Người có hai bộ phận sinh dục: Chuyên gia lý giải nguyên nhân không ngờ

Hai cháu bé này cùng có hai bộ phận sinh dục nam và nữ. Nhiều người băn khoăn lý do gì gây nên hiện tượng này?

Mang trên mình hai bộ phận sinh dục (nam và nữ) nhưng từ lâu nay, hai bé gái ở bản Nà Hum (Lai Châu) vẫn mong ước được làm con gái, được nuôi tóc dài và chơi đồ chơi của các bạn nữ.

Khi PV Người đưa tin có mặt tại bệnh viện Việt Đức vào chiều muộn ngày 12/6, hai bé Tòng Thị Ninh (9 tuổi) và Tòng Thị Tính (7 tuổi) quê ở bản Nà Hum, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đang nghịch chơi ở khoa. Thấy có người tới hỏi thăm, hai bé chạy vội về phòng, nét tinh nghịch hiện rõ qua ánh mắt và từng hành động của hai bé nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, hai bé lại khá rụt rè.

Nhìn vẻ bề ngoài xinh xắn rất nữ tính của hai chị em Ninh và Tính, không ai nghĩ hai bé lại có hai bộ phận sinh dục (nữ và nam) cùng phát triển. Khi mới sinh, bộ phận sinh dục nam của hai bé chỉ như một khối thịt thừa nhưng càng lớn nhìn rõ nét là bộ phận sinh dục nam.

Chị Lò Thị Tọn (mẹ hai bé Ninh và Tính) kể rằng, sáng 8/6, vợ chồng anh chị và hai con gái được cô giáo bé Ninh đưa xuống bệnh viện Việt Đức để thăm khám và điều trị.

Chị Tọn đang chăm hai con tại bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Nguyễn Huệ

Chị Tọn đang chăm hai con tại bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Nguyễn Huệ

Hai con mắc bệnh lạ, bản thân chị cũng như những người ở bản Nà Hum không biết nguyên nhân từ đâu. Những ngày này, hai con của chị vẫn nằm lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi. Còn chồng chị đã trở về nhà để gặt lúa và chăm sóc đứa con trai út vốn cũng không được minh mẫn.

“Ở bản Nà Hum, tất cả mọi đứa trẻ đều bình thường, chỉ hai đứa con gái nhà tôi là bị như vậy. Từ trước tới nay, bản tôi cũng không có ai có hai bộ phận sinh dục. Gia đình cho cháu đi khám ở bệnh viện huyện, các bác sĩ nói phải xuống Hà Nội mới làm được. Nhưng gia đình tôi không có điều kiện, tiền lo bữa cơm còn không đủ nên không đưa được các cháu đi sớm hơn”, chị Tọn tâm sự.

Theo chị Tọn, gia đình chỉ làm nông nghiệp, cuộc sống dựa vào mấy nương ngô, được mùa thì đủ ăn, mất mùa thì cả nhà chịu đói. Chồng chị Tọn có đi làm thuê tuy nhiên số tiền cũng chỉ đủ cho 3 đứa con đi học.

“Bây giờ, các con càng lớn càng biết hơn, thỉnh thoảng cũng hỏi mẹ vì sao lại như vậy. Tôi cũng không biết tìm lý do gì để giải thích cho các con hiểu. Tôi muốn con được phẫu thuật sớm để phát triển như bé gái bình thường và có thể lấy được chồng.

Với Ninh và Tính, hai bé vẫn mong ước được mang giới tính nữ.

Còn với Ninh và Tính, phải mất khá nhiều thời gian trò chuyện, hai bé mới nói lên mong muốn của bản thân là được cắt bỏ bộ phận sinh dục nam để là con gái “thực sự”.

“Cháu rất thích là con gái, thích để tóc dài và thích chơi với bạn gái. Mỗi khi nhìn vào vị trí có bộ phận sinh dục nam, cháu rất sợ. Cháu muốn được phẫu thuật thành con gái để được về nhà cùng các bạn đi học”, Ninh khẽ nói lên ước mơ của mình.

Không chỉ với 2 trường hợp trên, tại Bắc Mê (Hà Giang) nhiều trường hợp trẻ có hai bộ phận sinh dục.

TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi - BV Việt Đức cho biết: Hầu hết các trường hợp mắc phải hội chứng 2 cơ quan sinh dục nam và nữ ở miền núi nước ta là do hôn nhân cận huyết. Các cháu bé cùng lúc có 2 cơ quan sinh dục nam và nữ tại Hà Giang mắc phải Hội chứng DSD - còn gọi là Hội chứng rối loạn phát triển giới tính. Những bệnh nhân mắc phải hội chứng này nếu nhìn bên ngoài sẽ tưởng rằng cùng lúc họ có 2 bộ phận sinh dục nhưng không phải.

Ảnh: Phạm Ngọc Dương

Các cháu bé này có biểu hiện khá giống nhau: Có trường hợp xét nghiệm nhiễm sắc thể (NST) của nó là nữ, nhưng cái nội tiết tố của nó không nhạy cảm với nội tiết tố nữ, mà nó nhạy cảm với nội tiết tố nam. Chính vì thế, các bộ phận sinh dục ngoài của nó sẽ phát triển như của nam, âm vật to như dương vật nhưng cơ thể vẫn có âm đạo, có trường hợp vẫn có buồng trứng.

Ngược lại, có trường hợp NST là nam, nhưng không nhạy cảm với nội tiết tố nam mà nhạy cảm với tiết tố nữ dẫn tới là nam giới nhưng cơ quan sinh dục lại phát triển thêm cả "môi bé, môi lớn"... như con gái.

Những cháu bé mắc phải hội chứng này có thể phát hiện sớm, có nhiều trường hợp có biểu hiện sớm từ sơ sinh có thể phát hiện sớm, tuy nhiên có những cháu bé giai đoạn sơ sinh không có biểu hiện gì, chỉ đến giai đoạn phát triển mới phát hiện ra được...

Tiến sỹ Nguyễn Việt Hoa nói: "Việc những đứa trẻ bị dị tật như trên không phải hiếm gặp ở nước ta dù khá hiếm trên thế giới. Tôi đã đi tất cả các tỉnh biên giới rồi và tôi thấy rằng, tình trạng dị tật tiết niệu sinh dục đặc biệt là dị tật cơ quan sinh dục có rất nhiều, có những gia đình có mấy anh em đều bị.

Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng trên, tuy nhiên, thực tế ghi nhận hầu hết các trường hợp mắc phải hội chứng này ở miền núi nước ta là do hôn nhân cận huyết.

Tôi từng mổ cho một bệnh nhân ở Hà Giang ở vùng rất sâu, rất xa, bệnh nhân này bị tăng sản thượng thận bẩm sinh, nghĩa là có bộ phận sinh dục ngoài giống như nam nhưng bản chất bệnh nhân là nữ. Tôi đã mổ xong, tạo hình lại cơ quan sinh dục cho bệnh nhân và cho bệnh nhân uống thuốc để duy trì và ổn định cơ thể.

Tuy nhiên, trước khi được phẫu thuật, các cháu vẫn cần phải được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm đánh giá, sau đó các bác sĩ mới hội chẩn và kết luận chi tiết về phương pháp chữa trị.

Để phẫu thuật, tốt nhất là chuyển các cháu xuống Hà Nội, còn phẫu thuật ở tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh là không thể được, vì các phương tiện cơ sở vật chất, kỹ thuật không đảm bảo".

Để đến bước phẫu thuật, các cháu cần phải được thăm khám, xét nghiệm, đánh giá kỹ càng của 5 chuyên gia gồm: Chuyên gia gene di truyền, nội tiết, phẫu thuật, thẩm mỹ, sản. Đây đều là các bước quan trọng không thể thiếu.

Việc chữa trị cho các bệnh nhân này càng sớm càng tốt, vì nếu để quá lâu bệnh nhân bắt đầu dậy thì sẽ ảnh hưởng tới tâm sinh lý của các cháu, ảnh hưởng tới việc phát triển xương, tăng trưởng chiều cao của cơ thể.

(Tến nhân vật đã được thay đổi)

Nam Anh (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/y-te/nguoi-co-hai-bo-phan-sinh-duc-chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-a232828.html