Người có duyên với Sa Pa

Gặp họa sĩ Tô Ngọc Thành khi ông vừa khai mạc phòng tranh 'Gió núi hương mây trời' tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền - Hà Nội. Bước vào triển lãm, cả một không gian Tây Bắc, với núi, với hoa, và những sắc thổ cẩm của người Mông hiện ra lung linh, kỳ ảo.

Công chúng xem “Gió núi hương mây trời” .

Họa sĩ Tô Ngọc Thành cho biết, ở triển lãm này ông bày 63 bức tranh. Điều thú vị của triển lãm, đó là những bức tranh ông chưa công phố lần nào. Ta có thể gặp ở đây bức tranh bằng sáp màu ông vẽ từ những năm 70 của thế kỷ trước, lại có cả những bức tranh sơn dầu còn tươi mới về ruộng bậc thang, về bản Tả Van, Cát Cát.

Ấn tượng nhất với người xem có lẽ vẫn là mảng tranh sơn dầu ông vẽ về Sa Pa – vùng đất là ông đã “phải lòng” từ lâu. Bây giờ Sa Pa có nhiều biến đổi, nhưng qua tranh Tô Ngọc Thành, những sắc núi, sắc cây, sắc hoa vẫn hiện ra khiến người ta thấy yêu quý một vùng đất cũ. Một bất ngờ nữa, mảng tranh Sa Pa lần này được ông vẽ trong quãng từ năm 2016 trở lại đây, đó cũng chính là thời gian một bên mắt của ông đã không còn nhìn thấy gì nữa.

Ông kể, khoảng tháng 7-2016, trong một lần đi tìm nhà trọ ở Sa Pa giúp một nhóm họa sĩ trẻ thuê dài ngày để sáng tác, ông đã bị ngã. Sau đó về thì một bên mắt đã không còn nhìn thấy vật gì nữa. Từ đó, ông đi lại hay vẽ tranh, chỉ bằng một con mắt bên trái.

Nhắc đến mảnh đất Sa Pa, họa sĩ Tô Ngọc Thành có thể kể ra rất nhiều câu chuyện. Bởi gần 20 năm nay, năm nào họa sĩ ông cũng thu xếp đi Sa Pa (Lào Cai) vài ba chuyến. Có chuyến dài 1 tuần, cũng có chuyến dài tới hàng tháng. Ông thường lên Sa Pa vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 9. Đó là quãng thời gian Sa Pa chìm đắm trong vẻ đẹp của sương khói và những mùa gặt. Cũng có khi ông lên Sa Pa để vẽ, nhưng cũng nhiều khi, ông đến mảnh đất này để tạ ơn vì bán được tranh, hoặc cầu xin bệnh tật mau qua để tiếp tục vẽ.

Sa Pa với họa sĩ Tô Ngọc Thành giờ đã thân thuộc. Đến nỗi nhiều người ví ông như “thổ địa” của đất này, thậm chí gọi ông là “Thành Sa Pa”. Ông thường độc hành rong ruổi để tìm những bối cảnh mới lạ đưa vào tác phẩm. Bà con người Mông, người Dao ở Sa Pa đã quá quen với hình ảnh ông họa sĩ “lọ mọ” khắp các bản làng và ngồi lặng lẽ cả buổi để vẽ…

Một tác phẩm vùng cao của họa sĩ Tô Ngọc Thành.

Với hàng trăm chuyến đi Sa Pa, bây giờ, họa sĩ Tô Ngọc Thành không nhớ hết ông đã vẽ bao nhiêu bức về vùng đất này. Năm nào ông cũng tổ chức vài ba cuộc triển lãm, mà cuộc nào, sắc núi hương trời của vùng cao cũng khiến người xem nao lòng, thấy rộn bước chân khám phá.

Hỏi chuyện về vùng cao, đặc biệt là mảnh đất Sa Pa, Tô Ngọc Thành có thể kể từng tên bản, tên người. Vì thế, bây giờ “nhắm mắt” ông cũng có thể vẽ được tranh về Sa Pa. Tuy nhiên, ông cho biết, rất ít vẽ Sa Pa khi đang ở Hà Nội mà thường vẽ luôn ở đó, trong bối cảnh ngó đầu ra là thấy sương bay, chạm tay là cảm được sự buốt lạnh... Chỉ có khi bất khả kháng, không đi Sa Pa được mà nhớ vùng cao quá, hoặc khi phải điều trị hóa chất vì mắc bệnh ung thư thì ông mới vẽ Sa Pa ở Hà Nội thôi...

Nặng lòng với Sa Pa, Tô Ngọc Thành còn để lại những vần thơ về mảnh đất này:

Bồng bềnh mây núi chơi vơi
Chênh vênh phố núi mù trời sương sa
Đường lên vắt vẻo Sa Pa
Mộng mơ một cõi du ta chợ tình
Tượng hồn như được hồi sinh
Mây bay giá lạnh thân mình reo vui
Mờ sương chưa rõ bóng người
Tình ta ôm cả đất trời Sa Pa
Mây bay lơ lửng mơ nhòa
Nhạc rừng rạo khúc Sa Pa gọi mình
Chào Sapa chút hữu tình
Đào phai xòe nở bình minh xuân đời.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành là người duy nhất trong 5 người con của danh họa Tô Ngọc Vân theo nghiệp vẽ. Ông kể, khi lên 4 tuổi đã bắt đầu vào phòng vẽ của bố, được bố cho đi đây đó và được gặp gỡ nhiều họa sĩ tài danh... Chính điều ấy đã tạo cho Tô Ngọc Thành ngọn lửa đam mê với nghệ thuật không bao giờ có thể dập tắt. Đến năm 11 tuổi, ông đã có tranh được tham dự triển lãm quốc tế (năm 1957) và 3 tranh tham dự triển lãm thiếu nhi quốc tế tại Viên (áo), trở thành người nhỏ tuổi nhất Việt Nam có tác phẩm triển lãm.

Ở tuổi gần 80, trò chuyện với Tô Ngọc Thành vẫn thấy ông ấp ủ nhiều dự định. Vẽ, với ông là niềm vui của cuộc sống. Vì thế, trong tranh, ông thường dùng màu sắc tươi sáng, cái nhìm ấm áp, hồn hậu. Ông luôn luôn nhớ lời dặn của cha – họa sĩ Tô Ngọc Vân: “Sáng tác là lẽ sống, ngày nào không vẽ là ngày ấy bỏ nghề. Là họa sĩ mà không vẽ thì chắc chắn là họa sĩ giấy”.

Tôi muốn sống ở Sa Pa, muốn ăn món ăn của người dân tộc, muốn hít thở không khí của Sa Pa, cảm nhận cái rét thấu xương của Sa Pa khi đông về để rồi vẽ cho ra một cái màu Sa Pa riêng biệt...

Họa sĩ Tô Ngọc Thành.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành

Mai Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/nguoi-co-duyen-voi-sa-pa-tintuc403682