Người có duyên khám phá những chuyên án lớn

Tội phạm kinh tế luôn tinh vi, lại có sự hậu thuẫn phía sau nên tìm mọi thủ đoạn để trốn tránh, lách luật. Đấu tranh với những đối tượng này đòi hỏi người cán bộ điều tra phải có nghiệp vụ sắc bén, kinh nghiệm điều tra lâu năm.

Những cuộc đấu trí căng thẳng, những đêm dài trinh sát hay những cuộc vây bắt như phim hình sự là công việc thường ngày của Trung tá Trần Văn Dũng, Đội trưởng Đội xét hỏi 1 (Đội 3), Phòng An ninh điều tra (Công an TP Hà Nội).

Cuộc vây bắt 4 “trùm” sản xuất hàng giả

Dù khá bận rộn bởi những chuyên án luôn nối tiếp, nhưng Trung tá Trần Văn Dũng đã dành cho tôi một buổi trò chuyện thân mật tại phòng làm việc.

Kể về nhiều chuyên án anh trực tiếp tham gia từ làm trinh sát, thu thập tài liệu, chứng cứ, đến quá trình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy bắt các đối tượng, tôi mới cảm nhận được phần nào công việc vất vả mà anh cũng như các CBCS của Đội 3 đã trải qua.

Nếu không có niềm đam mê, không có sự “đau đáu” xả thân cho mỗi chuyên án, thì những vụ án “siêu khủng” mà Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội khám phá thời gian qua sẽ không có được thành công lớn như vậy.

Đó là vụ Tổng Giám đốc Công ty Haproximec cùng đồng bọn tham ô tài sản; vụ Phan Minh Hoàng, cán bộ Hải quan Hà Nội cùng đồng bọn tham ô tài sản; vụ Công ty TNHH thương mại Slim Việt Nam (Công ty Slim) sản xuất thực phẩm chức năng giả; vụ Trần Thị Bích Đào đã thành lập, mua lại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả để bán hóa đơn GTGT bất chính… đều do Trung tá Trần Văn Dũng trực tiếp điều tra, khám phá.

Kể lại cuộc truy bắt các đối tượng trong đường dây sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) giả tại Công ty Slim khi các đối tượng bỏ trốn ở nhiều tỉnh thành ròng rã trong 2 tháng, chúng tôi mới thấm hiểu những khó khăn trong quá trình phá án mà Cơ quan An ninh điều tra gặp phải.

Đây là vụ án phức tạp, số lượng hàng giả rất lớn, liên quan đến nhiều tỉnh, thành gây nhức nhối trong xã hội, được Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Bộ Công an và Ban Giám đốc Công an TP đặc biệt quan tâm chỉ đạo giải quyết.

Vì tính chất phức tạp của vụ án, anh đã xin ý kiến lãnh đạo huy động CBCS của cả Đội cùng vào cuộc. Khi nhận hồ sơ vụ án từ Phòng An ninh kinh tế chuyển sang, Trung tá Trần Văn Dũng không kể ngày đêm, tiến hành nghiên cứu kỹ hồ sơ, tập trung xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để tìm hướng “đột phá” cho vụ án. 9 ngày sau Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án.

Đỗ Đình Nhân (37 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) là Giám đốc công ty đã nhập TPCN của Pháp, Nhật, Đức, Mỹ về bán nhưng do giá nhập khẩu cao nên không có lãi.

Sau đó Nhân đã làm giả TPCN bằng cách đặt in nhãn dán quanh lọ mang thương hiệu nước ngoài, làm vỏ lọ, vỏ hộp, đặt gia công TPCN của các công ty dược phẩm trong nước để làm TPCN giả bán thu lời cao hơn.

Nhân đã chỉ đạo em ruột là Đỗ Đình Nghĩa và 2 người khác là Đỗ Anh Tùng, Vi Văn Hoài cùng thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán TPCN giả.

Thủ đoạn cao siêu của Nhân là để hợp thức hóa việc làm giả và che mắt cơ quan chức năng, hắn chỉ đạo thành lập Công ty TNHH Thương mại xuất khẩu thực phẩm quốc tế NHV và Công ty TNHH dược phẩm Transco Hà Nội đứng ra thỏa thuận với 5 công ty để nhập khẩu TPCN về cho Nhân lấy tư cách pháp nhân gia công TPCN và mượn danh để làm TPCN giả. Khi lực lượng QLTT kiểm tra, chúng có sẵn hàng nhập khẩu và mang ra giám định nên việc làm giả không bị phát giác.

