh liên tục nhận được Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương, Tổng cục Chính trị...

Bài, ảnh: DUY TUẤN - TRUNG HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/nguoi-con-cua-ban-624926