Người có uy tín là cầu nối quan trọng

Thực tế đã khẳng định, người có uy tín có vai trò quan trọng, là cầu nối trong việc hóa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng. Với uy tín của mình, không ít già làng, trưởng bản, người có uy tín đã hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn trong nhân dân. Qua đó, góp phần giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản, xây dựng tình đoàn kết trong nhân dân.

Già làng, người có uy tín là cầu nối quan trọng hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng người DTTS. Ảnh: Bích Nguyên

Già làng, người có uy tín là cầu nối quan trọng hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng người DTTS. Ảnh: Bích Nguyên

Những tiếng nói có “trọng lượng”

Ông Vàng A Le, sinh năm 1959, dân tộc La Hủ, bản Seo Thèn B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu là một trong số những người có uy tín được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh vì có những đóng góp cho thôn bản. Nhiều năm qua, bên cạnh việc vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục, ông Le còn là thành viên tích cực cùng các ban, ngành, đoàn thể xã làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Bản thân ông đã tham gia hòa giải thành công 8 vụ việc tranh chấp ruộng nương, mâu thuẫn vợ chồng, anh em trong các gia đình. Khi thực hiện hòa giải, ông thường xuyên gặp gỡ các hộ có tranh chấp đất đai, xem xét thực tế phần đất của từng gia đình. Song song với đó, ông gặp những người cao tuổi trong bản để tìm hiểu thêm thông tin về nguồn gốc đất đai của các hộ đang tranh chấp. Từ đó, ông cùng các gia đình xác định, làm rõ mốc giới của mỗi hộ, vận động các gia đình nhường nhịn nhau để giữ gìn sự đoàn kết trong bản.

Cũng bằng uy tín của mình, nữ già làng Siu H Phyin của làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, Gia Lai đã vận động nhân dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Già Phyin thường xuyên phối hợp với BĐBP tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Trong 10 năm qua, già tham gia tuyên truyền pháp luật 45 lần cho hơn 1.300 lượt người, phát hiện và tham mưu cho BĐBP và Công an xử lý 9 vụ/13 đối tượng gây rối, có hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, vận động, cảm hóa được 9 đối tượng cá biệt.

Có thể coi già Phyin như một “đại sứ hòa bình” khi đã hóa giải được nhiều vụ mâu thuẫn, cãi cọ trong gia đình, dòng họ. Vụ hòa giải cho một đôi vợ chồng trẻ mấy năm trước là một ví dụ. Chuyện là, anh chồng thường xuyên uống rượu, không chí thú làm ăn dẫn tới hai vợ chồng hay cãi lộn. Thậm chí, có lần uống rượu say, anh chồng còn mắng chửi, đánh đập vợ con.

Biết rõ nguyên nhân khiến gia đình đôi vợ chồng này bất hòa, già Phyin tới nhà nói chuyện, phân tích cho cả hai vợ chồng điều đúng, điều sai để họ biết nhường nhịn, cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Chia sẻ về bí quyết hòa giải, già Phyin cho biết, với mỗi người già đều phải có cách nói chuyện, vận động khác nhau. Có những người mình phải gặp gỡ, động viên nhiều lần, mỗi ngày nói một ít, như tích nước mưa. Cách nói chuyện của già Phyin vì thế mà luôn được coi trọng trong cộng đồng.

Ông Phùn Hợp Sềnh, dân tộc Dao, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh cũng được biết đến là người có tài vận động, thuyết phục người dân trong bản. Mấy năm trước, có một số thanh thiếu niên người Dao hiếu kỳ bị các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động, lôi kéo đi nghe giảng đạo trái pháp luật, trọng điểm là ở bản Tài Phố, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an ninh trong cộng đồng.

Ông Phùn Hợp Sềnh cùng các già làng, trưởng bản đã xây dựng mô hình “Nhân dân bản Tài Phố giữ gìn phong tục tập quán, ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo, tạp đạo từ biên giới vào trong nội địa” và vận động nhân dân thực hiện. Thông qua tuyên truyền, vận động, ông Sềnh đã thuyết phục được nhiều thanh niên không nghe giảng đạo trái phép, quay lại với phong tục tập quán của người Dao.

Xây dựng nhiều mô hình hiệu quả

Triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hằng năm, Ủy ban Dân tộc (UBDT) ban hành các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc tỉnh, huyện, xã và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gồm già làng, trưởng thôn, bản, phum, sóc, bí thư chi bộ, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản, phum, sóc, người có uy tín và người sản xuất giỏi.

Trong đó, có nội dung lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật... phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và tập quán của đồng bào DTTS.

Giai đoạn từ năm 2014 - 2016, UBDT đã tổ chức 27 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc địa phương và đồng bào DTTS, thu hút 3.180 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, mô hình câu lạc bộ pháp luật đã được xây dựng tại các tỉnh, huyện và xã với 50 thành viện/câu lạc bộ gồm đại diện chính quyền, tư pháp, công an, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh xã; đại diện một tổ chức đoàn thể ở thôn, ấp, bản, người có uy tín.

Già Siu H Phyin trò chuyện, trao đổi tình hình thôn làng với cán bộ Biên phòng. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, trong 5 năm qua, UBDT đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa; hỗ trợ, bổ sung các tủ sách pháp luật cho 80 xã tại 8 tỉnh: Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Trị và Bình Định. Đồng thời biên soạn cuốn Sổ tay hỏi đáp pháp luật dành cho đồng bào DTTS và miền núi. Riêng trong năm 2018, UBDT đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại 3 khu vực: Miền núi phía Bắc; duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.

Theo đánh giá của UBDT, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật của đồng bào DTTS ở miền núi. Người dân đã biết sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm; khắc phục dần tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật.

Từ đó, dần dần loại bỏ những tập tục không còn phù hợp của các DTTS, nhất là những tập tục dẫn đến nguyên nhân đói, nghèo, tranh chấp đất đai, vườn rừng, ly hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-co-uy-tin-la-cau-noi-quan-trong/