Tuy nhiên các đối tượng không hợp tác với CQĐT, không cùng cơ quan Công an mở niêm phong, lấy mẫu giám định. Ngay sau khi CQĐT làm thủ tục giám định thì cả 4 đối tượng đã bỏ trốn.

Sau nhiều ngày rà soát, xác minh, các anh nắm được thông tin các đối tượng chia ra trốn ở các tỉnh như Cà Mau, Quảng Bình, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Không chỉ thay số điện thoại và dùng ám tín hiệu để liên lạc, Nhân và Hoài còn thay tên đổi họ để dễ bề ẩn náu. Sau 2 tháng ròng rã bám theo di biến động của các đối tượng, lần lượt từng đối tượng đã bị các anh bắt giữ.

Anh Dũng kể, có những chuyến truy bắt vô cùng vất vả, như sáng bay vào TP Hồ Chí Minh thì chiều lại bay ra Hà Nội, đêm lại bay vào. Có những tuần mở niêm phong anh em CBCS phải làm ròng rã nhiều ngày, hôm nào cũng nửa đêm, rạng sáng mới về nhà. Sau 5 tháng ròng rã quên ngày đêm, huy động tối đa lực lượng vào cuộc, vụ án đã kết thúc trong thắng lợi, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Trung tá Trần Văn Dũng đang nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Nỗ lực cho những chuyên án lớn

Anh Dũng kể, ở vụ án sản xuất thực phẩm chức năng giả, các anh phá án không chỉ bởi áp lực, bởi danh dự, bởi lời hứa với Thủ trưởng, mà còn bởi trọng tránh trước nhân dân khi có biết bao người vô tội phải bỏ số tiền lớn để mua thực phẩm giả gây hại cho sức khỏe.

Như một cơ duyên, từ năm 2004 sau khi tốt nghiệp khóa học hàm thụ của Học viện ANND, anh về nhận công tác tại Đội 3, Phòng An ninh điều tra tới nay. Những vụ án mà anh tham gia đều liên quan đến buôn bán tiền giả, thi hộ, thi kèm, tổ chức cho người trốn đi nước ngoài trái phép…

Trưởng thành từ cán bộ điều tra, trải qua tôi luyện thực tiễn gian khổ nên bề dày kinh nghiệm của anh ngày một nhiều thêm. Năm 2007 anh là điều tra viên sơ cấp, năm 2010 là điều tra viên trung cấp, rồi từ Phó Đội trưởng anh được đề bạt lên Đội trưởng Đội 3 vào tháng 9-2016.

Không chỉ sắc sảo về nghiệp vụ, mỗi lần hỏi cung dù đối tượng có ngoan cố tới đâu, nhưng bằng kiến thức và kinh nghiệm sắc bén của anh, đối tượng đều phải thành khẩn khai báo.

Hiếm có một Đội trưởng mà trong mỗi chuyên án đều tham gia trực tiếp từ nhiệm vụ trinh sát như anh. Có thể nói, đó là niềm say nghề, là nhiệt huyết với công việc luôn cháy bỏng cống hiến trong anh.

Nhắc tới Trung tá Trần Văn Dũng là nhắc tới nhiều chuyên án lớn của Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội. Điển hình là sau 24h anh và đồng đội đã buộc 3 đối tượng trong vụ trộm cắp ngà voi từ kho hải quan đem bán phải nhận tội.

Trung tá Trần Văn Dũng đã trực tiếp đấu tranh, xác minh với Phạm Văn Hoàng (cán bộ quản lý kho tang vật, Cục Hải quan Hà Nội) và đối tượng này đã thừa nhận 8 lần trộm cắp ngà voi để bán lấy tiền. Anh đã chỉ đạo tổ công tác xác minh và đưa 2 đối tượng môi giới và tiêu thụ ngà voi về cơ quan điều tra.

Trực tiếp đấu tranh với 2 đối tượng, chỉ sau một thời gian ngắn, các đối tượng đã thành khẩn khai nhận. Sau 24h không ngủ từ khi tiếp nhận thông tin, 3 đối tượng đã bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản, tàng trữ buôn bán hàng cấm.

Còn rất nhiều chuyên án lớn anh tham gia đã được tặng bằng khen, giấy khen. Sau mỗi chiến công thầm lặng đó là thêm một niềm vinh quang, một niềm vui giản dị vì những cống hiến của anh cùng đồng đội góp phần vào sự bình yên cho nhân dân Thủ đô.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-sang/nguoi-co-duyen-kham-pha-nhung-chuyen-an-lon-506590/