Người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử bị xử lý như thế nào?

Đơn vị bầu cử là gì? Có bao nhiêu loại đơn vị bầu cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp? Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử được thực hiện như thế nào?

[audio(86278)]

(Tiếp theo kỳ trước)

Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định rõ: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào quy định của Luật này, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể 02 tội liên quan đến bầu cử gồm:

- Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (Điều 160):

“1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

- Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (Điều 161):

“1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp gồm những tổ chức nào?

Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp gồm có:

- Hội đồng bầu cử quốc gia.

- Các Ủy ban bầu cử được thành lập ở các đơn vị hành chính có tổ chức HĐND gồm:

+ Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

+ Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

+ Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn.

- Các Ban bầu cử được thành lập ở từng đơn vị bầu cử gồm:

+ Ban bầu cử đại biểu Quốc hội.

+ Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.

+ Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện.

+ Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.

- Các Tổ bầu cử được thành lập ở từng khu vực bỏ phiếu.

Riêng tại các địa phương thực hiện hoặc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, việc tổ chức các tổ chức phụ trách bầu cử xin xem thêm Câu 79.

Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập như thế nào? Số lượng thành viên, cơ cấu tổ chức của Hội đồng bầu cử được quy định như thế nào?

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập gồm từ 15 đến 21 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

Hội đồng bầu cử quốc gia được thành lập theo Nghị quyết số 118/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Chủ tịch Quốc hội được Quốc hội bầu theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 04 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đại diện cho các cơ quan trung ương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Hội đồng bầu cử quốc gia là gì?

Hội đồng bầu cử quốc gia có các chức năng, nhiệm vụ cơ bản sau đây:

- Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội.

- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

- Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử.

- Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử.

- Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử.

- Quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu Thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử.

(Còn nữa)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202103/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap-nhiem-ky-2021-2026-nguoi-co-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-ve-bau-cu-bi-xu-ly-nhu-the-nao-921854/